Tào Phi Điện (Taofeidian) nằm cách Bắc Kinh 3 giờ xe chạy. Một thập kỷ trước, đó là một bờ biển đẹp với cảng nước nông, xa xa thấp thoáng các tàu đánh cá. Ngày nay, nơi đây được cho là thiên đường đối với các nhà sản xuất khi có những con đường 8 làn xe nối liền các nhà máy sản xuất với cảng biển.
Được đặt theo tên của một thứ phi hoàng đế Trung Hoa, Tào Phi Điện là nơi các khoản tiền được đổ vào nhằm thúc đẩy nỗ lực cải tạo khu đất rộng 200 km2 thành một cái gì đó mới mẻ.
Tào Phi Điện đã là một thành phố thiết kế cho cả triệu dân sinh sống. Trong vòng một thập kỷ, 100 tỷ USD đã được đổ vào đây. Nhưng theo kết quả điều tra của một nhóm nghiên cứu độc lập, chỉ có khoảng 50% các khoản vay đổ vào đây để đầu tư là trả được nợ.
Hiện nhiều dự án lớn của Trung Quốc cũng đã chi tiêu nhiều hơn số vốn đầu tư. Nợ bây giờ đang là quả bom hẹn giờ ở Trung Quốc. Trung Quốc - một xã hội được xác định bằng việc tích lũy không ngừng tạo nên sự giàu có, hiện cũng đang phải đối mặt với sự chững lại trong chi tiêu của người dân. “Sẽ có một cuộc khủng hoảng tài chính và tôi cảm thấy rằng cuộc khủng hoảng tài chính sẽ xảy ra trong tương lai gần", Anne Stevenson Yang, người đồng sáng lập của J Capital Research tại Bắc Kinh nói.
Trung Quốc trong nhiều năm qua trở thành động lực của tăng trưởng toàn cầu. Trung Quốc cũng nắm giữ trái phiếu kho bạc Mỹ nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác bên ngoài nước Mỹ. Trung Quốc cũng sử dụng 46% thép trên thế giới và 47% sản lượng đồng thế giới.
Đến năm 2010, các ngân hàng nhập khẩu và xuất khẩu của nước này đã vượt qua WB trong việc cho các nước phát triển vay tiền. Trong năm 2013, các công ty Trung Quốc đầu tư phi tài chính 90 tỷ USD ở nước ngoài.
“Nếu Trung Quốc bị cảm lạnh, phần còn lại của thế giới sẽ không chỉ hắt hơi mà còn có nguy cơ đi vào phòng cấp cứu", bà Stevenson Yang nói.
Theo ước tính của bà Stevenson Yang, 60-70 % khoản vay mới hiện nay dùng để trả nợ cũ. Trong năm 2006, 1,2 USD trong tín dụng có thể tạo ra 1 USD tăng trưởng kinh tế, nhưng nay phải mất hơn 3 USD. Với tốc độ đó, mức tăng trưởng tín dụng hàng năm phải mở rộng 20% mỗi năm để duy trì mục tiêu tăng trưởng kinh tế 7% của Trung Quốc.
“Điều đó chỉ có nghĩa là các vấn đề nội tại của Trung Quốc ngày càng lớn hơn”, Jonathan Cornish, Giám đốc điều hành tại Fitch Ratings cho biết.
Trung Quốc đã trải qua ba thập kỷ xây dựng sự giàu có với một tốc độ chưa từng thấy trong lịch sử nhân loại. Nhưng để có bộ mặt mới, nợ đã bùng nổ trong nền kinh tế. Theo Capital, hệ thống tài chính của nước này đang gánh đến 23,3 nghìn tỷ USD là các khoản vay của các công ty và cá nhân - tương đương với khoảng 260% GDP. Chỉ trong vòng 5 năm, các khoản vay này đã tăng 15 nghìn tỷ USD - một con số khổng lồ.
Việc mở rộng tín dụng phần lớn là do sự bùng nổ của ngân hàng bóng tối, trong đó bao gồm các công ty tín thác, công ty cho thuê tài chính, công ty bảo hiểm và các loại tổ chức tài chính phi ngân hàng khác. Ngân hàng bóng tối thường cho các ngành công nghiệp khác vay tiền từ nguồn vốn huy động từ các ngân hàng truyền thống.
Sự phát triển mạnh mẽ của các ngân hàng bóng tối là kết quả của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 mà có liên quan tới Trung Quốc. Để đối phó, Bắc Kinh đã tung ra một chương trình kích thích kinh tế khổng lồ. Nhu cầu tín dụng bùng nổ mà theo một số nhà kinh tế thì đã đạt đến trạng thái “bong bóng".
Các ngân hàng truyền thống là những công cụ chính sách của chính phủ, về cơ bản tập trung hỗ trợ cho các chương trình đầu tư của chính phủ, chẳng hạn như việc xây dựng các cơ sở hạ tầng. Các ngân hàng bóng tối thì đáp ứng nhu cầu tín dụng cho kinh tế tư nhân.
Tăng trưởng của họ là chênh lệch giữa lãi suất mà họ cho các nhà đầu tư vay với lãi suất cao hơn quy định và phần lãi suất thấp đến mức giả tạo mà họ phải thanh toán cho các ngân hàng. "Ngân hàng bóng tối chính là một phản ứng đối với áp chế tài chính về quy định tiền gửi và lãi suất cho vay", Stuart Gulliver, Giám đốc điều hành của HSBC Holdings cho biết.
Sự phát triển của hệ thống ngân hàng của Trung Quốc đã trở thành hiện tượng. Năm 2000, khoảng 80% tín dụng do các ngân hàng truyền thống cung cấp. Nhưng đến năm ngoái, tỉ lệ này giữa ngân hàng truyền thống và ngân hàng bóng tối là khoảng 50/50. Nợ của Trung Quốc cũng tăng so với GDP.
Những giấc mơ tan vỡ
Vào những năm 1990, trong bối cảnh khi tín dụng bùng nổ, khoản cho vay tại các ngân hàng Trung Quốc tăng lên ít nhất 25% trong danh mục đầu tư của họ - một số tin rằng con số thực sự là cao đến 40%. Đầu năm 1999, Tập đoàn đầu tư và tín thác quốc tế Quảng Đông (GITIC) bị phá sản đã để lại khoản nợ 4,4 tỷ USD chưa thanh toán.
Nhà quan sát lo ngại cho rằng, Trung Quốc nằm trong số hệ thống tài chính tồi tệ nhất của thế giới và dự đoán nền kinh tế nước này sẽ sụp đổ.
Nhưng điều đó đã không xảy ra. Các ngân hàng được tái cấp vốn với chương trình trái phiếu trị giá 32,5 tỷ USD và một số các khoản nợ xấu đã được dồn cho các công ty quản lý tài sản nhà nước. Tăng trưởng chậm lại từ 13,1% năm 1994 xuống còn 7,6% vào năm 1999. Nhưng đến năm 2003, tăng trưởng kinh tế một lần nữa lại vọt lên mức 10%.
Tình hình hiện tại vẫn còn nhiều điều đáng lo ngại. Vào những năm 1990, tỷ lệ nợ/GDP của Trung Quốc chiếm 25%, thấp hơn hầu hết các nước phát triển. Ngày nay, tỷ lệ này đã cao hơn nhiều. Cao hơn bao nhiêu vẫn còn chưa rõ do thiếu các con số chính thức.
Rõ ràng, bây giờ Trung Quốc có ít không gian hoạt động hơn so với nước này cách đây 20 năm.
Tào Phi Điện đã cho thấy vấn đề hiện nay tại Trung Quốc lớn hơn rất nhiều so với trước đây. Tào Phi Điện là nhà vô địch trong Ngành công nghiệp thép của Trung Quốc. Tào Phi Điện và thép thủ đô (Capital Steel) là những tập đoàn lớn của Trung Quốc.
Nhưng hiện nay ngành công nghiệp này đang ảm đạm. Theo báo cáo của địa phương, ngành công nghiệp thép của Trung Quốc ước tính đang ôm khoản nợ 266 tỷ đô la Canada không thể trả nợ, cao hơn ngân sách liên bang hàng năm của Canada. Tập đoàn thép thủ đô đang rơi vào thời kỳ đặc biệt khó khăn. Trong khi đó Tào Phi Điện hiện chỉ hoạt động ở mức 25% công suất.
Trên nhiều phương diện, với những gì đang xảy ra ở Tào Phi Điện cũng như nhiều nơi khác thì chính phủ Trung Quốc đã không làm tốt việc kiểm soát tốc độ phát triển và để nó phát triển một cách bất hợp lý. "Tăng trưởng kinh tế cao tạo ra phép lạ Trung Quốc và tạo ra BRIC. Nhưng tôi cảm thấy rồi nó sẽ phá hủy các phép lạ và phá hủy cả bốn quốc gia này", ông Kung - cố vấn của Anbound có trụ sở tại Bắc Kinh cho biết.
Theo Cafef
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]