Nhiều chuyên gia cho rằng các yếu tố vĩ mô trong nước và quốc tế cũng như ảnh hưởng của Thông tư 07 cho phép doanh nghiệp tiếp tục được vay vốn bằng ngoại tệ cũng đã tác động đến tỷ giá trong thời gian qua khá mạnh và là cơ sở cho đà tăng của USD.
Kể từ đầu tháng 8, tỷ giá trung tâm dao động với chiều hướng tăng và chưa có dấu hiệu đi xuống. Tính đến ngày 14.9, tỷ giá trung tâm đã tăng đến 136 đồng lên 21.965 VND/USD, mức cao nhất trong vòng hơn 3 tháng qua.
Riêng trong ngày 14.9, tỷ giá trung tâm tăng 11 đồng và là phiên thứ 4 liên tiếp tăng giá. Trước đó, ngày 13.9, tỷ giá trung tâm cũng đã tăng 9 đồng. Tỷ giá trung tâm tăng liên tiếp đã kéo giá USD tại các ngân hàng thương mại tăng từ 5 - 15 VND so với hôm qua.
Với biên độ +/-3% đang được áp dụng, tỷ giá trần mà các ngân hàng được áp dụng hôm nay là 22.624 VND và tỷ giá sàn là 21.306 VND/USD. Theo đó, giá USD tại các ngân hàng thương mại cũng tăng khá mạnh.
Tỷ giá VND/USD từ đầu tháng 8 tới giờ tăng 136 đồng
Điển hình như tại Vietcombank, giá USD được ngân hàng này tăng 10 VND ở cả hai chiều, lên mức 22.270 VND - 22.340 VND.
VietinBank và BIDV cùng niêm yết giá USD ở mức 22.275 VND - 22.335 VND; trong đó, VietinBank tăng 5 VND ở cả hai chiều, còn BIDV tăng tới 15 VND chiều mua vào và tăng 5 VND chiều bán ra...
Trên thị trường thế giới, tính tới 5h50 sáng 14.9, đồng USD giảm nhẹ so với Euro xuống mức: 1 euro đổi 1,1214 USD, so với mức: 1 euro đổi 1,1237 USD cùng giờ hôm qua.
Tính tới 6h00 sáng ngày 14.9 (giờ Việt Nam), chỉ số US Dollar Index (DXY), theo dõi USD với 16 đồng tiền trong giỏ tiền tệ tăng mạnh lên 86,83 điểm, so với mức 86,25 điểm cùng giờ phiên liền trước.
Đồng USD tăng mạnh ngay sau khi thị trường nhận được thông tin lãi suất trái phiếu 30 năm của Mỹ bất ngờ tăng mạnh từ mức thấp lịch sử. Lãi suất trái phiếu dài hạn của Mỹ đã lên mức cao nhất kể từ sự kiện Brexit. Lãi suất trái phiếu 10 năm tăng 8,2 điểm phần trăm lên 1,74%.
Giới đầu tư vẫn thừa nhận khả năng lãi suất sẽ buộc phải tăng vào cuối năm nay. Điều này đã làm át đi quan điểm thận trọng và kêu gọi một lập trường kiên nhẫn trong việc tăng lãi suất của bà Lael Brainard, thành viên hội đồng thống đốc Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) trong phiên trước đó.
Song song đó, Ngân hàng Nhà nước trong những ngày qua đã mạnh tay mua vào lượng ngoại tệ khá lớn để bổ sung cho Quỹ dự trữ ngoại hối. Được biết, thị trường ngoại hối liên ngân hàng trong phiên giao dịch ngày 12.9 ghi nhận Ngân hàng Nhà nước đã mua vào 101 triệu USD từ các tổ chức tài chính.
Trước đó, phiên giao dịch ngày 9.9 cơ quan này đã mua 97 triệu USD từ thị trường tiền tệ.
Các tổ chức tài chính ước lượng, tính chung trong tuần vừa qua Ngân hàng Nhà nước đã mua vào gần 0,5 tỷ USD. Và tính từ đầu năm đến nay, con số này lên khoảng 10 tỷ USD.
Ngoài ra, các yếu tố vĩ mô trong nước và quốc tế cũng như ảnh hưởng của Thông tư 07 cho phép doanh nghiệp tiếp tục được vay vốn bằng ngoại tệ cũng đã tác động đến tỷ giá trong thời gian qua khá mạnh và là cơ sở cho đà tăng của USD.
Nhiều chuyên gia nhận định, đây là một trong những năm hiếm có tỷ giá ổn định với trạng thái thuận lợi cho các tổ chức kinh doanh và ngân hàng thương mại cũng như Ngân hàng nhà nước.
Uỷ ban giám sát tài chính quốc gia nhận định, trong bối cảnh thị trường ngoại hối trong nước hiện đang ổn định, nguồn cung ngoại tệ dồi dào (cán cân thương mại thặng dư, FDI tăng khá). Vốn FDI thực hiện 7 tháng năm nay ước tính đạt 8,6 tỷ USD, tăng 15,5% so với cùng kỳ năm 2015. Trong khi cầu ngoại tệ chưa có nhiều đột biến khi kim ngạch nhập khẩu hàng hóa vẫn có xu hướng giảm so với năm trước. Tính đến hết ngày 15.8.2016 kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của cả nước đạt 102,36 tỷ USD, giảm 0,4% (tương ứng giảm 393 triệu USD) so với cùng kỳ năm 2015. (Tổng cục hải quan).
Theo Uỷ ban giám sát tài chính quốc gia, áp lực lên thị trường ngoại hối Việt Nam từ nay đến cuối năm là không lớn.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]