Mới đây chính phủ đã chính thức đề nghị Quốc hội cho phép sử dụng ngân sách để xử lý nợ xấu của các doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Trước đó nữa, ông Phan Trung Lý, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật gợi mở vấn đề dân góp tiền xử ký nợ xấu theo kinh nghiệm của Hàn Quốc. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng nói gần nói xa đến việc các quốc gia khác sử dụng ngân sách lớn đến mức độ nào để xử lý nợ xấu qua những con số "khủng", trong khi Việt Nam thì không có 1% nào.
Những đề xuất kiểu như trên đã vấp phải phản ứng mạnh từ công luận. Thứ nhất, chúng vi phạm nguyên tắc đã được thống nhất rộng rãi trong xã hội rằng không sử dụng ngân sách để xử lý nợ xấu. Thứ hai, người dân thường rõ ràng chẳng liên quan gì đến, chẳng là nguyên nhân gây ra nợ xấu, mà nay kêu gọi dân chúng quyên góp để giúp các ông chủ ngân hàng, một trong những nguồn cơn gây nên cái họa nợ xấu, là điều không thể chấp nhận được.
Cũng cần lưu ý rằng người dân Hàn Quốc quyên góp tiền là để giúp Chính phủ trả món nợ đã vay của IMF để thoát khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế năm 1998 chứ chẳng phải để giải quyết nợ xấu.
Thứ ba, nợ xấu có thực sự lớn đến mức đáng quan ngại, đến mức nếu không có sự "vào cuộc" của các nguồn lực của chính phủ (ngân sách) và của dân chúng (tiền quyên góp) thì nền kinh tế sẽ sụp đổ hay không là điều vẫn chưa rõ ràng. Cứ theo giải trình có tính làm yên lòng người nghe của Thống đốc NHNN trước Ủy ban kinh tế Quốc hội vừa qua thì tình hình nợ xấu xem ra không đến nỗi... xấu khi tỷ lệ nợ xấu chỉ khoảng vài phần trăm và tình hình xử lý nợ xấu đang khả quan với triển vọng giảm đáng kể nợ xấu vào cuối năm nay.
Nay đã có những đề xuất như trên có nghĩa là tình hình nợ xấu hoàn toàn không thể lạc quan như đã được cho biết. Trong bối cảnh của một đám cháy nhà hàng xóm có khả năng lan ra cả xóm thì mỗi nhà cũng phải ra tay cứu giúp, dù không trực tiếp gây ra đám cháy, việc kêu gọi dùng ngân sách hay "phản cảm" hơn, kêu gọi dân đóng góp, là điều có thể thông cảm được, và thậm chí cũng nên xem xét thực hiện. Nhưng để thực hiện thì phải vạch ra những nguyên tắc và quy trình rõ ràng, hợp lý.
Việc đầu tiên cần làm là phải công khai, minh bạch hóa toàn bộ các khoản nợ xấu và sẽ thành nợ xấu (do phân loại lại nghiêm túc hơn, do không che giấu, "treo" nữa), để biết chính xác mức độ nợ xấu có thực trong hệ thống ngân hàng, từ đó mới có căn cứ để bốc thuốc. Về chuyện này, xem ra có nhiều việc cần phải làm khi NHNN thỉnh thoảng lại cho ra một con số nợ xấu khác nhau, đôi khi gây giật mình như con số 500 ngàn tỷ mới tiết lộ gần đây; và chính phủ vẫn cho phép treo, khoanh các khoản nợ xấu của DNNN như Vinashin và Vinalines.
Việc cần làm thứ hai là thực hiện nguyên tắc ai làm thì người đó phải chịu trách nhiệm trước hết. Nếu là các khoản nợ xấu do ngân hàng cho vay theo chỉ đạo thì chính phủ phải chịu trách nhiệm. Trong trường hợp này, nếu cần thiết và có thể thì chính phủ phải dùng ngân sách để xóa nợ cho ngân hàng.
Nhưng để không tái diễn sau này sự vô trách nhiệm và yếu kém trong quản lý, điều hành thì những cá nhân và cơ quan chính phủ nào liên quan trực tiếp đến chỉ đạo cho vay gây hậu quả nợ xấu cần bị xử lý, quy trách nhiệm cá nhân và tập thể, chứ không thể đổ do lỗi khách quan, ví dụ như khủng hoảng kinh tế. Tương tự, lãnh đạo của những DNNN nào gây ra nợ xấu cũng cần bị quy trách nhiệm và xử lý nghiêm túc, chứ không thể đổ tại khủng hoảng kinh tế là xong. Với những doanh nghiệp "vô phương cứu chữa" thì phải cho phá sản để giải quyết dứt điểm tình trạng nợ nần, chứ không để mãi cái thây ma đó nhằm trốn trách nhiệm.
Nếu nợ xấu là do bản thân các ngân hàng và trong hệ thống ngân hàng tạo ra thì các ngân hàng phải là người gánh chịu hậu quả duy nhất. Thực tế, rõ ràng một phần lớn nợ xấu là do bản thân lãnh đạo và nhân viên ngân hàng tạo ra. Nên đương nhiên các ngân hàng phải trích lập dự phòng, cắt giảm lợi nhuận, và nếu vẫn không đủ thì dùng cả vốn chủ sở hữu mà xử lý. Trường hợp nếu vẫn không đủ (vốn chủ sở hữu là âm) thì cần cho ngân hàng này phá sản hoặc bị mua, sát nhập, hoặc NHNN tái cấp vốn và thay thế cơ cấu cổ đông.
Về nguồn lực và cách thức xử lý, cần đảm bảo nguyên tắc phát huy tối đa mọi công cụ hiện có, giảm thiểu việc dùng ngân sách và tiền rót ra từ NHNN. Phần lớn các ngân hàng hiện đều có các công ty chuyên xử lý nợ xấu (AMC) và Bộ tài chính cũng có AMC của mình là DATC. Các công ty này nên và phải phát hành trái phiếu để xử lý nợ xấu và mua bán nợ theo nguyên tắc mua đứt bán đoạn và tự chủ về tài chính. Việc đã trót tạo ra VAMC rồi thì hãy để nó hoạt động như một AMC khác, của NHNN, chứ không nên vì mục đích để nó tồn tại một cách có ý nghĩa hơn nhằm biện minh cho chủ trương thành lập ra nó nên trao cho nó những quyền lực đặc biệt mà các AMC khác không có.
Một trong những nguyên nhân làm cho các AMC và VAMC hoạt động không hiệu quả là các ràng buộc về pháp lý liên quan đến định giá, phát mại và mua bán lại tài sản thế chấp. Về điểm này, cần có một số động thái về pháp lý từ chính phủ và Quốc hội để khai thông thị trường mua bán tài sản thế chấp nói riêng và nợ xấu nói chung, để cho tất cả AMC, chứ không trở thành đặc quyền riêng có của VAMC như nhiều người đang đề xuất có thể tự thân chúng giải quyết hữu hiệu nợ xấu của các ngân hàng.
Cũng thật ngạc nhiên với đề xuất của nhiều người về vay nước ngoài, và thậm chí sử dụng các quỹ dự trữ quốc gia để xử lý nợ xấu. Tại sao phải vay nước ngoài khi thị trường mua bán nợ chưa thông, khi các nguồn lực trong nước chưa được huy động? Tại sao phải vay nước ngoài để rồi đương nhiên trút tất cả trách nhiệm giải quyết nợ xấu cũng như trách nhiệm trả nợ vay này lên chính phủ, lên ngân sách?
Còn về việc sử dụng các quỹ dự trữ quốc gia, cứ cho là chúng đang nhàn rỗi, nhưng bản thân cái tên quỹ dự trữ cũng cho thấy chúng được lập ra và duy trì để sử dụng trong những hoàn cảnh đặc biệt đột xuất mà không ai có thể lường trước được khi nào những bất trắc này sẽ xảy ra. Bởi thế thật nực cười khi đề xuất sử dụng chúng bây giờ chỉ vì chúng đang tạm thời nhàn rỗi, chưa kể đến chuyện sử dụng chúng lại thành "công cộng hóa" nợ xấu, tương tự như vay nước ngoài để giải quyết nợ xấu.
Chỉ khi nào biết rõ nợ xấu thực sự quá lớn, các nguồn lực trong nước không thể giải quyết được hữu hiệu, nền kinh tế thực sự có khả năng rơi vào khủng hoảng và đổ vỡ nếu nợ xấu không được xử lý rốt ráo, thì lúc đó có thể mới phải cân nhắc đến những nguồn lực này, kể cả kêu gọi dân chúng đóng góp (và nếu vậy thì phải đổi lấy cho người dân một công cụ nhận nợ nào đó, chẳng hạn tạm gọi là công trái xử lý nợ xấu v.v..., chứ không nên kêu gọi dân quyên góp kiểu cho không!).
Theo CafeF
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]