Tăng trưởng cải thiện chủ yếu nhờ khu vực dịch vụ và công nghiệp. (Nguồn: TTXVN).
Tăng trưởng nhờ dịch vụ và công nghiệp
Theo ước tính của các chuyên gia NFSC, tăng trưởng cải thiện chủ yếu nhờ khu vực dịch vụ và công nghiệp và xây dựng khi 2 khu vực này đóng góp tương ứng 49,6% và 39,7% vào mức cải thiện tăng trưởng, trong khi nông-lâm-ngư nghiệp đóng góp 10,7%. Tuy nhiên, ngành xây dựng vẫn tăng trưởng chậm trong 6 tháng, đạt mức 4,1%, thấp hơn so với mức 4,6% của cùng kỳ năm 2013, cho thấy khu vực bất động sản vẫn còn nhiều khó khăn.
Tốc độ tăng trưởng theo quý, sau khi loại bỏ yếu tố mùa vụ, tiếp tục xu hướng tăng kể từ quý 2/2013. Sau khi loại bỏ yếu tố mùa vụ, tốc độ tăng trưởng quý 2/2014 đạt 5,6%, cao hơn mức 5,3% của cùng kỳ năm 2013.
Với xu hướng trên và chưa tính đến ảnh hưởng trễ trong 6 tháng cuối năm của sự kiện Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan, NFSC dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2014 sẽ đạt khoảng 5,7-5,8%.
Đánh giá về lạm phát, báo cáo của NFSC cho rằng, với mức tăng 4,98% so với cùng kỳ của CPI tháng Sáu, lạm phát tiếp tục được kiểm soát tỷ lệ thấp hơn 5%, trong những tháng đầu năm 2014. Mặc dù từ tháng 3/2014, lạm phát có dấu hiệu tăng nhưng lạm phát cơ bản (dựa trên CPI không bao gồm giá lương thực, thực phẩm, giá hàng hóa cơ bản và giá dịch vụ công) đã liên tục giảm kể từ tháng 10/2013. Điều này cho thấy tổng cầu vẫn chậm phục hồi.
Chuyên gia NFSC nhận định nếu không có những biến động về giá các mặt hàng cơ bản thì nhiều khả năng lạm phát cả năm 2014 sẽ vào khoảng 5%. Dự báo này cho thấy một dư địa nhất định để điều chỉnh giá các hàng hóa cơ bản trong 6 tháng cuối năm.
Lạm phát ổn định tạo điều kiện giảm mặt bằng lãi suất. Tính đến tháng 5/2014, lãi suất huy động VND kỳ hạn 6 tháng đã giảm 0,8 điểm % so với đầu năm, từ mức 7,2%/năm xuống 6,4%/năm. Xu hướng này đã không ảnh hưởng đến tiền gửi nội tệ của khách hàng khi tính đến tháng 5 tiền gửi bằng VND vẫn tăng 7,1% so với đầu năm.
Ảnh minh họa. (Nguồn/TTXVN).
Thanh khoản ngoại tệ chịu áp lực
Cũng trong báo cáo này, NFSC cho rằng, thị trường ngoại hối mặc dù có biến động trong tháng 5 và 6 nhưng vẫn khá ổn định so với năm 2013.
Nguyên nhân biến động tỷ giá trên thị trường tự do trong hai tháng Năm và Sáu là do phản ứng tâm lý của thị trường, vốn nhạy cảm với những tin tức không thuận lợi. Sau khi Ngân hàng Nhà nước chủ động điều chỉnh tỷ giá (tăng 1% kể từ 19/6) chênh lệch tỷ giá liên ngân hàng và thị trường tự do đã được thu hẹp.
Tuy nhiên, tiền gửi ngoại tệ giảm 5,5% nhưng cho vay lại tăng 7% là lý do khiến Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia cho rằng thanh khoản ngoại tệ đang chịu áp lực nhất định. Do đó, tỷ lệ cho vay/tiền gửi ngoại tệ đã tăng từ 84,3% cuối năm 2013 lên 95,5% trong tháng 5/2014.
Bên cạnh đó, lãi suất USD trên thị trường liên ngân hàng có xu hướng tăng từ đầu tháng 4, từ mức 0,3% một năm lên khoảng 0,4% một năm và dao động mạnh hơn.
Ngược lại với diễn biến ngoại tệ, thanh khoản tiền đồng của hệ thống vẫn được duy trì tốt do cho vay nội tệ tăng chậm hơn huy động. Tỷ lệ cho vay trên tiền gửi ngoại tệ giảm từ 82,4% cuối năm 2013 xuống còn 79% trong tháng Năm. Sau 5 tháng, cho vay VND mới tăng 1,1% so với đầu năm, chỉ bằng một nửa cùng kỳ 2013. Lãi suất VND trên thị trường liên ngân hàng sau khi có dấu hiệu tăng trong tháng Năm cũng đã giảm trở lại trong tháng Sáu.
Theo lý giải của Ủy ban Giám sát, khả năng huy động tiền gửi bằng VND của các nhà ngân hàng không bị ảnh hưởng trước xu hướng giảm lãi suất huy động từ đầu năm đến nay. Cơ quan này dẫn số liệu cho thấy, sau 5 tháng, lãi suất huy động VND kỳ hạn 6 tháng đã giảm 0,8 điểm % so với đầu năm, từ mức 7,2% một năm xuống 6,4% một năm nhưng tiền gửi vào hệ thống vẫn tăng 7,1%.
"Nguyên nhân là tỷ lệ lạm phát cũng giảm 1,4 điểm % (từ mức 6,1% trong tháng 12/2013 xuống 4,7% trong tháng 5/2014), giúp duy trì lãi suất thực," chuyên gia nghiên cứu của NFSC lý giải.
NFSC kiến nghị trong bối cảnh lạm phát đang được kiểm soát tốt, chính sách điều hành trong 6 tháng cuối năm cần tiếp tục các giải pháp hỗ trợ tổng cầu, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhằm đạt được mục tiêu tăng trưởng 5,8% cho năm 2014.
Một kiến nghị nữa là Chính phủ cần đẩy mạnh hơn nữa giải ngân vốn đầu tư nhà nước, góp phần đảm bảo mức tổng đầu tư toàn xã hội cho mục tiêu tăng trưởng, tiếp tục đẩy nhanh tiến trình xử lý nợ xấu, điều chỉnh mặt bằng lãi suất cho phù hợp nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 12-14% cho năm 2014./.
Theo Vietnamplus.vn
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]