Tổng thống Trump khẳng định nước Mỹ không được đối xử công bằng tại WTO. Ảnh: AP.
"Nếu họ không cải thiện, tôi sẽ rút (nước Mỹ) khỏi WTO", Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu trong cuộc phỏng vấn với Bloomberg tại phòng Bầu dục hôm 30/8.
Khả năng Mỹ rút khỏi WTO tác động đến nền kinh tế toàn cầu mạnh mẽ hơn nhiều so với cuộc chiến thương mại đang diễn ra giữa Mỹ và Trung Quốc, phá hủy hệ thống thương mại hậu Thế chiến thứ 2 mà nước Mỹ dày công xây dựng.
Tháng trước, Tổng thống Trump khẳng định Mỹ gặp nhiều bất lợi với việc bị WTO đối xử "rất tồi tệ" trong nhiều năm, đồng thời cho rằng tổ chức này nên "thay đổi phương pháp".
Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer khẳng định việc cho phép Trung Quốc gia nhập WTO là một sai lầm vì tổ chức này không có khả năng đối phó với một Trung Quốc không xây dựng nền kinh tế thị trường. Ông nhiều lần kêu gọi Mỹ nên có cách tiếp cận cứng rắn hơn với WTO.
Ông Lighthizer cáo buộc hệ thống giải quyết tranh chấp của WTO vi phạm chủ quyền của Mỹ, đặc biệt trong vấn đề chống bán phá giá. Mỹ đã ngăn chặn việc bổ nhiệm thẩm phán vào cơ quan kháng án của WTO, gây lo ngại cơ quan này sẽ phải ngừng hoạt động trong những năm tới.
Từ sau Thế chiến thứ 2, các đời tổng thống Mỹ liên tục đi đầu trong việc thiết lập và củng cố các quy định thương mại toàn cầu, khẳng định điều này giúp mang lại sự ổn định cho nền kinh tế thế giới.
Theo Bloomberg, việc WTO được thành lập năm 1994 đến từ nỗ lực của nhiều quốc gia, mà Mỹ là người dẫn đầu, nhằm tạo ra một diễn đàn giúp giải quyết tranh chấp thương mại.
WTO đóng vai trò như một diễn đàn giúp giải quyết tranh chấp thương mại. Ảnh: iStock.
Một trong số những cấp dưới của Tổng thống Trump từng than phiền về việc thẩm phán của WTO thường đưa ra quyết định bất lợi cho Mỹ, đặc biệt trong vấn đề liên quan đến hệ thống chống bán phá giá của nước này.
Các quốc gia gửi khiếu nại lên WTO thường thắng thế và người bị kiện trong những vụ tranh chấp thương mại thường thua cuộc.
Mỹ thua đến 90% những vụ khởi kiện nhằm vào quốc gia này tại WTO, Bloomberg dẫn số liệu từ Viện nghiên cứu Cato trụ sở tại Washington. Tuy nhiên, Mỹ cũng thắng đến 90% vụ kiện do nước này khởi xướng, đồng thời là quốc gia khởi kiện nhiều nhất trong các thành viên WTO.
Liên minh châu Âu (EU) đang dẫn đầu nỗ lực đề xuất sửa đổi nhằm xoa dịu mối bất hòa giữa Mỹ và WTO. Tuần trước, các quan chức EU và Nhật Bản đã đến Washington để thảo luận về vấn đề này và về nỗ lực chung nhằm chống lại Trung Quốc ở WTO.