Theo cơ quan chức năng, năm 2015 huyện Lục Ngạn có khoảng 110.000 tấn vải tươi, hiện thu hoạch được gần 70.000 tấn và cuối tháng 6 là giai đoạn thu hoạch rộ.
Giá vải “nhảy múa” theo giờ
Mới tờ mờ sáng người dân khắp các xã ở huyện Lục Ngạn lại dùng xe máy chở những sọt vải cao lút đầu tất tả chạy đi chạy lại qua các điểm mua vải thiều thì cũng phần nào hiểu được người nông dân vẫn chưa chủ động được với những quả vải của mình làm ra mà đang phải phụ thuộc hết vào thương lái.
Trưa nắng như lửa đốt, anh Bắc (40 tuổi, người dân trồng vải ở xã Tân Lập) chở theo sọt vải tươi nặng hơn 1 tạ ra các điểm mua ở thị trấn Chũ để bán. Do thương lái trả thấp quá nên anh chạy xe xuống tận xã Phượng Sơn để giao nhưng vẫn không bán được.
Trong lúc đứng dưới tán cây tránh nắng, anh Bắc tâm sự: “Vải ở trên một cây đều như nhau, đẹp như nhau. Lúc sáng tôi chở hai chuyến ra thị trấn bán được với giá 15.000 đồng/kg, nhưng chỉ hơn một tiếng sau quay lại họ nói vải này chỉ được 13.000 đồng/kg. Tôi hỏi lý do sao lại giảm hai giá như vậy thì họ nói tại trưa rồi mà hàng lại nhiều nên chỉ được vậy thôi”.
Vừa nói dứt lời, anh Bắc lại cùng nhiều người dân tiếp tục rong hàng đi qua các điểm mua vải thiều giữa trưa nắng để mời chào thương lái...
Người dân đi bán vải thiều cho biết không chỉ bán lúc gần trưa hay chiều mới bị ép giá, mà nhiều hôm buổi sáng khi thương lái thấy vải đến các điểm mua nhiều cũng bắt chẹt.
Để bán được những sọt vải tươi vào những ngày này, gia đình ông Hoàng Văn Toản (ở làng Ổi, xã Nghĩa Hồ) phải thuê thêm nhân công để thu hái cho kịp giờ bán, có những hôm còn bắc điện thâu đêm để thu hoạch.
6g sáng ông Toản chở chuyến vải đầu tiên ra khu vực Trại 1 (thị trấn Chũ) cân cho thương lái với giá 17.000 đồng/kg. Sau chuyến đầu tiên trong ngày thuận lợi, ông Toản tiếp tục về lấy thêm chuyến nữa để mang ra chợ bán, cũng tại một điểm cân ở Trại 1 nhưng không ngờ bị giảm bốn giá.
Là một trong những người gắn bó hàng chục năm nay với cây vải thiều, ông Nguyễn Huy Lượng (70 tuổi, ở thôn Xây Lắp, xã Thanh Hà) nói rằng ông mang vải ra chợ bán hơn 20 năm rồi nhưng hầu như năm nào cũng bị thương lái ép giá, cân không đúng.
Ông Lượng kể tiếp: “Để không bị mất oan tiền phải cập nhật giá cân tại chợ thường xuyên. Có hôm người cùng xã vào cân vải với tôi do không biết giá, đáng ra vải bán được 22.000 đồng/kg nhưng thương lái quát giá 16.000 đồng/kg cũng bán luôn”.
“Tôi báo công an”
Tại các điểm mua vải thiều ở huyện Lục Ngạn, từ xã Phượng Sơn đến thị trấn Chũ rồi xã Nghĩa Hồ... vào những ngày này có hàng trăm điểm mua cân vải.
Sau khi chạy một vòng quanh thị trấn Chũ nhưng vẫn bị trả quá rẻ bèo chỉ 8.000-10.000 đồng/kg, anh Chu Văn Long (27 tuổi, ở thôn Mới, xã Nghĩa Hồ) đã quyết định bán cho một thương lái trạc ngoài 50 tuổi với giá 11.000 đồng/kg.
Anh Long vui mừng nói: “Bán giá 11.000 đồng thì mới có lãi, ở nhà đã thuê bao nhiêu người hái rồi. Dưới 11.000 đồng thì chở về nhà thôi vì chi phí đã quá tội. Ép giá thì cũng ép vừa thôi”.
Sau đó thương lái bỏ lên cân, do sọt vải của anh Long nặng gần 1,7 tạ vượt cân nên phải cân hai lần. Lần một cân được 148kg, lần hai cân được 21kg nhưng chỉ trong giây lát thương lái “hô biến” và nói rằng lần một cân được 139kg, đã mất 9kg vải trong nháy mắt.
Sau đó cả người bán và thương lái bắt đầu giằng co, cãi nhau đến khi anh Long đe “để tôi gọi công an tới” thì thương lái kia mới nói lại rằng: “Tôi tính nhầm, mới đầu cứ tưởng có 139kg thôi cơ”.
Không dừng lại ở đó, sọt vải của anh Long lại bị trừ đi 14kg không một lý do. Khi được hỏi tại sao thương lái lại trừ nhiều như vậy, người đi cân vải nói: “Mỗi sọt vải bị trừ từ 10-15kg. Họ bảo trừ lùi cân là chuyện đương nhiên, mặc dù khi cân đã vặt những quả bé ra ngoài”.
Sau đó anh Long tiếp tục bị trả lại ba chùm vải khoảng 15kg do thương lái chê quả xấu. Bán xong sọt vải anh Long nói như phát khóc: “Quả vải tươi là như vậy đó. Nhiều lúc vải được mùa nhưng sau khi bán cho thương lái thì được mùa cũng như mất...”.
Người nhỏ thó, da đen nhẻm sau nhiều ngày đội nắng hái vải, anh Trần Văn Toàn (32 tuổi, ở xã Phượng Sơn) mua túi nước mía đứng ngay dưới lòng đường uống vội để kịp về nhà cùng vợ đưa sọt vải tiếp theo ra các điểm mua vải thiều.
Anh nói: “Từ đầu mùa vải tới nay hầu như sọt vải nào của anh cũng phải trừ trên 10kg. Tại các điểm mua nhiều người đưa vải từ trên xe xuống để cân cũng xin tiền. Giá vải lên xuống thất thường và thương lái hay trả lại vài chùm khi cân. Người trồng vải chỉ lấy công làm lãi. Tiếng là vải đẹp mua với gần 20.000 đồng/kg nhưng trừ mọi chi phí rồi hao hụt lúc cân thì cũng không còn bao nhiêu”.
Ông Nguyễn Mạnh Hà - trưởng phòng kinh tế hạ tầng (UBND huyện Lục Ngạn) - thừa nhận rằng việc cân gian cũng xảy ra nhiều ở các điểm mua vải tươi. Ông Hà cho biết trước mùa thu hoạch vải đơn vị này đã phối hợp với nhiều cơ quan chức năng của huyện, tỉnh để lập các đoàn thanh tra đột xuất tại các điểm mua vải thiều.
Từ đầu mùa vải đến nay cơ quan chức năng đã phát hiện tám điểm cân gian lận, đã xử lý một trường hợp và hai trường hợp khác đang chờ để xử lý.
“Cái khó xử lý cân gian là khi phát hiện thấy cơ quan chức năng kiểm tra các đối tượng này bỏ chạy. Năm ngoái có trường hợp thương lái trong nước và cả thương lái Trung Quốc cân gian, sau đó người dân bức xúc quá bao vây nhưng năm nay chưa có những vụ nghiêm trọng như vậy.
Thời gian tới nếu phát hiện những trường hợp nào vi phạm, chúng tôi sẽ xử lý nghiêm, không bao che cho bất cứ ai gian lận trong mua vải của nông dân” - ông Nguyễn Mạnh Hà khẳng định.
Ông Lê Bá Thành - phó chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn - cho biết năm nay ở Lục Ngạn vải thiều thị trường được mở rộng hơn nên chuyện ép giá không còn nhiều. Ông cho biết những năm trước thị trường của vải thiều chủ yếu là Trung Quốc và trong nội địa, nhưng năm nay vải đã đến Úc, Mỹ, Nhật, Malaysia... Ngoài ra TP.HCM và những tỉnh khu vực phía Nam đang chiếm vai trò quan trọng trong vai trò tiêu thụ.
Ông Thành khẳng định nguyên nhân khiến người dân bị ép giá là do chưa tạo được cầu nối với doanh nghiệp. Trước mắt những ngày tới và sau này, các vụ tiếp theo chính quyền sẽ tiếp tục tạo thêm nhiều cầu nối giữa doanh nghiệp với người nông dân.
Hiện nay trên địa bàn huyện có sáu mã vùng sản xuất trên 60ha sản xuất theo tiêu chuẩn xuất khẩu sang các thị trường khó tính và được đảm bảo tiêu thụ.
Người dân Lục Ngạn đội nắng tìm thương lái mua vải thiều - Ảnh: QUANG THẾ
Ông Hoàng Văn Toản (ở làng Ổi, xã Nghĩa Hồ) buồn rầu vì chưa bán được sọt vải do thương lái trả quá thấp
Người dân Lục Ngạn đội nắng tìm thương lái mua vải thiều - Ảnh: QUANG THẾ
Người dân Lục Ngạn đội nắng tìm thương lái mua vải thiều - Ảnh: QUANG THẾ
Mở tiệc liên hoan sau mùa vải “Chúng tôi vui lắm. Ai cũng khấp khởi và nói xong mùa sẽ mở tiệc liên hoan sau khi thu hoạch xong. Những năm trước cho dù chúng tôi sản xuất theo tiêu chuẩn sạch nhưng ra chợ quả vải bị trả bèo bọt. Rồi bị thương lái ép giá, trừ lùi, gian lận... Nhưng từ năm nay khi có doanh nghiệp đến tận vườn mua ổn định, người dân yên tâm hơn” - anh Đặng Văn Thắng, tổ tưởng tổ sản xuất vải thiều xuất khẩu ở thôn Ngọt (xã Hồng Giang), chia sẻ. Anh Thắng nói trước đây không có doanh nghiệp đến vườn mua, người trồng vải mỗi khi mùa thu hoạch đến cứ ăn ngủ không yên vì lo giá vải lúc lên lúc xuống. Nay sản xuất tiêu chuẩn xuất khẩu chi phí cũng giảm mà giá thành lại cao. Hiện tại Công ty Rồng Đỏ đang mua với giá ổn định tại xã Hồng Giang từ đầu mùa vải đến nay tại vườn là 21.000 đồng/kg. “Trước đây có những ngày sáng bán 20.000-25.000 đồng nhưng chiều chỉ còn 10.000 đồng/kg. Công ty đến cân chúng tôi luôn chủ động được thời gian, lúc nào cần vải thì báo trước để người dân chuẩn bị thu hoạch. Khi cân ở các điểm mua vải thiều do doanh nghiệp đứng ra chúng tôi không bị trừ lùi cân. Năm nay trừ mọi chi phí, gia đình tôi thu về 150 triệu đồng” - ông Hoàng Văn Tuất (57 tuổi, Thông Ngọt) cười tươi nói. |
Nhận diện vải thiều Lục Ngạn Ông Lê Bá Thành - phó chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn - khẳng định hiện nay ở nhiều thị trường như: Hà Nội, TP.HCM xuất hiện nhiều điểm “bán vải thiều Lục Ngạn dưới 10.000 đồng/kg” không phải là vải thiều Lục Ngạn. Vì giá vải thiều thu mua tại địa phương loại 3 đã khoảng 15.000 đồng, loại đẹp trên 23.000 đồng/kg. Vải thiều Lục Ngạn thường chín muộn hơn so với các loại vải khác. Quả vải thường đỏ mọng, hạt nhỏ, cùi dày, ngọt đậm... |
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]