"Nếu tiếp tục cách làm ăn manh mún, cổ điển như hiện nay, ngành nông nghiệp sẽ thua và không đủ sức cạnh tranh. Do vậy, đã đến lúc ngành nông nghiệp cần nghĩ đến đường dài, làm ăn lớn, không phải chu kỳ 5-6 năm, mà ít nhất là chu kỳ 10 năm".
Chiều 21/4, Đoàn đại biểu tham dự Diễn đàn kinh tế mùa xuân 2015 tiếp tục phiên thảo luận với chủ đề tăng trưởng kinh tế và hội nhập.
Hội nhập đã khác trước…
Phát biểu đầu phiên thảo luận buổi chiều, Thứ trưởng Công thương Trần Quốc Khánh cho biết, nếu không có hội nhập kinh tế quốc tế thì sẽ không có thị trường lớn cho xuất khẩu, nhiều mặt hàng sẽ không thể vượt qua rào cản sức mua từ thị trường nội địa.
Theo ông Khánh, Việt Nam cũng có vốn, công nghệ và điều kiện đầu vào cho sản xuất hàng xuất khẩu. Việc mở cửa cho dịch vụ nước ngoài nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho sản xuất trong nước và xuất khẩu.
“Do vậy, chúng ta cần nỗ lực mới trong hội nhập sâu và rộng hơn để hỗ trợ tiến trình đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế. Hội nhập ở thời điểm này sẽ khác trước do thông qua những Hiệp định quan trọng như AEC, TPP, FTA với EU…” – Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho biết.
Theo ông Khánh, mặc dù còn nhiều ý kiến tỏ ra quan ngại, nhưng chắc chắn cuối năm 2015, Cộng đồng Kinh tế ASEAN sẽ được hình thành trên một số trụ cột mới. Trong khi đó, Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương TPP cũng đang ở giai đoạn đàm phán cuối cùng.
Môi trường kinh doanh có đủ sức cạnh tranh trong hội nhập?
Theo Thứ trưởng Trần Quốc Khánh, chúng ta không cần quá lo lắng về các hiệp định vì mọi kiến nghị của Việt Nam đều được nêu trong nội dung đàm phán, kể cả với TPP và FTA với EU, hướng tới xóa bỏ rào cản. Đồng thời, các hiệp định cũng mở ra cơ hội cho mặt hàng nông sản với thuế nhập khẩu bằng 0%, hay phát triển công nghiệp hỗ trợ.
Có thể năm nay 1000 doanh nghiệp, chúng ta mới chọn ra được 10-20 doanh nghiệp đủ sức cạnh tranh. Nhưng các năm sau đó, doanh nghiệp sẽ biết tận dụng và nắm bắt cơ hội nhanh hơn. Việt Nam muốn chống tham nhũng, các hiệp định thương mại đều có nội dung chống tham nhũng. Muốn có kỷ luật cho doanh nghiệp nhà nước, muốn đối xử bình đẳng…, các hiệp định đều để cập đến nội dung này.
“Sự lo lắng, suy cho cùng, là sức ép cạnh tranh và là sự lo lắng không hợp lý vì bản chất của nền kinh tế luôn luôn là sự cạnh tranh, nếu không cạnh tranh được thì anh buộc phải phá sản. Đó là quy luật!” – Thứ trưởng Công thương chia sẻ.
Khi mở cửa thị trường, ngành nông nghiệp Việt Nam chắc chắn sẽ gặp khó khăn. Nếu tiếp tục cách làm ăn manh mún, cổ điển như hiện nay, ngành nông nghiệp sẽ thua và không đủ sức cạnh tranh. Do vậy, đã đến lúc ngành nông nghiệp cần nghĩ đến đường dài, làm ăn lớn, không phải chu kỳ 5-6 năm, mà ít nhất là chu kỳ 10 năm.
Theo ông Khánh, đối với doanh nghiệp ở các nước tham gia TPP khác, để biết được những thách thức phía trước, doanh nghiệp phải tự nghiên cứu nhưng chủ yếu họ sẽ thông qua các Hiệp hội, chứ không hỏi nhà nước. Trong khi đó, doanh nghiệp Việt Nam vẫn “thờ ơ” và chờ nhà nước.
Bên cạnh đó, trả lời thắc mắc vì sao Việt Nam lại tiếp tục hội nhập quốc tế sâu rộng vào giai đoạn này, ông Khánh chia sẻ, Việt Nam sẽ khó đổi mới thành công nếu như không có hội nhập, không có một thị trường đủ lớn cho xuất khẩu. 90% cà phê của Việt Nam là xuất khẩu. Nhờ có hội nhập nên mới huy động được vốn cho đầu tư, có cơ hội đầu vào cho sản xuất, đặc biệt là sản xuất hàng xuất khẩu.
“Chủ trương cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển từ tăng trưởng theo chiều rộng sang tăng trưởng theo chiều sâu là bước đi đúng đắn của Việt Nam trong giai đoạn này” – Thứ trưởng Công thương khẳng định.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]