Tuy nhiên, vấn đề khiến nhiều nhà đầu tư quan tâm là VCB bán cổ phần cho GIC Pte với giá bao nhiêu? Mua theo giá thị trường hay ở mức giá chiết khấu? Câu trả lời chưa rõ ràng vì việc định mức giá bao nhiêu do Chính phủ quyết định.
Tuy nhiên, điều này sẽ ảnh hưởng khá nhiều đến sự biến động của mệnh giá cổ phiếu VCB trong thời gian tới.
GIC Pte sẽ mua được giá rẻ?
Thực tế, theo thỏa thuận giữa VCB và GIC đã được công bố, Quỹ GIC Pte đã ký một thỏa thuận ghi nhớ sẽ mua 305,8 triệu cổ phần của VCB. Tuy nhiên, giá mà GIC chào ra cho thương vụ này chỉ dưới 400 triệu USD, nếu quy ra giá trị thì giá mua của GIC khoảng 29.130 đồng/cổ phiếu, mức giá này chỉ khoảng hơn 50% thị giá hiện tại của VCB (hiện thị giá của VCB ở mức 54.500 đồng/CP). Song, quyền quyết định giá của thương vụ này nằm ở trong tay Chính phủ nên chưa thể nói được gì nhiều vì 2 bên vẫn đang trong quá trình phê chuẩn và đám phán thêm.
Dù vậy, theo nhiều chuyên gia chứng khoán thì khả năng GIC sẽ mua được VCB với giá chiết khấu là rất cao vì hiện tại mức định giá của VCB hiện đã khá cao so với mặt bằng khu vực và giá cổ phiếu đã phản ánh hết giá trị. Dẫu vậy, nếu GIC “kiên trì” mua với giá dưới 400 triệu USD thì khả năng VCB sẽ phải “nhượng bộ” vì khả năng tìm được nhà đầu tư chiến lược như Quỹ GIC Pte là không dễ dàng.
Một tình huống khác, GIC chấp nhận mua theo thị giá hiện tại của VCB thì nhà đầu tư này sẽ phải bỏ ra hơn 850 triệu USD (khoảng 19.620 tỷ đồng) để thực hiện thương vụ.
Về biến động của giá cổ phiếu VCB, trong 1 tuần gần nhất, giá cổ phiếu VCB tăng trưởng khá mạnh, từ 53.000 đồng/CP (ngày 23.8) tăng lên tới 57.500 đồng (ngày 29.8). Tuy nhiên, trong phiên chiều 31.8, cổ phiếu VCB giảm chỉ còn 54.000 đồng/CP. Dù vậy, so với thời điểm đầu năm, cổ phiếu của VCB đã tăng giá 31%.
Đánh giá về khả năng thành công của thương vụ giữa VCB và GIC, đại diện Công ty chứng khoán Rồng Việt cho biết, việc đầu tư cổ phần của GIC sẽ làm tăng vốn điều lệ của VCB, giúp nhà băng này chuẩn bị cho việc triển khai Basel II được áp dụng cho 10 NHTM lớn nhất tại Việt Nam kể từ năm sau; đồng thời giúp VCB duy trì vị thế dẫn đầu trong ngành ngân hàng tại Việt Nam. “Hơn nữa, kinh nghiệm và danh tiếng của GIC là một lựa chọn tốt cho VCB trong việc tìm ra nhà đầu tư chiến lược. Vì vậy, khả năng thành công của thương vụ là rất lớn dù chưa biết chính xác về giá chuyển nhượng”, đại diện này nói.
Cổ phiếu được mong đợi nhất ngành ngân hàng
Mới đây nhất, dù dính “scandal” làm mất nửa tỷ đồng của khách hàng khiến cổ phiếu VCB giảm từ 56.000 đồng/CP (ngày 11.8) xuống còn 54.500 đồng/CP (ngày 12.8) – tương đương mất gần 4.000 tỷ đồng vốn hóa chỉ sau 1 đêm, VCB cứ nhích nhẹ dần sau 10 phiên giao dịch tăng lên tới 57.500 đồng/CP (ngày 26.8). Hiện, cổ phiếu VCB vẫn là mã chứng khoán được mong đợi nhất ngành ngân hàng.
Lý giải về nguyên nhân VCB tăng mạnh, đại diện Công ty chứng khoán Rồng Việt cho biết, ngoài thông tin về việc Quỹ GIC Pte sắp trở thành nhà đầu tư chiến lược thì hiệu quả kinh doanh 6 tháng đầu năm của VCB (Đạt lợi nhuận sau thuế 3.429 tỷ đồng, tăng 39,4% so với cùng kỳ) là nguyên nhân khiến giá cổ phiếu VCB bức phá mạnh trong thời gian gần đây.
Ngoài ra, VCB cũng là mã cổ phiếu “bạo chi” cổ tức cho cổ đông. Cụ thể, VCB mới chia cổ tức 10% tiền mặt hồi tháng 6 nhưng trong tháng 9 này, VCB dự kiến phát hành thêm gần 933 triệu cp thưởng theo tỷ lệ 35% (sở hữu 100 cp sẽ nhận được 35 cp thưởng). Tổng giá trị phát hành đạt gần 9,328 tỷ đồng từ nguồn thặng dư và lợi nhuận giữ lại tích lũy đến hết năm 2015 của VCB.
Được biết, ngoài thương vụ với Quỹ GIC Pte, VCB hiện cũng đang có kế hoạch phát hành thêm 54 triệu cổ phiếu cho Ngân hàng Mizuho Financial Group Inc (Nhật Bản) để duy trì tỷ lệ sở hữu 15% tại ngân hàng này.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]