Với tỷ lệ cổ phần tối đa 20% không thể chi phối được các quyết định lớn, đồng thời sau một thời gian hợp tác mâu thuẫn sẽ khó có thể tránh khiến cả 2 bên khó tìm tiếng nói chung… là một trong những lý do khiến các đối tác chiến lược nước ngoài rút lui.
Nhưng cũng phải nhìn nhận rằng, không phải tất cả các cuộc chia tay của đối tác ngoại đều xuất phát từ lý do trên, có thể khả năng sinh lời đã đáp ứng được kỳ vọng nên việc nhiều đối tác ngoại chia tay các ngân hàng nội cũng là chuyện bình thường.
Đối tác ngoại tìm cơ hội mới
Làn sóng M&A lĩnh vực NH đã diễn ra khá sôi động trong hơn 2 năm qua, kể cả những nhà băng đã có đối tác ngoại tham gia. Tưởng chừng sẽ tăng trưởng ổn định khi vốn điều lệ tăng lên mức 3.700 tỷ đồng kể từ khi có cổ đông chiến lược nước ngoài là Tập đoàn Fullerton Financials Holding (FFH), song MeKong Bank cũng không thể tránh khỏi làn sóng M&A khi phải về với MaritimeBank.
Nhưng điều đáng nói là cổ đông nước ngoài FFH nắm giữ 20% của MeKong Bank đã nhanh chóng rút lui khi hay thông tin này, đồng thời chuyển nhượng lại phần vốn cho MaritimeBank.
Theo một nguồn tin đáng tin cậy, sở dĩ FFH rút lui khỏi MeKong Bank là do cổ đông này không muốn về chung một nhà với ngân hàng mới. Vì thế, FFH đã có ý định rút vốn và cho biết đang tìm kiếm một NH nội khác để đầu tư.
Một số thông tin gần đây xuất hiện nhiều khả năng Tập đoàn UOB của Singapore cũng sẽ rút khỏi Southern Bank khi nhà băng này chính thức sáp nhập vào Sacombank. Nhưng UOB sẽ không rời thị trường Việt Nam mà sẽ tìm kiếm một đối tác NH nội khác để đầu tư.
Thông tin từ Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cũng cho biết, trong số 9 tổ chức tín dụng tái cơ cấu đợt 1 chỉ còn GP Bank đang trong quá trình hoàn tất với đối tác nước ngoài vì họ sẽ mua lại 100% cổ phần của NH này. Thương vụ GP Bank sẽ bán 100% vốn cho cổ đông ngoại đến nay đã được rõ ràng. Tuy phía GP Bank chưa tiết lộ đối tác chiến lược nước ngoài là ai, nhưng các nguồn tin trên thị trường khả năng NH này sẽ bán 100% vốn cho Tập đoàn UOB (Singapore).
Một lãnh đạo trong ngành NH cho rằng các đối tác chiến lược ngoại trước khi đầu tư vào NH Việt Nam luôn tính toán và xem xét kỹ chiến lược tăng trưởng trong dài hạn. Vì thế, một khi NH họ đã đầu tư bị sáp nhập chắc chắn sẽ tính đến chuyện rút lui nếu cảm thấy chiến lược không phù hợp với NH mới sau sáp nhập. Mặt khác, với các NH bị sáp nhập thường quy mô nhỏ và yếu hơn đơn vị mua lại, nên khi chuyển đổi tỷ lệ nắm giữ cổ phần đối tác ngoại tại NH sau sáp nhập sẽ sụt giảm. Lúc này, tiếng nói của cổ đông lớn cũng bị sụt giảm theo nên họ bắt đầu nghĩ đến việc tìm kiếm cơ hội tốt hơn.
“Room” hạn chế tiếng nói quyết định
Các cuộc chia tay giữa đối tác ngoại và NH nội thời gian qua cũng cho thấy có rất nhiều lý do để lý giải cho việc rạn nứt. Chẳng hạn như việc ANZ rút gần 10% vốn khỏi Sacombank và chuyển nhượng lại cho Eximbank trước khi Sacombank rơi vào nhóm cổ đông lớn đầu năm 2012. Nhiều ý kiến cho rằng việc ANZ thoái vốn khỏi Sacombank là do 2 bên không tìm được tiếng nói chung; mặt khác ANZ đã được thành lập NH con 100% vốn ngoại tại Việt Nam cùng nhiều cơ hội đẩy mạnh tăng trưởng như NH nội nên không chung lưng đấu cật hết mình với Sacombank như trước đó.
Tuy nhiên, các ý kiến ngược lại cho rằng, ANZ rút vốn khỏi Sacombank là cảm thấy đã đạt được kỳ vọng về tỷ suất lợi nhuận của khoản đầu tư này khi chuyển nhượng lại cho Eximbank. ANZ chào bán mức giá 16.000 đồng/CP, cao hơn thị giá CP STB khi đó trên thị trường là chỉ khoảng 12.000 đồng/CP nên đã đem lại khoản lợi lớn cho ANZ.
Oversea Chinese Banking Corporation Limited (OCBC) là đối tác chiến lược nước ngoài của VPBank cũng đã rút vốn khỏi nhà băng này kể từ cuối năm 2013. OCBC đã hoàn tất việc chuyển nhượng toàn bộ 85.830.457 cổ phần, chiếm tỷ lệ 14,88% trên tổng số cổ phần của VPBank vào cuối năm 2013 - sau hơn 7 năm tham gia thương vụ. Có nhiều thông tin trái chiều về việc rút lui của OCBC.
Tuy nhiên, với thương vụ này, lãnh đạo VPBank cho rằng, đối tác ngoại thường có lý do riêng khi bỏ vốn vào bất cứ đâu, có khi là vì mục tiêu lợi nhuận hoặc nhằm củng cố hình ảnh, hay xem đây là cách thức thâm nhập một thị trường mới… Và với bất cứ lý do gì việc thoái vốn có thể xảy ra khi họ đã đạt được một trong số đó, hoặc xác định chắc chắn không thể đạt được mục tiêu của mình.
Trong khi đó, theo đại diện của đối tác ngoại tại một NH nội, bản chất của việc hợp tác là đôi bên cùng có lợi. Vì vậy, kể từ khi trở thành cổ đông chiến lược của NH Việt Nam, chắc chắn các NĐTNN cũng sẽ bỏ tâm huyết để cùng NH phát triển.
Tuy nhiên, trong suốt quá trình hợp tác không phải lúc nào cũng tìm được tiếng nói chung mà nhiều lúc khó tránh được sự bất đồng. Mặt khác, với tỷ lệ cổ phần nắm giữ chỉ tối đa cho một đối tác nước ngoài 20% cũng không nắm được quyền chi phối tại NH.
Có ý kiến cho rằng có thể do những khác biệt về môi trường và khác biệt ngoại tại, nội tại, tình hình kinh tế… nên tại Việt Nam cho đến thời điểm này hầu như các đối tác chiến lược nước ngoài chưa thể hiện hết được vai trò và đạt được kỳ vọng mong muốn so với thời điểm ban đầu họ bước vào cuộc “hôn nhân” với các NH nội. Nhưng một khi cả “vợ và chồng” đều tranh nhau đưa ra quyết định chắc chắn sẽ xảy ra sự bất đồng quan điểm nên sẽ khó có thể đem lại thành công.
Theo Cafef
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]