Đến thời điểm này, có lẽ thị trường không còn dám nghi ngờ quyết tâm “nói đi đôi với làm” của ông Bình nữa, và nếu đúng như ông Bình dự đoán về thặng dư cán cân tổng thể thì có lẽ việc ép biến động tỷ giá không quá 2% là chuyện rõ ràng trong tầm tay của NHNN.
Nhưng, điều cần nói ở đây là tại sao với cán cân tổng thể thặng dư lớn như năm nay mà NHNN vẫn phải điều chỉnh tỷ giá, dù chỉ là mức chưa đến ngưỡng 2% như họ đặt ra?
Câu trả lời đương nhiên là do áp lực phá giá (“điều chỉnh tỷ giá”) đến từ việc VND lên giá thực so với USD do lạm phát ở Việt Nam đã cao hơn nhiều so với Mỹ trong đôi ba năm qua trong khi tỷ giá danh nghĩa ít biến động. Kết cục là xuất khẩu chắc chắn đã bị ảnh hưởng tiêu cực từ sự lên giá thực này, là điều mà chính ông Bình sau này cũng phải thừa nhận, để rồi buộc phải “điều chỉnh tỷ giá để hỗ trợ xuất khẩu”.
Từ góc độ lạm phát này, có thể thấy NHNN đã rất may mắn khi trải qua gần hết một năm nay mà lạm phát ở Việt Nam lần đầu tiên trong nhiều năm đã đứng ở mức thấp, dự tính trên 2% một chút (và một phần lớn là nhờ giá dầu thô và hàng hóa trên thế giới tụt giảm). Khi lạm phát ở Việt Nam giảm xuống mức thấp như hiện nay, chênh lệch lạm phát giữa Việt Nam và Mỹ có thể đã thu hẹp đến mức không đáng kể, từ đó làm giảm đáng kể áp lực phá giá VND trong năm nay để cải thiện sức cạnh tranh của xuất khẩu của Việt Nam. Trong bối cảnh khá thuận lợi như vậy trong năm nay, dễ hiểu tại sao NHNN lại khá thành công trong việc ổn định tỷ giá mà không gây ra mấy biến động vĩ mô lớn.
Và cũng từ góc độ lạm phát này, nhìn sang năm 2015, với mục tiêu lạm phát được đặt ở mức cao hơn, khoảng 4%-5%, rõ ràng có thể thấy “room” để NHNN kiểm soát tỷ giá không còn được “xông xênh” như năm nay nữa, khi VND sẽ lại bị chịu thêm áp lực phá giá, nếu không muốn tiếp tục làm suy giảm sức cạnh tranh của xuất khẩu Việt Nam.
Bởi vậy, tuy người ta có thể không còn mấy nghi ngờ khả năng bình ổn tỷ giá của NHNN, và NHNN cũng hoàn toàn có thể có đủ nguồn lực (dự trữ ngoại hối được củng cố nhờ thặng dư cán cân tổng thể) để bình ổn tỷ giá trong năm 2015, nhưng vấn đề rõ ràng là nếu NHNN vẫn cứ cứng nhắc mục tiêu ổn định tỷ giá nói trên để khẳng định thêm uy tín chính sách của mình thì không chỉ xuất khẩu của Việt Nam nói riêng, và do đó, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam nói chung sẽ bị ảnh hưởng lớn hơn trong năm tới, mà nguồn lực của NHNN (cụ thể là dự trữ ngoại hối) sẽ bị hao hụt đáng kể, tính bằng hàng tỷ USD, để can thiệp nhằm bình ổn tỷ giá, như đã chứng kiến trong thời gian qua. Liệu cái giá phải trả này phải là quá nhỏ để NHNN bỏ qua và tiếp tục cuộc chơi như đã định?
Do đó, bài học chính sách rút ra ở đây là NHNN cần uyển chuyển hơn về lập trường chính sách tỷ giá của mình, cân nhắc và đặt nó trong bối cảnh chung có sự hiện diện của các biến vĩ mô khác như lạm phát, lãi suất, và tăng trưởng GDP. NHNN cần tránh để mình bị mắc kẹt vào những cam kết quá sớm (ngay từ thời điểm này cho năm sau) của chính mình trong khi bức tranh kinh tế trong và ngoài nước thay đổi hàng ngày, hàng giờ mà không ai có thể dự đoán, biết trước được, như những gì đã và đang xảy ra dồn dập chỉ trong một hai tháng qua.
Nếu bị kẹt vào trong tình trạng thực tế không như những gì đã nghĩ, đã tuyên bố, thì NHNN, nếu không muốn trả một cái giá quá đắt để bình ổn tỷ giá như cam kết, có thể sẽ lại buộc phải phá vỡ lời cam kết của chính mình, để rồi lòng tin chính sách mong manh của công chúng vừa gây dựng được lại một lần nữa tan thành mây khói.
Theo CafeF
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]