Thông tư 09 sẽ đẩy nhanh tiến trình cơ cấu lại ngân hàng. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN).
Ngày 28/3, Cơ quan Thanh tra Giám sát Ngân hàng Nhà nước đã lên tiếng lý giải việc này và nhấn mạnh: “Thông tư 09 của Ngân hàng Nhà nước hoàn toàn phù hợp với điều kiện hiện nay của nền kinh tế, không hề làm chậm mà thậm chí còn tạo nên sức ép phải đẩy nhanh tiến trình cơ cấu lại ngân hàng.”
Theo báo cáo của Cơ quan Thanh tra Giám sát, để được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ, ngân hàng thương mại phải đáp ứng một loạt các điều kiện hết sức chặt chẽ như: khách hàng có phương án trả nợ mới khả thi, phù hợp với diều kiện sản xuất, kinh doanh; khi cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ, tổ chức tín dụng phải đáp ứng được quy định về các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động ngân hàng bao gồm cả tỷ lệ tối đa của nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung hạn, dài hạn trong trường hợp cơ cấu lại khoản nợ ngắn hạn để thành khoản nợ trung hạn, dài hạn; việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ chỉ được thực hiện 01 lần.
Ngoài ra, Thông tư 09 yêu cầu tổ chức tín dụng phải đảm bảo đã ban hành quy định nội bộ để kiểm soát, giám sát đối với nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ, ngăn ngừa lợi dụng việc này để phản ánh sai lệch chất lượng tín dụng. Tổ chức tín dụng cũng phải kiểm soát nội dung, lý do cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ đối với từng khoản nợ, định kỳ hoặc theo yêu cầu, báo cáo Ngân hàng Nhà nước về tình hình cơ cấu lại nợ và giữ nguyên nhóm nợ.
Theo đại diện Ngân hàng Nhà nước, nhiều tổ chức tín dụng đánh giá Thông tư 09 là rất chặt chẽ, không còn ”cửa hẹp để lách” và từ đó, trong thời gian ngắn sắp tới sẽ được phản ánh đầy đủ, đúng thực trạng.
Các tổ chức tín dụng có thể chưa phải trích ngay số tiền dự phòng rủi ro cho những khoản nợ được cơ cấu lại nợ và giữ nguyên nhóm nợ, sẽ có thêm điều kiện về nguồn vốn để cho vay, hỗ trợ doanh nghiệp nhưng trong thời gian tới, một điều chắc chắn là các tổ chức tín dụng sẽ phải trích bổ sung dự phòng rủi ro và phải hạch toán vào chi phí hoạt động theo quy định của pháp luật hiện hành, thông tin từ Ngân hàng Nhà nước nói rõ.
”Việc phân loại nợ theo kết quả tổng hợp phân loại của Trung tâm thông tin tín dụng (CIC) là quy định rất chặt chẽ mà không có nhiều nước áp dụng. Quy định này cũng cần phải có thêm thời gian để kiểm nghiệm, đánh giá bởi lẽ có khi chỉ vì một khoản nợ có giá trị nhỏ vài triệu đồng vay tiêu dùng cá nhân của một khách hàng ở tại một ngân hàng bị xếp vào nợ xấu (ví dụ nhóm 3) thì toàn bộ các khoản vay để thực hiện các dự án sản xuất, kinh doanh có hiệu quả của khách hàng đó tại một hoặc nhiều tổ chức tín dụng khác, với giá trị khoản vay hàng tỷ đồng cũng sẽ bị xếp vào nợ xấu,” báo cáo nhấn mạnh.
Mặc dù cho phép các tổ chức tín dụng chưa phải điều chỉnh phân loại nợ theo kết quả tổng hợp của CIC nhưng Thông tư 09 cũng yêu cầu các tổ chức tín dụng này vẫn phải gửi kết quả tự phân loại nợ cho CIC để tổng hợp và gửi Ngân hàng Nhà nước để giám sát chất lượng tín dụng của từng ngân hàng.
Trên cơ sở kết quả giám sát chất lượng tín dụng, ngày 25/3/2014, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục có văn bản yêu cầu từng ngân hàng phải rà soát, đánh giá chất lượng tín dụng, tình hình nợ xấu theo tiêu chí quy định tại Thông tư 02 để xây dựng, báo cáo Ngân hàng Nhà nước kế hoạch bán nợ xấu trong năm 2014 và kế hoạch bán nợ xấu cụ thể từng tháng cho VAMC.
Ngân hàng Nhà nước sẽ áp dụng các biện pháp xử lý theo quy định pháp luật đối với các tổ chức tín dụng không xây dựng, báo cáo Ngân hàng Nhà nước kế hoạch bán nợ xấu cho VAMC hoặc không bán, chậm bán nợ xấu theo kế hoạch đã báo cáo Ngân hàng Nhà nước.
Trong năm nay, Ngân hàng Nhà nước sẽ thực hiện thanh tra toàn diện pháp nhân đối với các tổ chức tín dụng, trong đó tập trung thanh tra chất lượng tín dụng, nợ xấu và đặc biệt là các khoản nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ.
Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước sẽ thực hiện việc thuê các tổ chức kiểm toán độc lập để kiểm toán tổ chức tín dụng theo nội dung yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước, trong đó có việc kiểm toán chất lượng tín dụng, cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước bổ sung quy định về việc xử lý đối với các tổ chức tín dụng có giá trị thực của vốn điều lệ, vốn được cấp giảm thấp hơn mức vốn pháp định và một trong các chế tài xử lý là yêu cầu cổ đông, chủ sở hữu phải góp bổ sung vốn, hạn chế một số hoạt động hoặc hạn chế việc mở rộng địa bàn hoạt động (mở chi nhánh).
Nếu vốn điều lệ, vốn được cấp giảm thấp hơn mức vốn pháp định dẫn đến vi phạm các tỷ lệ bảo đảm an toàn (như tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu, các giới hạn cấp tín dụng, tỷ lệ khả năng chi trả, tỷ lệ tối đa của nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung, dài hạn,…) thì các tổ chức tín dụng sẽ bị xử lý theo đúng quy định pháp luật đối với từng trường hợp cụ thể.
Với các giải pháp đồng bộ nêu trên, báo cáo của Ngân hàng Nhà nước khẳng định, hiện nay đã có đủ công cụ, biện pháp và hoàn toàn kiểm soát được chất lượng tín dụng, nợ xấu của từng tổ chức tín dụng và của cả hệ thống. Cùng với sự phối hợp đồng bộ của các bộ, ngành liên quan, tiến độ xử lý nợ xấu, cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng chắc chắn sẽ được thực hiện đúng tiến độ, hiệu quả./.
Theo vietnamplus.vn
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]