Tuy nhiên, lý do đó dường như thiếu căn cứ bởi số liệu của Hải quan Trung Quốc cho thấy, trong tháng 7/2015, có ít nhất 21 mặt hàng nhập khẩu vào Trung Quốc tăng trên 20% so với cùng tháng năm ngoái.
Trong danh mục này có những mặt hàng khối lượng nhập không nhiều, song cũng có những mặt hàng nhập khẩu chủ chốt, như dầu thô (nhập khẩu tăng 29,3%).
Đặc biệt, nhập khẩu ethanol tăng mạnh 236.594% trong tháng 7, khi chỉ trong một tháng lượng nhập khẩu bằng hơn một nửa tổng khối lượng nhập từ đầu năm tới nay.
Nhập khẩu nhiều nông sản khác cũng tăng mạnh, như lúa mì tăng 158%, lúa mạch tăng 67,9%, ngô tăng 1.184%, sắn tăng 28,3%, gạo tăng 78,2%, dầu đậu tương tăng 25,8%, dầu cọ tăng 53,3%, cao su thiên nhiên tăng 70,1% và đường tăng 72,7%.
Trong số các kim loại, nhập khẩu quặng và tinh quặng thiếc tăng 27% trong tháng 7, thiếc tinh luyện tăng 50,7%, quặng kẽm tăng 84,5%, molybdenum tăng 139,8%, tungsten tăng 33,4%, uranium tăng 227%, quặng chrom tăng 35,8%, bạc tăng 63,3% và bạch kim tăng 37,9%.
Số liệu về chỉ riêng một tháng không thể hiện cả xu hướng, song những con số trên cho thấy nhu cầu nhập khẩu của Trung Quốc không hề yếu, nhất là khi sắp xếp các mặt hàng này theo từng lĩnh vực.
Kể cả những mặt hàng chủ lực, tình hình cũng không tệ, mặc dù chỉ có nhập khẩu dầu thô tăng trên 20% trong tháng 7.
Nhập khẩu quặng sắt tăng 4,4%, trong khi nhập khẩu quặng và tinh quặng đồng tăng 7,2%, mặc dù nhập khẩu than đá giảm 7,7% so với cùng tháng năm ngoái.
Có nhiều nguyên nhân lý giải cho việc Trung Quốc gia tăng nhập khẩu, trong đó có yếu tố giá cả giảm sâu trong thời gian gần đây thu hút sự quan tâm mua vào.
Trung Quốc vốn vẫn tăng nhập khẩu các tài nguyên thiên nhiên khi giá yếu, dù chỉ để dự trữ trong kho. Tuy nhiên, nếu không còn khả năng tăng sản xuất thì họ không thể tăng nhập khẩu mạnh như vậy.
Việc giá cả duy trì thấp kéo dài, cộng với nhân dân tệ giảm giá gần đây chắn chắn sẽ thúc đẩy lĩnh vực sản xuất của Trung Quốc hướng tới xuất khẩu, và trong bối cảnh kinh tế các quốc gia khác trên thế giới đang tiến triển khá tốt như hiện nay, có nhiều cơ sở để dự báo giá hàng tiêu dùng sẽ còn giảm thêm nữa.
Như vậy, số liệu nhập khẩu trong tháng 7 vừa qua có thể chứng tỏ xu hướng giảm tốc nhập khẩu hàng hóa của Trung Quốc bắt đầu có sự đảo chiều.
Đáng chú ý là trong số 21 mặt hàng có mức nhập khẩu tăng trên 20% trong tháng 7 vừa qua thì có tới 15 mặt hàng có lượng nhập khẩu tăng trong 7 tháng đầu năm nay so với cùng kỳ năm ngoái.
Nhiều lý do dẫn tới hiện tượng giá hàng hóa giảm mạnh từ đầu năm tới nay, trong đó đáng kể nhất là nguồn cung dư thừa quá nhiều khiến thị trường không hấp thụ nổi, cũng như ảnh hưởng từ những biến động gần đây trên thị trường chứng khoán. Còn việc nhu cầu nhập khẩu yếu của Trung Quốc dường như không phải nguyên nhân chính gây ra thực trạng này, và kể cả khi kinh tế Trung Quốc hạ cánh cứng thì giá hàng hóa thấp sẽ vẫn thúc đẩy nhu cầu mua từ quốc gia này.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]