Trong khi hầu hết các chuyên gia nhận định cung đường sẽ vượt cầu trong niên vụ 2017/18 (niên vụ bắt đầu từ tháng 10/2017 ở hầu hết các nước), tồn trữ sẽ vẫn ở mức thấp kỷ lục “do sự kém hiệu quả ở hầu hết các nước sản xuất đường lớn”, Sean Diffley, giám đốc công ty tư vấn Tropical Research Services cho biết.
Còn gần 8 tháng nữa mới bước vào niên vụ mới, dự báo của các nhà phân tích (như TSR, F.O.Lich và Kingsman SA của S&P Global Platts) rằng thị trường thế giới sẽ dư thừa 1 đến 3 triệu tấn đường vẫn có rất nhiều khả năng mắc sai lầm.
“Có nhiều cơ sở tính toán để dẫn tới một con số dự báo cuối cùng về cung-cầu, và hầu hết mọi người đã dựa trên những kịch bản tốt nhất”, ông Michael Gelchie, giám đốc thương mại của Sucres et Denrees SA cho biết. “Chúng ta đều biết rằng thời tiết sẽ có nhiều biến động”, và “thị trường gần như không còn lượng dự trữ nội địa để xử lý tình huống nếu xảy ra sự kiện thời tiết xấu”.
Từ sự quay lại của El Nino tới việc Ấn Độ tiếp tục nhập khẩu đường, và thậm chí kể cả những chính sách của Tổng thống Mỹ Donald Trump… có tới 6 rủi ro lớn có thể tác động tới thị trường đường trong thời gian tới. Đó là kết luận của các chuyên gia tại Hội nghị Đường Dubai diễn ra vào đầu tháng 2.
El Nino trở lại sớm
Chưa đầy 1 năm sau khi kết thúc đợt EL Nino mạnh nhất trong lịch sử, gây khô hạn và tàn phá mùa màng ở châu Á, các nhà khí tượng học đã có cơ sở để dự báo hiện tượng này đang quay trở lại. Cơ quan Khí tượng Australia cho biết, gần như chắc chắn El Nino sẽ trở lại vào giai đoạn mùa Đông – mùa Xuân tới ở bán cầu nam. Trung tâm Dự báo Khí tượng Mỹ cũng khẳng định, tỷ lệ chắc chắn về điều này đã tăng lên 50%, từ mức chỉ 36% cách đây không lâu.
“Các dấu hiệu cho thấy El Nino có thể tái diễn từ 6 tháng cuối năm 2017”, Tracey Allen, nhà phân tích của JPMorgan Chase & Co. ở London cho biết. "Hầu hết mọi người báo sản lượng đường châu Á sẽ ở mức bình thường trong năm nay, và điều đó phụ thuộc rất nhiều vào mùa mưa gió. Đó cũng là thời điểm quan trọng đối với sản lượng đường, và cán cân cung – cầu có thể dễ dàng chuyển hướng từ đủ sang thừa hoặc ngược lại trong niên vụ 2017/18”.
Ấn Độ có thể tiếp tục nhập khẩu
Giá đường gần đây giảm do sản lượng hồi phục ở châu Á. Nhưng mức độ hồi phục ở Ấn Độ vẫn còn nhiều bất chắc, theo nhận định của Gareth Forber, giám đốc nghiên cứu thuộc LMC International. Đó là bởi tình trạng thiếu nước trong mùa hè vừa qua ở bang Maharashtra đã hạn chế việc trồng mía – loài cây cho thu hoạch 18 tháng sau khi trồng. “Trong khi đó, bang Karnataka vẫn trong tình trạng thiếu nước, do vậy sản lượng sẽ chưa thể hồi phục trong gần suốt cả năm nay” ông cho biết thêm.
Một yếu tố khác có thể làm đảo chiều xu hướng giá đường giảm là khả năng Ấn Độ nhập khẩu đường. Quốc gia Nam Á này có thể sẽ tiếp tục phải nhập khẩu đường trong niên vụ 2017/18 để làm đầy kho dự trữ, nhà phân tích Tom Secretan thuộc ED&F Man Holdings Ltd trụ sở ở London cho biết. Việc Ấn Độ tới nay chưa có quyết định về việc nhập khẩu đường như dự báo của thị trường được cho là bởi yếu tố chính trị. Quốc gia này sắp bầu cử, và giới lãnh đạo không muốn làm “mếch lòng” các cử tri.
Đầu tháng 3 này, giá đường tại Sàn Giao dịch Hàng hóa Phái sinh Ấn Độ đã chạm mốc kỷ lục tới hai lần đạt 59,28 USD/bao 50,8 kg, và được dự báo sẽ còn tăng hơn nữa, thậm chí có thể lên trên 60 USD/bao do nguồn cung bị thắt chặt.
Sản lượng đường Ấn Độ giai đoạn tháng 10-12/2016 giảm 18,5% so với cùng kỳ năm trước xuống 16,25 tấn. Do khô hạn kéo dài, Hiệp hội Nhà máy Đường Ấn Độ đã phải hạ ước tính sản lượng đường trong vụ mía 2016-2017 xuống mức 21,3 tấn từ mức 23,4 tấn dự báo trước đó. Sản lượng vụ 2015/16 cũng đã giảm 11% xuống 25,2 tấn.
Chính sách của ông Trump
Các đại biểu tham gia Hội nghị bày tỏ lo ngại về sự thiếu chắc chắn trong chính sách của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ông Trump đang cố gắng xem xét lại Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (Hiệp định cho phép đường Mexico được nhập khẩu vào Mỹ. Về lâu dài, sự thiếu chắc chắn đó có thể khiến nông dân Mexico lo ngại và giảm đầu tư vào sản xuất mía).
Yếu tố EU
Các chuyên gia đang xem xét khả năng sản lượng của Liên minh châu Âu (EU) sẽ hồi phục khi hệ thống hạn ngạch kết thúc vào ngày 30/9 tới. Kingsman dự báo sản lượng sẽ tăng 14% lên 19,3 triệu tấn; Markus Neundoerfer (giám đốc phụ trách đường của Suedzucker AG – hãng sản xuất đường lớn nhất EU) dự báo sản lượng có thể tăng tới 20 triệu tấn.
Tuy nhiên, giá đường tại sàn giao dịch New York tăng 28% trong năm vừa qua – nhiều nhất kể từ năm 2009 – đã khích lệ nông dân EU tăng cường trồng củ cải, nhưng điều này có tiếp diễn trong niên vụ tới hay không thì chưa ai dám chắc.
Trung Quốc nhập khẩu
Nhập khẩu đường của Trung Quốc có thể đẩy giá tăng lên một cách bất ngờ, Jonathan Drake, giám đốc điều hành của RCMA Commodities Asia Pte. cho biết. Trung Quốc đã từng gây bất ngờ vào năm ngoái khi nhập khẩu tới 3,7 triệu tấn đường, con số mà không có ai dự báo tới. Nếu điều đó tái diễn thì giá đường sẽ tăng rất mạnh.
Bộ Nông nghiệp Trung Quốc ngày 9/3 đã điều chỉnh giảm mức dự báo về sản lượng đường niên vụ 2016/17, giảm 200.000 tấn so với dự báo cách đây một tháng, xuống 9,7 triệu tấn, do đó mức thiếu hụt sẽ tăng so với những tính toán trước đây, dự báo sẽ thiếu hụt khoảng 1,87 triệu tấn, so với 1,67 triệu tấn dự báo hồi tháng 2.
Đồng real Brazil
Đồng real của Brazil – quốc gia sản xuất đường lớn nhất thế giới, đang tăng mạnh, có thể làm giảm động lực bán đường của các nhà máy, và có thể khiến họ muốn chuyển hướng tăng sản xuất ethanol hơn là đường. Đồng real đã tăng 22% so với USD trong năm vừa qua, mức tăng mạnh nhất kể từ 2009, và tiếp tục tăng thêm 4,4% trong 2 tháng đầu năm nay.
“Thị trường đường năm 2017/18 sẽ chịu tác động từ nhiều yếu tố trái chiều, nhưng sẽ chịu ảnh hưởng từ cả xu hướng tăng giá dầu thô, và khả năng giá xăng trong nước tại Brazil sẽ tiếp tục tăng cùng chiều với giá thế giới”, ông Allen của JPMorgan cho biết, hàm ý rằng giá xăng tăng thì sản xuất ethanol sẽ hấp dẫn hơn sản xuất đường.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]