Hãng công nghệ Mỹ Apple đang nắm trong tay dự trữ tiền mặt lớn hơn bất kỳ công ty nào trên thế giới, nhưng trong vòng 1 năm rưỡi trở lại đây, “quả táo” vẫn phải đi vay 35 tỷ USD.
Lý do nào khiến một "gã nhà giàu" như Apple lại phải đi vay tiền?
Theo lý giải được tờ Business Week đưa ra, hầu hết tiền mặt của Apple được cất ở nước ngoài, nên không phải cứ cần là lấy về được ngay. Bên cạnh đó, Apple đang thực hiện chương trình hoàn vốn (capital return) cho cổ đông mà theo đó, hãng chi 130 tỷ USD để mua lại cổ phiếu và trả cổ tức cho các nhà đầu tư trong vòng 2 năm rưỡi tới đây.
Hồi tháng 4 năm nay, Giám đốc điều hành (CEO) Tim Cook của Apple nói rằng, quy mô và tốc độ của chương trình hoàn vốn cho cổ đông mà hãng này thực hiện là chưa từng có tiền lệ.
Trước hết, nói về vấn đề lợi nhuận, Apple đang kiếm đậm. Trong vòng 9 quý tài khóa trở lại đây, mỗi quý hãng này đạt mức lợi nhuận ròng trung bình 9 tỷ USD. Số tiền này lớn hơn rất nhiều so với những gì mà Apple cần để đầu tư phát triển sản phẩm. Trong quý gần nhất, Apple chi chưa đầy 4 tỷ USD đầu tư cơ bản, một phần nhỏ trong số lợi nhuận xấp xỉ 13 tỷ USD mà hãng kiếm được.
Bởi vậy, kho dự trữ tiền mặt của Apple ngày càng lớn. Khi Apple nói “tiền mặt”, từ này chỉ các khoản tiền mặt cộng với các loại chứng khoán dễ dàng chuyển đổi thành tiền. Để tránh thuế suất thuế doanh nghiệp cao tại Mỹ, Apple sắp xếp để phần lớn lợi nhuận của hãng được phát sinh ngoài Mỹ. Trong số 155 tỷ USD dự trữ tiền mặt của Apple, chỉ có 12%, tức 18 tỷ USD, là ở Mỹ, còn 137 tỷ USD là ở nước ngoài.
Vào tháng 4, Giám đốc tài chính (CFO) Luca Maestri của Apple nói với giới đầu tư rằng: “Nếu đưa tiền mặt về nước, công ty sẽ bị đánh thuế mạnh. Chúng tôi không cho là điều này sẽ phục vụ tốt nhất cho lợi ích của cổ đông”.
Đó là một lý do vì sao Apple giàu có lại phải đi vay tiền. Một lý do khác là, Apple có thể vay tiền với lãi suất siêu rẻ. Lãi suất đối với các khoản vay của Apple dao động trong khoảng từ 0,45% đối với nợ kỳ hạn 3 năm cho tới 4,45% đối với nợ kỳ hạn 30 năm.
Lại nói tới chương trình hoàn vốn của Apple. “Hoàn vốn” là một từ khiêm tốn đối với Apple trong trường hợp này, bởi trong hầu hết các trường hợp, số tiền mà cổ đông lấy lại được từ hãng lớn hơn rất nhiều so với những gì họ đã bỏ ra ban đầu. 90 tỷ USD - phần lớn số tiền mà Apple dự kiến chi cho chương trình hoàn vốn - là nhằm mục đích mua lại cổ phiếu. Số còn lại chủ yếu chi cho cổ tức.
Apple công bố chương trình hoàn vốn vào tháng 3/2012 ở mức 45 tỷ USD. Sau đó, hãng tăng mục tiêu lên 100 tỷ USD vào năm 2013, và tiếp đó là hơn 130 tỷ USD vào năm 2014. Có thể nói, nếu không tiêu tiền với quy mô thế này, Apple sẽ chẳng biết để tiền làm gì!
Theo CafeF
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]