Vậy nhưng, hơn một năm qua, khi các ngân hàng đẩy mạnh tái cơ cấu và rất cần sự tham gia của vốn ngoại, thì các nhà đầu tư nước ngoài lại ngập ngừng?
Có thể nói, chưa bao giờ cung cổ phần ngân hàng lại nhiều như thế, bởi NHNN siết lại tỷ lệ sở hữu cổ phần đối với cổ đông là nhà đầu tư cá nhân và những người có liên quan phải giảm xuống tương ứng xuống 5% và 20%.
Bên cạnh đó, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước cũng đang tìm kiếm đối tác để bán cổ phần theo lộ trình thoái vốn. Vậy nhưng, ngoài trường hợp GPBank bán 100% vốn cho đối tác nước ngoài là ngân hàng United Overseas Bank (UOB) của Singapore, đến nay, thị trường vẫn chưa đón nhận trường hợp “hợp hôn” nào của đối tác ngoại với ngân hàng nội, mà chỉ thấy tin thoái vốn.
“Rộng cửa” đón vốn ngoại
Báo cáo mới đây của Bộ Tài chính cho biết, từ đầu năm đến 20/6/2014, giá trị vốn đầu tư các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đã thoái được là 821,8 tỷ đồng. Trong đó, số vốn mà các DNNN thoái khỏi lĩnh vực tài chính là 168,5 tỷ đồng, riêng tài chính, ngân hàng là 73 tỷ đồng. Còn năm 2013, các tập đoàn, tổng công ty đã thoái được 734,7 tỷ đồng trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng.
Quá trình thoái vốn diễn ra khá chậm và nguyên nhân được đưa ra rất nhiều, trong đó có lý do chưa tìm được đối tác để sang nhượng.
Bên cạnh đó, các ngân hàng cũng đang tìm kiếm cổ đông chiến lược nước ngoài nhằm tái cơ cấu bộ máy, hoạt động, tìm hướng đi chiến lược nhằm tăng sức cạnh tranh trên thị trường như Sacombank, VPBank, HDBank, DongABank, MB... nhưng đến nay vẫn chưa có ngân hàng nào chốt được cổ đông.
Tìm kiếm đối tác chiến lược nước ngoài từ khi ANZ thoái vốn năm 2010, nhưng đến nay Sacombank vẫn chưa tìm được đối tác chiến lược nước ngoài. Thậm chí, có thời điểm, thị trường rộ lên thông tin về việc một ngân hàng Nhật đang đàm phán với Sacombank để mua cổ phần. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có một đối tác nào lộ diện.
Ông Phan Huy Khang, Tổng giám đốc Sacombank, thừa nhận đến nay vẫn chưa thể chốt được đối tác chiến lược nước ngoài trong năm nay. Đây là tình hình chung. Nhiều ngân hàng tìm kiếm vẫn chưa có kết quả.
MB cũng vậy, 2 năm lặn lội tìm kiếm đối tác nước ngoài nhưng vẫn chưa có. Thậm chí, ngân hàng cũng đã khóa lại 10% room cho nhà đầu tư nước ngoài để tìm được là phát hành ngay. Tuy nhiên, vẫn chưa có một thông tin chính thức nào về đối tác chiến lược nước ngoài được ngân hàng này phát đi.
Với nguồn cung lớn như vậy, tại sao các nhà đầu tư chiến lược lại không mặn mà tham gia thời điểm này, thậm chí, họ còn có thể mua được mức giá rẻ hơn mệnh giá nếu họ biết mặc cả? Theo một chuyên gia ngân hàng, người đã tham gia rất nhiều cuộc mua bán cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, lý do lớn nhất khiến họ chưa mặn mà, đó là do họ đang thiếu niềm tin.
Trước hết là niềm tin vào số lượng cổ phần họ có thể mua. Mặc dù Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 01/2014/NĐ-CP quy định về việc nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phẩn của TCTD, theo hướng nhà đầu tư nước ngoài có thể mua tối đa 49%, nhưng họ cho rằng số lượng này rất hạn chế.
"Lửng lơ" vi thiếu niềm tin
Những nhà đầu tư nào mua được 49% thì chỉ là đầu tư vào ngân hàng yếu kém cần phải giải cứu. “Đối với nhà đầu tư nước ngoài, đầu tư vào ngân hàng để sinh lời chứ họ không có nhiệm vụ phải giải cứu ngân hàng nào. Vì vậy, dù được mua 49% nhưng họ cũng không mặn mà. Còn với ngân hàng tốt, trung bình thì mặc định là 30%, mức cổ phần này không đủ để họ có thể thực hiện đầy đủ năng lực nhằm thay đổi ngân hàng”, chuyên gia này bình luận.
Theo chuyên gia này, với tỷ lệ 30%, các nhà đầu tư nước ngoài chỉ bỏ tiền ra với mục đích đầu tư tài chính chứ không phải để đầu tư dài hạn, đầu tư hoạt động kinh doanh ngân hàng. “Quan trọng hơn, họ không tin Thủ tướng Chính phủ sẽ đồng ý cho họ số lượng cổ phần lớn hơn, khoảng 35% hoặc 40%”, vị này bình luận.
Chính vì điều đó mà các nhà đầu tư nước ngoài vẫn “lửng lơ”, bởi nếu họ định đầu tư ngân hàng nào thì phải điều tra sổ sách, khảo sát ngân hàng. Công việc này rất mất thời gian. “Nhà đầu tư nước ngoài họ không tin vào sổ sách của các ngân hàng Việt Nam, vì họ cho rằng số sách này thiếu minh bạch thông tin, nên họ phải khảo sát thực tiễn. Mà công việc này đòi hỏi rất nhiều thời gian, công sức, vì họ phải cử 3 – 4 người vào ngân hàng đó”, vị này phân tích.
Một lý do nữa khiến các nhà đầu tư nước ngoài đang ở trạng thái chờ đợi và quan sát, đó là thông tin mà Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình đưa ra về việc giảm số lượng ngân hàng nội xuống còn 15 – 17 ngân hàng trong năm 2015.
“Thông tin này có đưa ra, nhưng nhà đầu tư vẫn chưa thấy có một động thái cụ thể nào bằng văn bản và lộ trình thực hiện. Với những ngân hàng thuộc diện phải loại bỏ, NHNN xử lý theo hướng nào, cho phá sản hay sáp nhập, hợp nhất. Mặc dù NHNN đang làm nhưng lại không có thông tin cụ thể, khiến nhà đầu tư nước ngoài coi đây chỉ là một khả năng có thể sẽ xảy ra trong tương lai, chứ không phải là một hành động cụ thể”, vị này bình luận.
Theo chuyên gia này, nhà đầu tư nước ngoài quan sát và chờ đợi những điều đó là vì thị trường ngân hàng đã bão hòa. Dân số tuy đông nhưng số lượng người sử dụng dịch vụ ngân hàng chỉ 1/3 nhưng lại tập trung ở thành thị. Mảnh đất màu mỡ chính là khu vực nông thôn.
“Do vậy, dù được đánh giá là thị trường tiềm năng cho phát triển ngân hàng, nhưng nếu vào đầu tư để có lãi, nhà đầu tư nước ngoài sẽ phải mất rất nhiều thời gian, trong khi đó, thị trường Việt Nam lại quá nhiều ngân hàng. Do vậy, cuộc cạnh tranh trở nên gay gắt hơn, ngân hàng thừa vốn nhưng lại không thể tìm được khách hàng tốt để cho vay”, vị này bình luận.
Theo CafeF
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]