Ngày 6/10, tỷ giá JPY/VND tại ngân hàng Vietcombank đứng ở mức 160,76-170,19 (1 ,9 VND). Tỷ giá này đã giảm khoảng 33,07 đồng so với cuối năm 2021, tức đồng Việt Nam tăng khoảng 16% so với Yên Nhật. Dễ hình dung hơn, 200.000 Yên trước đây đổi được khoảng 40 triệu đồng nhưng theo tỷ giá hiện tại chỉ được khoảng 34 triệu đồng.
Tương tự, đồng Việt Nam cũng tăng giá đáng kể so với Won Hàn Quốc. Tỷ giá VND/KRW đang là 14,65-17,84 đồng/KRW, giảm 1,9-2,3 đồng so với hồi đầu năm, tức VND đã tăng giá khoảng 11,4% so với KRW.
VND cũng đã tăng giá đáng kể so với nhiều đồng tiền khác như với EUR (tăng hơn 8%), với THB – Bath Thái Lan (tăng 6,4%), với CNY - Nhân dân tệ (tăng 6,2%),...
Xét trong rổ tiền tệ gồm 8 đồng tiền để tính tỷ giá trung tâm của Ngân hàng Nhà nước, VND giảm giá so với USD trong khi tăng giá với các đồng tiền còn lại. Hiện tỷ giá USD/VND tại các ngân hàng thương mại được niêm yết quanh mức 24.020 đồng, theo đó, VND đã giảm hơn 4,7% so với USD kể từ đầu năm.
Đồng đô la Mỹ mạnh lên trên toàn cầu đang khiến cho đa số đồng tiền khác mất giá mạnh trong năm nay. Trong 9 tháng đầu năm 2022, JPY đã giảm 25% so với USD, KRW giảm 18%, EUR giảm 13%, THB giảm 12%, INR giảm 7%,…Từ đó, tỷ giá của đồng Việt Nam so với những đồng tiền này cũng biến động mạnh.
Trước đồng bạc xanh ngày một mạnh lên trên toàn cầu và Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) vẫn muốn tăng lãi suất cơ bản thời gian tới, nhiều nước cũng đã tăng lãi suất để đối phó, nhằm giảm thiểu đà mất giá của đồng tiền. Thế giới ngoại hối gọi đây là "cuộc chiến tiền tệ ngược" vì trong hơn một thập kỷ qua, hầu hết các nước đều làm điều ngược lại. Tức là trước đây, họ muốn đồng tiền yếu hay còn gọi là "phá giá", từ đó thúc đẩy xuất khẩu, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Còn hiện nay, các nước lại tìm cách hạn chế sự mất giá của đồng tiền, bởi nếu mất giá quá mạnh sẽ dẫn đến lạm phát nhập khẩu lớn.
Theo các chuyên gia, việc các đồng tiền quốc tế biến động phức tạp sẽ có tác động nhất định đến hoạt động đầu tư, xuất - nhập khẩu của Việt Nam, do đó các doanh nghiệp nên tính đến các giải pháp phòng ngừa rủi ro tỷ giá.
Chẳng hạn, khi VND tăng giá so với Yên Nhật, các doanh nghiệp xuất khẩu bằng đồng Yên sẽ bị thiệt, còn nhập khẩu bằng đồng Yên sẽ có lợi. Dù vậy, hoạt động ngoại thương của Việt Nam tại thị trường sử dụng đồng USD lớn nhất (chiếm khoảng 70%), sau đó mới đến thị trường sử dụng đồng Euro và Yên Nhật (5-8%), nên về mặt xuất khẩu bị ảnh hưởng nhưng chưa đáng kể.
Theo các chuyên gia, trong bối cảnh hiện nay, dù chịu nhiều áp lực, cần giữ cho VND ổn định so với USD, không bị mất giá quá mạnh để tránh nhập khẩu lạm phát. Việt Nam cũng đang có nhiều thuận lợi để thực hiện mục tiêu này khi kinh tế tăng trưởng tốt, cán cân thanh toán thặng dư,…
Theo số liệu thống kê, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa 9 tháng năm 2022 đã vượt mốc 500 tỷ USD, ước đạt 558,52 tỷ USD, tăng 15,1% so với cùng kỳ năm trước. Cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 6,52 tỷ USD.
Hiện VND đang là một trong những đồng tiền ổn định nhất. Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết đã điều hành linh hoạt và đồng bộ các chính sách tiền tệ để nhu cầu ngoại tệ trong nước thời gian qua được đáp ứng kịp thời, đầy đủ.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]