Dấu hỏi cho tăng trưởng trong dài hạn
Số liệu chính thức của Chính phủ Trung Quốc cho biết, GDP quý III của nước này chỉ tăng 6,5% so với cùng kỳ năm trước. Đây là tốc độ chậm nhất kể từ khủng hoảng tài chính toàn cầu. Con số này cũng thấp hơn dự báo trước đó (6,6%) và thấp hơn mức tăng GDP quý II (6,7%).
Trong bối cảnh Mỹ đơn phương áp thuế suất cao đối với nhiều mặt hàng từ Trung Quốc, các sản phẩm của Việt Nam đã có sự tăng trưởng xuất khẩu đáng kể vào thị trường Mỹ. Thủy sản, dệt may, đồ gỗ, thép,… là những mặt hàng có tỷ lệ tăng trưởng xuất khẩu lớn. Đây cũng là những lợi ích về thương mại được cho là hưởng lợi từ cuộc chiến giữa hai nền kinh tế lớn nhất nhì thế giới.
"Tuy nhiên, lợi ích trong dài han vẫn là dấu hỏi. Mọi dự đoán đang đặt ở giả định tổng cầu của Mỹ không đổi. Như nhiều dự báo, khi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung leo thang sẽ ảnh hưởng khoảng 0,5 điểm phần trăm đến tăng trưởng kinh tế thế giới. Nếu tăng trưởng của Mỹ, Trung Quốc và toàn thế giới giảm, thì tổng cầu cũng giảm. Khi đó, ngay cả những ngành được hưởng lợi (hiện tại) cũng chưa chắc đã còn được hưởng lợi" – ông Võ Trí Thành nói.
Về sự dịch chuyển các dòng vốn đầu tư, chiến lược "Trung Quốc + 1" của nhiều tập đoàn có thể diễn ra nhanh hơn dưới tác động của chiến tranh thương mại. Đây là chiến lược đã được đề ra từ một thập kỷ trước, khi giá nhân công tại Trung Quốc có xu hướng tăng.
Theo ông Võ Trí Thành, về dài hạn, Việt Nam cũng không chắc là nơi sẽ hấp thụ dòng vốn đầu tư rời bỏ Trung Quốc. Dòng vốn này đòi hỏi Việt Nam phải có kết cấu hạ tầng tốt, nhân công có kỹ năng phù hợp. Bên cạnh đó, các nhà đầu tư cũng phải cân nhắc kỹ lưỡng về chính sách lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), nhiều khả năng sẽ tiếp tục tăng lên trong thời gian tới.
"Nhiều nhà kinh tế nói rằng kinh tế Mỹ đang tăng trưởng hơi nóng, trên mức tiềm năng thể hiện qua tỷ lệ thất nghiệp thấp. Đây lại là lý do để FED muốn tăng lãi suất. Tranh cãi ở đây là tốc độ tăng, mức độ tăng. Còn trước sau gì FED cũng sẽ tăng và dần dần tăng lãi suất" – ông Võ Trí Thành chia sẻ.
Thị trường chứng khoán Việt Nam bị ảnh hưởng như thế nào?
Ông Nguyễn Đức Hùng Linh, Giám đốc phân tích và tư vấn đầu tư khách hàng cá nhân CTCP Chứng khoán Sài Gòn (SSI) cho rằng, có thể dễ dàng nhìn nhận sự dịch chuyển của dòng vốn khi quan sát thị trường chứng khoán Việt Nam.
"Tháng 6/2018, các nhà đầu tư đã tăng rút vốn ở các thị trường mới nổi khi ông Donald Trump ký sắc lệnh áp thuế, bắt đầu cuộc chiến thương mại. Mức độ lên giá của đồng USD không nhiều khiến cho các nhà đầu tư không còn mặn mà với việc đầu tư ra nước ngoài và chuyển sang co cụm. Điều này cũng giải thích cho xu hướng bán dòng trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Có nhiều nguyên nhân như nhà đầu tư nước ngoài rút vốn về nước, quỹ đầu tư tại Việt Nam nhận thấy rủi ro đã bán cổ phiếu để bảo toàn vốn và có thể chuẩn bị trước cho việc các nhà đầu tư rót vốn vào quỹ sẽ thực hiện rút vốn" – ông Nguyễn Đức Hùng Linh phát biểu tại Hội thảo "Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung: Hướng đi nào cho nhà đầu tư" mới được tổ chức.
Theo ông Nguyễn Đức Hùng Linh, ảnh hưởng tốt hoặc xấu của chiến tranh thương mại đến nền kinh tế Việt Nam là không rõ ràng vì độ mở hiện nay lớn. Các nhà đầu tư phải đề phòng rủi ro từ xa và giảm tỷ trọng đầu tư xuống đến một mức nào đó. Vẫn có những người thực hiện lệnh mua nhưng xu hướng hiện tại là bên bán mạnh hơn nên thị trường giảm điểm. Tuy nhiên, việc mức độ giảm điểm của thị trường chứng khoán Việt Nam không nhiều. Có lúc Dow Jones (Mỹ) giảm 3% thì Vn-Index chỉ giảm 1% cho thấy sự tự tin của thị trường chứng khoán Việt Nam "tốt hơn mặt bằng chung".
Bên cạnh đó, nếu dòng vốn đầu tư "Trung Quốc +1" chọn Việt Nam, bất động sản khu công nghiệp sẽ là lĩnh vực thu hút được vốn. Nhưng số vốn FDI đăng ký trong tháng 10 lại xuống thấp so với các tháng trước.
Ngành dệt may, được cho là hưởng lợi từ chiến tranh thường mại Mỹ - Trung, đã tăng trưởng tới 17,3%. Mức tăng này cao nhất trong nhiều năm, là hệ quả của việc Trung Quốc giảm tỷ trọng gia công giá rẻ từ nhiều năm trước và sự dịch chuyển của các nhà máy sang Việt Nam. Tuy nhiên, việc này cũng không cho thấy sự dịch chuyển của chuỗi sản xuất.
Trên thực tế, chủ doanh nghiệp sở hữu đồng thời nhà máy dệt may tại Việt Nam và Trung Quốc đã quyết định tăng sản lượng ở nhà máy Việt Nam. Nếu dịch chuyển cả chuỗi sản xuất, ngành dệt may khó có thể tăng trưởng cao và trong một thời gian ngắn như vậy. Đặc điểm này của ngành dệt may cũng đang tác động đến giá cổ phiếu hiện nay.
"Các công ty chứng khoán sẽ bị giảm lợi nhuận vì thanh khoản thị trường giảm. Ngân hàng cũng chịu ảnh hưởng vì chúng ta phải nâng lãi suất để bảo vệ đồng VND. Nâng lãi suất lại khiến cho biên lợi nhuận của ngân hàng hẹp lại. Cùng với mức tăng trưởng tín dụng năm nay được giám sát chặt chẽ để bảo vệ nền kinh tế, giữ lạm phát,… lợi nhuận ngân hàng sẽ giảm và giá cổ phiếu ngân hàng cũng giảm thấy rõ. Trong chiến tranh thương mại, ảnh hưởng rất sâu rộng và chúng ta phải theo dõi kỹ" – ông Nguyễn Đức Hùng Linh cho biết.
Ông Nguyễn Tiến Dũng, Văn phòng Ủy ban chứng khoán Nhà nước.
Từ phía cơ quan quản lý, đại diện Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) nhận thấy tâm lý nhà đầu tư mới là yếu tố quan trọng tác động đến thị trường. Nhiều nhà đầu tư không hiểu rõ bản chất các quyết định mua và bán của khối ngoại. Qua giám sát dòng tiền, UBCK cho biết khối ngoại thực hiện lệnh bán rất nhiều nhưng chỉ một phần tiền được rút về. Phần lớn số tiền vẫn được các quỹ đầu tư quốc tế để lại Việt Nam để tiếp tục đầu tư.
"UBCK luôn theo dõi tình hình thị trường, liên hệ với một số thị trường quốc tế để xem sự sụt giảm do tác động gì, tác động tâm lý như thế nào, các lĩnh vực diễn biến ra sao. Bản thân công ty chứng khoán cũng nắm bắt rất rõ. Tuy nhiên, có những lúc các công ty chứng khoán, môi giới xúi giục nhà đầu tư bán ra vào thời điểm này và mua vào ở thời điểm kia. Chúng tôi đã phải khuyến cáo.
Tôi chia sẻ thật là có nhiều công ty chứng khoán lành mạnh, nhưng cũng có công ty chứng khoán tuyên bố không có cơ sở như việc nói rằng thị trường sẽ về 800 điểm ngay lúc thị trường được 1.000 điểm. Như thế là tạo tâm lý cho nhà đầu tư và về mặt đạo đức là không được. Ở các nước, không một môi giới nào đưa ra nhận định như thế được, họ sẽ bị phạt. Sắp tới, trong xây dựng pháp luật, chúng tôi sẽ đưa thêm quy định về việc này" – ông Nguyễn Tiến Dũng, Văn phòng Ủy ban chứng khoán Nhà nước.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]