Giao dịch ngoại tệ tại ngân hàng. (Ảnh: Kiều Khanh/Vietnam+).
Một số ngân hàng khác như BIDV, VietinBank, Eximbank thì đang niêm yết ở mức 21.190-21.240 (mua vào-bán ra). Đây cũng là mức tăng giá cao nhất trong vòng gần một năm qua.
Diễn biến tăng nóng của tỷ giá mấy ngày qua tại các ngân hàng gây nhiều lo ngại về sự thiếu hụt của nguồn cung ngoại tệ trên thị trường.
Tuy nhiên, chuyên gia tài chính ngân hàng Trần Hoàng Ngân cho rằng, tỷ giá tăng chủ yếu do yếu tố tâm lý nhiều hơn là nhu cầu thị trường. Ông Ngân lý giải, hiện nay nguồn cung ngoại tệ phong phú, 5 tháng đầu năm xuất siêu 1,6 tỷ USD, cán cân thanh toán tổng thể thặng dư, dự trữ ngoại hối tăng thì chẳng có lý do gì để tỷ giá sẽ tăng kéo dài cả.
Bên cạnh đó, theo ông Ngân, tỷ giá mang yếu tố giá cả nên thể hiện cung cầu, mà nguồn cung ngoại tệ của Việt Nam lại đang dồi dào nên nếu tỷ giá tăng thì cũng chỉ biến động cung-cầu cục bộ trong thời gian ngắn.
"Trên tổng thể Ngân hàng Nhà nước vẫn có thể kiểm soát được và điều hành theo mong muốn của mình để phục vụ cho chính sách tiền tệ và chính sách phát triển kinh tế trong thời gian tới," ông Ngân nhấn mạnh.
Lý giải về việc tăng tỷ giá lần này, Phó Tổng giám đốc một ngân hàng phụ trách lĩnh vực nguồn vốn và ngoại tệ cho rằng đây là diễn biến phản ánh cung cầu của thị trường. Theo đó, các doanh nghiệp tăng mua USD để đáp ứng nhu cầu thanh toán và trả nợ các khoản vay USD. Nhưng doanh nghiệp lại hạn chế bán USD do lo ngại căng thẳng trên Biển Đông có thể tác động xấu đến kinh tế Việt Nam. Điều này dẫn đến nhu cầu ngoại tệ tăng lên.
Tuy nhiên, vị lãnh đạo trên cũng khẳng định, mức tăng của tỷ giá vẫn đang trong khung được phép của Ngân hàng Nhà nước và nhu cầu ngoại tệ sẽ không tăng bao nhiêu, vì số lượng doanh nghiệp lo ngại không đáng kể, đa phần các doanh nghiệp vẫn đang có quan hệ tín dụng với ngân hàng.
Còn chuyên gia tài chính, ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu lại cho rằng, mặc dù trước đó, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước đã trấn an là có đủ ngoại tệ để can thiệp ổn định tỷ giá trong biên độ đề ra từ đầu năm nhưng mức độ can thiệp vẫn còn hạn chế.
Theo ông Hiếu, sự biến động tỷ giá, giá vàng vẫn do yếu tố tâm lý của người dân trước tình hình Biển Đông bất ổn, kinh tế đang gặp khó khăn và không loại trừ yếu tố đầu cơ, trục lợi.
Ông Hiếu cũng đưa ra nhận định, tình hình chưa đáng ngại khi tất cả các ngân hàng thương mại đều giữ chênh lệch giá mua vào-bán ra ở mức bình thường khoảng 50 đồng/USD. Ngoài ra, cầu ngoại tệ của các nhà băng chưa có biểu hiện căng thẳng, họ chưa quyết mua bằng được bằng cách đẩy giá mua vào áp sát giá bán.
Tuy nhiên, ông Hiếu vẫn đưa ra kiến nghị, Ngân hàng Nhà nước cần có sự can thiệp mạnh mẽ hơn để thị trường ngoại tệ được ổn định.
Biến động đưa giá bán USD lên sát trần cho phép của Ngân hàng Nhà nước cũng đưa đến một số nhận định cho rằng, đã đến lúc cần có sự can thiệp và bình ổn kịp thời của Ngân hàng Nhà nước.
Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Hồng, Vụ trưởng Vụ Chính sách Tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước cho rằng, chưa đến lúc Ngân hàng Nhà nước phải can thiệp thị trường ngoại hối vì thị trường ngoại tệ đang có xu hướng dư cung, nhu cầu mua-bán ngoại tệ của khách hàng cũng như các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của doanh nghiệp và người dân được đáp ứng đầy đủ, kịp thời. Hơn nữa cơ quan ngân hàng trung ương vẫn đang tiếp tục mua được ngoại tệ bổ sung dự trữ ngoại hối, tạo nguồn can thiệp khi cần thiết.
Để đảm bảo sự ổn định, Ngân hàng Nhà nước vẫn đang theo dõi rất sát sao tình hình để sẵn sàng hỗ trợ thanh khoản kịp thời cho hệ thống, sẵn sàng bán ngoại tệ để can thiệp ổn định tỷ giá trong biên độ đề ra từ đầu năm, sẵn sàng thực hiện các biện pháp, công cụ chính sách tiền tệ khác để hỗ trợ ổn định tỷ giá.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước và các bộ, ngành liên quan phối hợp tăng cường các biện pháp quản lý ngoại hối, theo dõi, phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi gây rối, đầu cơ trục lợi bất chính./.
Theo Vietnamplus.vn
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]