Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN).
Theo Thông tư sẽ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10/11/2014 này, việc xác định giá khởi điểm đối với tài sản bán đấu giá được quy định rõ để đảm bảo quyền lợi của các bên.
Cụ thể, việc xác định giá khởi điểm đối với tài sản bán đấu giá được Thông tư 18 quy định rõ để đảm bảo quyền lợi của các bên, trong khi Nghị định 17/2010/NĐ-CP về bán đấu giá tài sản và Nghị định 53/2013/NĐ-CP về thành lập, tổ chức và hoạt động của VAMC chưa đề cập đến vấn đề này.
Trong trường hợp mua nợ xấu của tổ chức tín dụng theo giá thị trường, VAMC được quyền thuê tổ chức tổ chức có chức năng thẩm định giá hoặc tự định giá để xác định giá khởi điểm. Mặt khác, nếu VAMC mua nợ xấu theo giá trị ghi sổ bằng trái phiếu đặc biệt thì được thỏa thuận với tổ chức tín dụng đó về giá khởi điểm.
Tuy nhiên, khi xác định giá khởi điểm của tài sản bảo đảm cho khoản nợ xấu, VAMC phải thỏa thuận với chủ sở hữu tài sản đó hoặc bên thế chấp quyền sử dụng đất. Trường hợp các bên không thỏa thuận được giá khởi điểm trong thời hạn 5 ngày làm việc, VAMC có quyền thuê tổ chức có chức năng thẩm định giá hoặc tự xác định giá khởi điểm để bán đấu giá.
Nhằm đảm bảo tính khách quan, minh bạch, hiệu quả và tăng cường trách nhiệm của VAMC trong quá trình bán đấu giá, Thông tư cũng quy định công ty phải thông báo công khai về việc thuê tổ chức bán đấu giá và chịu trách nhiệm lựa chọn tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp dựa trên các tiêu chí về năng lực, kinh nghiệm, uy tín, phương án bán đấu giá, quy mô và cơ sở vật chất của tổ chức bán đấu giá.
Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc bán đấu giá tài sản của VAMC để xử lý nhanh và dứt điểm nợ xấu, Thông tư đã rút ngắn thời hạn niêm yết, thông báo công khai đối với tài sản bán đấu giá là động sản không được ít hơn 4 ngày làm việc, đối với tài sản là bất động sản không được ít hơn 15 ngày trước ngày mở cuộc bán đấu giá (quy định này ở Nghị định 17 là 7 ngày và 30 ngày).
Về trường hợp khi bán đấu giá chỉ có một người tham gia cuộc bán đấu giá, Thông tư 18 quy định, nếu người đấu giá này trả giá ít nhất bằng giá khởi điểm thì tài sản được bán cho người đó. Mục đích quy định này nhằm tạo điều kiện cho VAMC đấu giá khoản nợ xấu và tài sản đảm bảo khoản nợ xấu được nhanh chóng, linh hoạt.
Việc bán tài sản trong trường hợp này chỉ được tiến hành sau khi đã thực hiện đầy đủ việc niêm yết, thông báo công khai và không có khiếu nại về trình tự, thủ tục cho đến khi kết thúc cuộc bán đấu giá.
Trường hợp bán đấu giá không thành hoặc không có người đăng ký tham gia đấu giá đối với khoản nợ xấu thì Thông tư quy định VAMC lựa chọn phương thức xử lý khác theo quy định của Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn Nghị định số 53.
Trường hợp bán đấu giá không thành hoặc không có người đăng ký tham gia đấu giá đối với tài sản bảo đảm khoản nợ xấu thì trong thời hạn 5 ngày làm việc VAMC có trách nhiệm thỏa thuận với chủ sở hữu tài sản đó về phương thức xử lý tài sản; trường hợp không thỏa thuận được thì VAMC lựa chọn phương thức xử lý khác theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Thông tư cũng quy định thêm, đối với tài sản bán đấu giá được VAMC mua theo giá trị ghi sổ bằng trái phiếu đặc biệt mà cuộc bán đấu giá do tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp thực hiện thì việc hủy kết quả phải có văn bản thỏa thuận giữa VAMC, tổ chức tín dụng bán nợ, người mua được tài sản bán đấu giá và tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp thực hiện việc bán đấu giá.
Trường hợp VAMC thực hiện bán đấu giá tài sản thì việc hủy kết quả bán đấu giá phải có văn bản thỏa thuận giữa VAMC, tổ chức tín dụng bán nợ và người mua được tài sản bán đấu giá; đối với tài sản bán đấu giá được VAMC mua theo giá thị trường thì việc hủy kết quả bán đấu giá phải có văn bản thỏa thuận giữa các bên như trường hợp trên nhưng không cần sự tham gia của tổ chức tín dụng bán nợ./.
Theo Vietnamplus.vn
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]