Vốn ngoại sẽ tiếp tục đổ vào Việt Nam trong năm 2016 nhưng vấn đề được quan tâm hơn là doanh nghiệp (DN) trong nước có tận dụng được cơ hội này để tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu hay tiếp tục nhường sân cho nhà đầu tư nước ngoài.
Hạn chế hút vào ngành thâm dụng lao động
Theo Tổng cục Thống kê, từ đầu năm đến ngày 15-12-2015, hơn 2.013 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) được cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt 15,58 tỉ USD, tăng 26,8% về số dự án; đồng thời, 814 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước bổ sung vốn thêm 7,18 tỉ USD, nâng tổng vốn đăng ký của các dự án cấp mới và tăng thêm đạt 22,76 tỉ USD, tăng 12,5% so với năm trước.
Những ngày cuối năm, Công ty TNHH Samsung Electronics HCMC CE Complex (Tập đoàn Samsung, Hàn Quốc) đã nhận giấy phép tăng vốn thêm 600 triệu USD, nâng tổng mức đầu tư của tập đoàn này ở Khu Công nghệ cao TP HCM lên 2 tỉ USD. Khi hoàn thiện, dự án ở Khu Công nghệ cao TP HCM sẽ trở thành 1 trong 4 nhà máy sản xuất thiết bị điện tử gia dụng lớn nhất của Samsung trên toàn cầu. Dự án này còn được kỳ vọng sẽ thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực tri thức cao, phát triển chuỗi cung ứng nội địa, nâng cao năng lực cạnh tranh của DN trong nước tham gia chuỗi cung ứng…
Cũng vào cuối năm rồi, một đại gia trong ngành bán lẻ của Hàn Quốc là Tập đoàn Emart chính thức khai trương siêu thị Emart đầu tiên ở quận Gò Vấp (TP HCM), mở đầu cho lộ trình chinh phục thị trường bán lẻ Việt Nam với mục tiêu xây dựng chuỗi 17 đại siêu thị trong tương lai.
Hàng loạt dự án có vốn đầu tư “khủng” đã đưa Hàn Quốc trở thành quốc gia đầu tư lớn nhất vào Việt Nam với 2,67 tỉ USD trong năm 2015.
Thị trường bán lẻ Việt Nam được xem là rất tiềm năng với dân số đông và nền kinh tế đang phát triển, nhu cầu tiêu dùng của người dân lớn. Chuyên gia kinh tế - TS Đinh Thế Hiển nhìn nhận làn sóng vốn ngoại đổ vào Việt Nam trong bối cảnh hội nhập là đáng mừng, giúp thị trường cạnh tranh tốt hơn và DN trong nước sẽ buộc phải vươn lên tìm chỗ đứng cho mình. Vấn đề còn lại là chính sách thu hút đầu tư của cả nước, từng địa phương để mang lại hiệu quả, như TP HCM thì không nên thu hút vốn ngoại trong các ngành thâm dụng lao động…
Doanh nghiệp trong nước dễ “lép vế”
Trong làn sóng đại gia bán lẻ Hàn Quốc, Nhật, Thái Lan… mở chuỗi siêu thị, cửa hàng ở Việt Nam, nỗi lo lớn của DN trong nước là hàng ngoại sẽ đánh bật hàng Việt. Nhiều DN trong nước thừa nhận khó khăn lớn nhất trong năm 2016 mà họ phải đối mặt là cạnh tranh với hàng ngoại ngay trên sân nhà. Với xu thế hội nhập, hàng ngoại sẽ tràn vào Việt Nam. Những DN nào không chuẩn bị từ vài năm trước thì nguy cơ tụt hậu, mất thị trường là rất lớn. Ông Trần Việt Anh, Phó Chủ tịch Hội Cao su - Nhựa TP HCM, ví von hội nhập là cái bánh to, DN vừa và nhỏ trong nước chỉ giành nhau phần vỏ; nhân bánh thì DN nước ngoài hưởng. Thực tế, nhiều DN nhỏ và “siêu” nhỏ vẫn an phận với thị phần khiêm tốn này. Tuy nhiên, họ không nghĩ đến lúc nào đó, vì lợi nhuận, các tập đoàn đa quốc gia sẽ chiếm cả phần vỏ!
TS Đinh Thế Hiển cho rằng trong những năm qua, nhiều DN trong nước không chú tâm sản xuất mà mải mê với những lĩnh vực dễ kiếm tiền hơn như bất động sản… Đến lúc này, do sự đào thải của thị trường, lợi nhuận từ bất động sản không còn, những DN này phải chuyển hướng để tồn tại, nâng sức cạnh tranh, nếu không sẽ tự diệt. “Vấn đề lúc này là nhà nước cần xây dựng môi trường cạnh tranh minh bạch, sòng phẳng cho DN trong và ngoài nước chứ không để DN nước ngoài được ưu đãi quá nhiều còn DN trong nước thì gặp đủ thứ rào cản” - ông Hiển nói.
Về làn sóng FDI đổ vào ngành công nghiệp phụ trợ dệt may, da giày, liệu “miếng bánh ngon” này có thuộc về DN ngoại, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho rằng đầu tư vào công nghiệp phụ trợ là vấn đề lớn mà DN trong nước chưa làm nhưng tương lai, có thể họ sẽ vươn lên và làm được. Do đó, không nên phân biệt một cách thái quá. “Trong khi DN trong nước chưa đầu tư được vào công nghiệp phụ trợ thì bất kỳ ai làm được việc này, nhà nước nên khuyến khích, nhất là khi họ tuân thủ pháp luật” - ông Khánh nói.
Nên xem công nghệ là con người Hiện nay, nhiều người vẫn băn khoăn phía nước ngoài quá chậm trong việc chuyển giao công nghệ cho DN trong nước. Thực tế, rất ít DN nước ngoài có ý định chuyển giao công nghệ. Về trường hợp Apple, khi đầu tư ở Trung Quốc, hãng này không hề chuyển giao công nghệ sản xuất điện thoại nhưng các DN Trung Quốc sản xuất mặt hàng này vẫn phát triển tốt, TS Đinh Thế Hiển phân tích đó là do quá trình phát triển của người lao động tại những DN có công nghệ cao. Khi người lao động trong nước đứng vào đội ngũ quản lý cao cấp ở các tập đoàn đa quốc gia và khi môi trường kinh doanh thuận lợi, họ sẵn sàng ra ngoài khởi nghiệp… Đây chính là quá trình chuyển giao công nghệ. Vì vậy, nên tạo điều kiện tốt cho DN khởi nghiệp để thu hút nhân tài từ các tập đoàn đa quốc gia ra ngoài lập nghiệp. Công nghệ là con người bởi công nghệ thay đổi thường xuyên, không thể tiếp nhận kịp nếu không có con người phù hợp. |
Lách vào thị trường hẹp bằng sản phẩm độc đáo Ông Giản Tư Trung, Hiệu trưởng Trường Doanh nhân PACE, cho biết ở Đài Loan, hơn 90% DN là vừa và nhỏ nhưng sống rất khỏe. Các hiệp hội DN hỗ trợ hội viên trong các khâu nghiên cứu thị trường, chuyển giao công nghệ, thậm chí bảo lãnh cho DN vay vốn. Năm 1997, châu Á xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính ảnh hưởng nặng nề đến DN trong khu vực nhưng DN vừa và nhỏ Đài Loan vẫn trụ vững. Họ tồn tại và phát triển dựa trên 2 yếu tố: nhắm vào thị trường hẹp hoặc tham gia chuỗi giá trị toàn cầu bằng sản phẩm độc đáo, như không thể sản xuất ô tô nhưng có thể làm 1 chi tiết mà ít ai làm được. |
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]