Tăng cầu ngoại tệ
Đây không phải lần đầu tiên Chính phủ huy động ngoại tệ trong nước. Hồi tháng 5.2015, Chính phủ lần đầu tiên phát hành trái phiếu ngoại tệ trong nước trị giá 1 tỷ USD với mức lãi suất 4,8%/năm. Thời điểm đó, các ngân hàng chỉ được huy động USD đối với tổ chức là 0,25%/năm và cá nhân là 0,75%.
Vậy lần này Chính phủ sẽ huy động trái phiếu ngoại tệ trị giá 800 triệu USD này với mức lãi suất bao nhiêu? Hiện lãi suất huy động USD đang ở mức 0%, cho nên, dù với mức lãi suất nào thì nhiều ngân hàng cũng muốn “nhảy vào”.
Từ câu chuyện Chính phủ phát hành trái phiếu ngoại tệ trong nước hay như NHNN vừa mở lại cho vay ngoại tệ từ 1.6 vừa qua, cho thấy, nhu cầu huy động ngoại tệ là có thật và đang tăng lên.
Nếu không có nhu cầu huy động ngoại tệ chắc hẳn nhiều ngân hàng đã không phải tìm mọi cách để “lách trần” và NHNN đã phải gửi công văn yêu cầu ngân hàng tuân thủ quy định.
Thực tế này đang tạo sức ép lên chính sách lãi suất 0% hiện nay và nhiều chuyên gia cũng có ý kiến NHNN nên nâng lãi suất huy động USD.
TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính, cho rằng việc Chính phủ huy động ngoại tệ có lãi suất trong khi các ngân hàng huy động không lãi suất, đây là sự bất bình đẳng mà trong nền kinh tế. Do vậy, nếu Chính phủ được huy động ngoại tệ có lãi suất thì ngân hàng cũng phải được huy động với mức lãi suất nào đó.
Cùng quan điểm, TS. Lê Thẩm Dương, giảng viên Khoa Quản trị Kinh doanh, Đại học Ngân hàng TP.HCM, cho rằng cần phải mềm hóa chính sách chống Dollar hóa một chút vì thời điểm này nền kinh tế đang cần. Do vậy, lãi suất huy động USD cần phải nâng lên khỏi mức 0%.
“Chống Dollar hóa là cần thiết, nhưng “dục tốc bất đạt”, NHNN cần phải có thời gian chuẩn bị. Hiện chính sách vẫn chưa đồng bộ thì việc quyết liệt chống Dollar hóa sẽ khó thành công”, ông Dương bình luận.
Cùng quan điểm, TS. Trần Du Lịch, Ủy viên Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội, cho rằng nguồn ngoại tệ trong dân còn khá lớn nên việc đưa lãi suất huy động USD về 0% vô hình trung khiến người dân chuyển sang tích trữ ngoại tệ nhiều hơn.
“Chính sách của nhà nước vẫn là thu hút một lượng kiều hối lớn gửi về hằng năm thì đồng USD chuyển về nước phải được sinh lời. Dù bài toán này không đơn giản nhưng thời điểm hiện tại cần tính toán việc huy động USD có lãi suất”, ông Lịch phân tích.
TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính, cho rằng NHNN có thể nâng lãi suất huy động USD lên mức 0,25 – 0,5%/năm để các ngân hàng huy động được nguồn ngoại tệ trên thị trường nhằm đáp ứng nhu cầu vốn ngoại tệ của nền kinh tế.
Bài toán khó cho NHNN
Mặc dù nhiều ý kiến ủng hộ việc nâng lãi suất huy động USD, nhưng đến nay, NHNN vẫn đang im lặng. Trong điều kiện hiện tại, nếu tăng lãi suất huy động USD sẽ tác động tới lãi suất VND.
Nếu huy động USD có lãi suất sẽ làm tăng trở lại tính hấp dẫn của ngoại tệ này và rất có thể sẽ có một lượng VND sẽ được chuyển đổi sang USD. Như vậy, để huy động được VND, các ngân hàng sẽ phải đẩy mặt bằng lãi suất huy động VND lên để tăng tính hấp dẫn cho đồng tiền này.
“Chính sách lãi suất 0% có mục đích chính là làm giảm tính hấp dẫn của ngoại tệ này và tạo được sự chênh lệch giữa lãi suất USD và VND đủ lớn để tăng tính hấp dẫn của VND. Do vậy, nếu NHNN điều chỉnh chính sách lãi suất huy động USD trên mức 0%, thì các ngân hàng sẽ phải tăng lãi suất huy động của VND. Như vậy, mặt bằng lãi suất huy động VND sẽ tăng lên”, ông Hiếu phân tích.
Ông Hiếu cho rằng, Thống đốc Lê Minh Hưng có thể lựa chọn hoặc muốn huy động ngoại tệ tốt, hiệu quả và phát triển kinh tế thì phải chấp nhận rủi ro về việc lãi suất VND sẽ tăng, hiện tượng Dollar hóa sẽ tăng. Hoặc chọn ổn định lãi suất VND theo hướng giảm dần.
Chính phủ đã có yêu cầu NHNN điều hành lãi suất theo hướng giảm để hỗ trợ doanh nghiệp, nền kinh tế. Làm thế nào để vừa tăng lãi suất huy động USD vừa giảm được lãi suất cho vay VND là bài toán khó với Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]