Chỉ khi đóng vai thương lái thu mua mới có cái nhìn thật nhất về giá vải thiều ở “thủ phủ” Bắc Giang. Người nông dân đã và đang mất ăn mất ngủ vì vải thiều. “Đến hẹn lại lên”, do không tìm được đầu ra, người nông dân than trách: Thông tin không chuẩn xác như lâu nay chẳng khác gì “cầm dao cứa vào tim chúng tôi”!
Vải ngon đi Trung Quốc
Trong vai một thương lái đi mua vải thiều để "đánh hàng" vào miền Trung, sáng 13.6, chúng tôi có mặt ở chợ vải Hồng Giang, thị trấn Chũ, huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) - thương hiệu vải thiều Lục Ngạn nổi tiếng không kém vải thiều Thanh Hà (Hải Dương).
Mới rạng sáng đã tấp nập người bán, kẻ mua. Xe máy chở sọt vải từ các ngả đường ùn ùn đổ về trung tâm thị trấn.
Cảnh sát, thêm cả lực lượng quân đội hỗ trợ phân luồng mà giao thông tắc vẫn hoàn tắc vào lúc cao điểm. Một phụ nữ tuổi trung niên đến hất hàm hỏi tôi: "Có điểm chưa mà đi mua?". Rất may, có điểm thu mua vải cho tỉnh đoàn Quảng Ngãi (nhờ Công ty Đại Việt thu mua hộ) ngay gần, tôi liền chỉ tay. Người phụ nữ này luôn theo sát, tôi đến gần xe vải nào chị ta cũng ở bên và chơi trò "dìm hàng" để tôi không thể kéo được xe vào điểm thu mua của mình.
Bà bán bánh dày, bánh tẻ bên hè đường thấy tôi có vẻ lớ ngớ, thương tình, liền bảo: "Cô mới mua lần đầu à, không được đâu, người "chỉ vải" phải là người địa phương kia". Tôi liền chỉ một thương lái Trung Quốc tay cầm bút đang đứng bên xe vải ngã giá, bà bán bánh nhìn tôi cười: “Họ ở đây cả tháng trời chứ đâu ít, họ đến từ khi vải còn chưa vào vụ, năm nào cũng đến”. Ở chợ này, thương lái Trung Quốc là chính, thương lái trong nước đánh hàng đi mấy tỉnh quanh đây.
Họ ra xe vải để kiểm tra xem người "chỉ vải" có chọn đúng mã vải cần mua không. Cũng có thương lái Trung Quốc trực tiếp thu mua. Họ quen rồi nên chỉ nhìn sọt vải là nói gọn lỏn: "14" (14.000 đồng/kg), người bán muốn tăng giá thì cũng gọn lỏn "1" hoặc "2" - nghĩa là tăng thêm 1, 2 giá (15.000 đồng hoặc 16.000 đồng/kg). Thấy tôi khen mã vải đẹp, đều quả, chị thu mua cho Tỉnh đoàn Quảng Ngãi cho hay, vải loại 1 thường gọi là "hàng hoa" thì không bao giờ ra chợ, thương lái Trung Quốc đón mua từ ở vườn rồi, ra đến chợ chủ yếu là loại 2, loại 3.
Hiện có khoảng trên 200 thương lái có mặt ở Lục Ngạn để thu mua vải. Có thương lái Trung Quốc làm ăn lớn, trao quyền thu mua cho người Việt, nếu mua mã hàng không được đẹp, họ trả lại, phải chấp nhận. Số thương lái diện này không nhiều, chủ yếu là thương lái có mặt tại đây, trực tiếp kiểm tra mã hàng ngay khi mua.
Thương lái Trung Quốc chỉ quan tâm đến mã hàng đẹp, chín đều, đỏ au, quả căng mọng. Anh Nguyễn Quang Tuấn đánh hàng đi Quảng Ninh cho biết, vì người tiêu dùng trong nước chỉ thích mua giá vừa túi tiền nên anh chỉ"đánh" hàng loại 3 đi bán, ở đâu bà con cũng bảo vải rẻ, người bán đứng ê chề có ai mua đâu mà bán ăn lời thế.
Tôi đem chuyện giá vải ở Hà Nội mua chỉ 20.000 đồng/kg, trong khi ở chợ đầu mối Hồng Giang giá bình quân 15.000 - 18.000 đồng/kg. Ông Chu Văn Báo - Trưởng phòng NNPTNT huyện Lục Ngạn - cười và bảo: “Chị phải nhìn kỹ mới phát hiện được vì sao giá vải ở đây và Hà Nội lại chênh nhau ít vậy”. Cầm túm vải ở chợ Hồng Giang mới thấy ông Báo nói đúng. Bó vải ở Hồng Giang đều quả, bó vải tôi mua ở chợ Thành Công (Hà Nội) thì quả đều chỉ ở vòng ngoài, chiếm không đầy non nửa, trong là quả nhỏ bó xen lẫn, khiến người mua rất khó phát hiện.
Ông Báo khẳng định, người tiêu dùng trong nước, kể cả người có tiền ở Hà Nội cũng không bao giờ được ăn vải loại 1 của Lục Ngạn. Được biết, giá vải loại 1 cao hơn vải loại 2 đến ba bốn giá, loại 2 với loại 3 chênh nhau ít hơn một chút.
Xuất sang Mỹ chỉ để gây... tiếng vang
Giá thu mua vải ở chợ Hồng Giang biến động theo giờ, đông người bán thì giá xuống, ít người bán thì giá lên. Giá vải được người "chỉ vải" định giá theo mẫu mã từng xe. Chợ vải diễn ra cao điểm từ 8 giờ đến 11 giờ là vãn. Từ buổi trưa, các điểm thu mua tập trung đóng vải vào thùng. Vào chiều, từng đoàn xe tải tấp nập chở hàng đi. Chính vì thế người nông dân bắt buộc phải bán trong buổi sáng.
Theo chị L - người thu mua cho Tỉnh đoàn Quảng Ngãi, người "chỉ vải" là người địa phương, nên nhìn mẫu mã là biết vải trồng ở đâu để định giá thu mua. Vì vậy, nếu không có "tay trong" từ điểm thu mua vải và không được nhìn vào sổ thì không thể biết đâu là giá thật. Huyện Lục Nam nằm liền kề huyện Lục Ngạn nhưng giá vải bán thấp hơn nhiều. Theo Tin tức nông nghiệp cập nhật giá vải hằng ngày, ngày 14.6, giá dao động từ 8.000 - 15.000 đồng/kg, tùy thuộc vào mã quả, giá ở Lục Ngạn là từ 10.000 - 22.000 đồng/kg, huyện Yên Thế thì giá vải loại 1 cũng chỉ 10.000 đồng/kg, loại 2 là 7.000 đồng/kg.
Ông Chu Văn Báo cho hay, vải ngon còn phụ thuộc vào yếu tố thổ nhưỡng, khí hậu. Vải được trồng trên đất ghềnh (đá ăn trâu) là ngon nhất, thứ đến đất pha sỏi, sau nữa là đất phù sa. Người tiêu dùng không thể biết đâu là vải Lục Ngạn hay Lục Nam, Yên Thế... vì vậy, vải thiều ở Bắc Giang cũng có quá nhiều giá. Trò chuyện với ông Báo, nghe kể Công ty cổ phần nông sản Đại Việt tham gia "cứu" vải thiều Bắc Giang, đưa đi các địa phương tiêu thụ, ông Báo cười lớn "Sao phải cứu?". Chỉ đến khi chúng tôi đặt câu hỏi: "Không phải cứu, thì sao Chủ tịch huyện Lục Ngạn đang ởTPHCM để tìm đường ra cho vải; Bộ Công thương, Bộ NNPTNT, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bắc Giang đang tổ chức hội nghị xúc tiến đẩy mạnh tiêu thụ vải tại các tỉnh phía Nam?", thì ông Báo thú thật, rằng: "Đúng là phải cứu, cứu loại vải mà thương lái Trung Quốc không mua, đó là vải loại 2, loại 3”.
Sản lượng vải cần cứu chiếm đến khoảng 2/3 tổng sản lượng toàn tỉnh. Ông Báo cũng tiết lộ, việc xuất khẩu vải thiều sang Mỹ và một vài nước chỉ là để gây tiếng vang. Được biết, tỉ lệ xuất khẩu rất thấp, nhất là thị trường Mỹ họ đòi hỏi ngặt nghèo, phải chiếu xạ, và còn độ đường không cao, kích thước quả vải không đủ, không đồng đều thì không xuất khẩu được...
Trong khi đó, tiếp xúc với nông dân ở thôn Kép 1 (Hồng Giang, Lục Ngạn) thì thấy bà con đang ngồi trên đống lửa vì đầu ra... chưa thấy đâu. Xã Hồng Giang được chọn thí điếm xây dựng vùng vải thiều xuất khẩu, trồng vải theo tiêu chuẩn VIETGAP, GLOBALGAP. Trồng vải theo tiêu chuẩn GLOBALGAP để xuất đi Mỹ đòi hỏi không được dùng 5 loại hoạt chất, chăm sóc đúng quy định... vì vậy chất lượng quả vải không được đẹp về mẫu mã, độ ngọt không cao, quả không mọng nước.
Ông Giáp Văn Thành - Trưởng nhóm 1 thôn Kép 1 - cho hay, vải trồng theo tiêu chuẩn sạch có giá cao, nhưng lại kén người mua. Gia đình ông vừa bán cho Vietnam Airlines với giá 26.000 đồng/kg nhưng họ chỉ mua 2 tấn, chẳng thấm vào đâu. Chưa vào vụ thì cũng có dăm bảy công ty gọi điện hứa mua, sẽ đến tận nơi, rất rộn ràng, nay vải đã vào vụ, gọi lại thì họ hờ hững, không hẹn ngày, xuất khẩu thì số lượng rất ít.
Nhiều bà con bày tỏ với chúng tôi về nỗi lo: Khí hậu khắc nghiệt, ngày thì nắng quá vải chín rộ, chiều thì mưa giông... chỉ có nước rụng xuống, bán để sấy khô, giá thành lại thấp. Ông Báo cũng cho hay, vải trồng theo tiêu chuẩn sạch cũng cần phải cứu vì không thể cạnh tranh với vải trồng theo phương pháp truyền thống...
Nông dân vẫn thiệt trăm bề Những người dân ở thôn Kép 1 còn kể cho chúng tôi những kiểu nông dân bị thua thiệt. Nhìn vào giá thu mua, ví như giá bán là 18.000 đồng/kg, ai cũng tưởng nông dân bỏ túi được cả số tiền ấy, nhưng các điểm thu mua bao giờ cũng “lùi cân” theo tỉ lệ 10%. Bán được 100kg thì không được nhận tiền 10kg, chưa kể người thu mua vải có mánh khi kiểm tra để cho vải rụng, số vải rụng này không được tính tiền và phải trả công cho mỗi lần chuyển sọt vải từ xe xuống. Vậy số tiền thực thu chỉ khoảng 15.000 đồng/kg. Chiêu móc túi công khai của các thương lái! |
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]