Đầu tháng 12/2022, các nước G7 áp giá trần lên dầu mỏ Nga. Thực chất đây là nỗ lực của G7 cấm có điều kiện việc Nga tiếp cận các hãng bảo hiểm và tái bảo hiểm của phương Tây. Một lệnh cấm bảo hiểm ngăn các công ty bên trong Liên minh châu Âu và G7 cung cấp bảo hiểm và tái bảo hiểm cho các nhà cung cấp dầu thô Nga dưới mức trần.
Các công ty trong các nước G7 kiểm soát 90% hoạt động bảo hiểm và tái bảo hiểm hàng hải.
Các chủ tàu Trung Quốc (nhập khẩu tăng cường dầu thô Nga kể từ khi xung đột Ukraine bùng nổ) vẫn dựa vào các nhà cung cấp bảo hiểm của phương Tây để bảo vệ tàu thuyền của mình.
Tàu vận tải Trung Quốc, thuộc hãng COSCO. Ảnh: CGTN.
Trong ngắn hạn, trần giá dầu sẽ giúp Trung Quốc có được dầu Nga với mức giá ưu đãi. Nhưng về lâu dài, Trung Quốc có nguy cơ đối mặt với chính lệnh cấm bảo hiểm của phương Tây khi vấn đề Đài Loan trở nên nóng bỏng.
Trên thực tế, vừa qua Bắc Kinh đã tiến hành một loạt động thái mà bề ngoài là để ứng phó với tình hình phức tạp quanh xung đột Ukraine, nhưng thực chất là nhằm giảm sự phụ thuộc của Trung Quốc vào các nhà bảo hiểm phương Tây.
Nhìn lại quá khứ thì việc cấm cung cấp bảo hiểm đã có một lịch sử dài lâu. Trong cuộc “Chiến tranh Kế vị Tây Ban Nha” hồi thế kỷ 18, Anh Quốc là một thế lực hải quân thống trị và là nhà bảo hiểm hàng hải hàng đầu thế giới. Nhưng chính vị thế của Anh trong cả 2 lĩnh vực đã dẫn tới tình huống éo le cho họ: Các hãng bảo hiểm của Anh rơi vào thế đi chi trả các thiệt hại do tàu chiến Anh gây ra cho tàu chiến đối phương.
Sau cuộc chiến nói trên, giới hoạch định chính sách của Anh bắt đầu phân vân liệu họ có thể cấm các hãng bảo hiểm ở London cung cấp dịch vụ bảo hiểm hàng hóa thương mại cho đối phương, và do vậy có thể kết hợp sức mạnh hải quân với ngành bảo hiểm hùng mạnh của nước này.
Những người phản đối cho rằng động thái kết hợp đó có thể làm tổn hại vị thế của London là nhà bảo hiểm hàng đầu thế giới. Nhưng chẳng bao lâu sau đó, không một nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài nào có thể sánh được với các hãng của Anh về độ tin cậy, danh tiếng và mức giá thấp.
Với tâm thế tự tin đó, các nhà hoạch định chính sách của Anh thiết kế các hạn chế bảo hiểm nhằm vào thương mại Pháp và Mỹ phòng tình huống chiến tranh trong tương lai.
Trong cuộc Chiến tranh 1812, các lệnh cấm đó đã phát huy tác dụng to lớn, khiến chi phí bảo hiểm vượt quá mức 80% giá trị của bản thân hàng hóa.
Việc thống nhất sức mạnh hải quân với sức mạnh tài chính cho phép Anh áp đặt các phong tỏa chiến lược với chi phí rẻ. Bộ Đô đốc Anh (quản lý các vấn đề hải quân) nhận thấy rằng để ngăn cản ngành công nghiệp đối phương, Anh chỉ cần làm nghẽn quá trình cung cấp tài chính cần thiết để vận chuyển các mặt hàng chiến lược.
Giới chức Mỹ ngày nay áp dụng logic tương tự, đó là vũ khí hóa vị trí lấn át của phương Tây trong ngành bảo hiểm toàn cầu để hạn chế nguồn cung của đối phương. Các quan chức này có lẽ sớm nhận ra tác dụng nhiều lần của lệnh cấm bảo hiểm, hữu ích hơn là chỉ thực thi một mức giá trần. Một lệnh cấm bảo hiểm có thể giúp thực thi việc phong tỏa hoàn toàn đối với các mặt hàng chiến lược trong thời kỳ khủng hoảng.
Như vậy, bảo hiểm đã trở thành một vũ khí trong kho các lệnh trừng phạt kinh tế của Mỹ. Trung Quốc có lẽ đã nhận thức về thách thức này nếu tình hình Đài Loan nóng lên.
Đã từ lâu Trung Quốc quan ngại về khả năng của hải quân Mỹ tiến hành phong tỏa hoạt động nhập khẩu bằng đường biển qua eo biển Malacca (bao gồm tới 80% lượng dầu nhập khẩu vào Trung Quốc). Trong bối cảnh xung đột Ukraine hiện nay, có lẽ Trung Quốc đã tính đến kịch bản khối G7 sẵn sàng gia tăng phong tỏa trong tương lai bằng các hạn chế tài chính như là cấm bảo hiểm.
Để ứng phó, Bắc Kinh đã áp dụng các biện pháp ngăn ngừa từ sớm, nhằm “pha loãng” sức mạnh của một đòn bảo hiểm như thế trong tương lai. Vừa qua, Bắc Kinh đã triển khai 2 bước để bảo đảm việc vận chuyển bằng đường biển 2 mặt hàng Nga là lúa mì và năng lượng, đó là tìm kiếm nguồn bảo hiểm phi G7 để thay thế và bảo đảm một đội tàu chở dầu lớn hơn. Hai bước này vừa hữu ích cho việc tránh các đòi hỏi báo cáo gắn với các lệnh trừng phạt của Mỹ nhằm vào Nga, vừa chủ động củng cố phòng thủ của Trung Quốc trước vũ khí bảo hiểm.
Năm 2022, Trung Quốc tăng tiếp xúc với các nguồn bảo hiểm phi phương Tây nhằm chi trả cho việc vận chuyển dầu Nga với rủi ro thấp hơn.
Các hãng Trung Quốc nhập dầu Nga, bao gồm COSCO - công ty hàng hải lớn nhất Trung Quốc, đang tìm kiếm các đối tác khác ngoài Mỹ và châu Âu cho hoạt động tái bảo hiểm.
Nếu vũ khí bảo hiểm được chĩa vào Trung Quốc ngày nay, Bắc Kinh sẽ tập trung rủi ro vận chuyển dầu vào các hãng tái bảo hiểm nhỏ hơn và không thuộc phương Tây.
Bắc Kinh cũng đẩy nhanh việc xây dựng đội tàu vận chuyển dầu của riêng mình. Họ cũng áp dụng một số chiến thuật “đặc biệt” để gia tăng quy mô đội tàu này./.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]