Đến chiều 3/7, giá USD bán ra của các ngân hàng thương mại đã rút về còn phổ biến 21.330 VND. Mức giảm 50 VND so với mức cao nhất một tuần trước là khá mạnh.
Cũng trong tuần trước, khi trao đổi với chúng tôi, lãnh đạo một doanh nghiệp tại Tp.HCM lưỡng lự: “Mặc dù Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh, nhưng sau đó tỷ giá vẫn tăng lên. Chúng tôi đang có kế hoạch mua 3 triệu USD cho thanh toán nhập khẩu, nhưng khó quyết vào lúc này”.
Lưỡng lự bởi nếu không mua ngay giá USD có thể còn tăng nữa, nếu mua ngay giá có thể sẽ sớm giảm theo chủ trương bình ổn của Ngân hàng Nhà nước thì chi phí cho khoản thanh toán là đáng kể.
Vừa qua và hiện nay, hẳn nhiều doanh nghiệp và người dân đắn đo với quyết định lựa chọn của mình như vậy, liên quan đến những thay đổi của tỷ giá USD/VND. Còn một bộ phận doanh nghiệp và cả giới ngân hàng thương mại, có một vòng quay sẽ vẫn lại tiếp tục.
Vòng quay ngắn hạn
Đầu năm, Ngân hàng Nhà nước đưa ra định hướng tiếp tục cam kết ổn định tỷ giá với khoảng biến động giới hạn. Lần thứ tư thị trường có được cam kết này. Ba lần trước chính xác và chắn chắn, tại sao lần này lại không? Cam kết và niềm tin đó là được xem như sự “bảo hiểm” cho rủi ro tỷ giá đối với các hoạt động chuyển đổi vốn.
Những tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng ngoại tệ liên tiếp tăng cao. Doanh nghiệp vay USD lãi suất rất thấp, rẻ hơn nhiều so với vay VND, lại được bảo đảm hạn chế rủi ro tỷ giá. Đây chủ yếu là những khoản vay ngắn hạn, phục vụ thanh toán hàng nhập khẩu, và một phần dùng để chuyển đổi lấy VND đầu tư sản xuất kinh doanh trong nước.
Ở mục đích thứ hai, đó là những doanh nghiệp xuất khẩu, có nguồn thu ngoại tệ đối ứng trong tương lai. Họ vay USD, bán lại cho ngân hàng, tạo cung USD thương mại cho thị trường. Để hạn chế rủi ro, họ tính toán khoản vay đáo hạn trước khi có khả năng Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tỷ giá để đóng vị thế, nên chủ yếu là vay ngắn hạn. Đây là vòng quay chuyển đổi vốn từ ngoại tệ có trong hoạt động doanh nghiệp.
Tương tự, vòng quay chuyển đổi đó cũng có trong hoạt động của các ngân hàng thương mại. Một cách nhìn đơn giản, ngân hàng huy động USD lãi suất 1%/năm, bán lại cho Ngân hàng Nhà nước hoặc doanh nghiệp lấy VND cho vay lãi suất 8-9%/năm, nắm chênh lệch khoảng 7-8%/năm.
Đây cũng là vòng quay ngắn hạn và cần phải đóng trước thời điểm có khả năng Ngân hàng Nhà nước nâng tỷ giá. Thực tế, những tháng đầu năm trạng thái ngoại tệ nói chung của hệ thống âm một phần có bóng dáng của vòng quay này.
Vậy nên, khi tỷ giá biến động vừa qua, lại khớp thời điểm với lần điều chỉnh cùng kỳ năm ngoái, hẳn có những ngân hàng phải lo, tăng mua USD để trả lại phần ngoại tệ đã chuyển đổi, cũng như tránh rủi ro chi phí cao nếu đóng sau điều chỉnh. Nhu cầu mua này càng gây áp lực đối với tỷ giá trong biến động vừa qua.
Đóng kịp vòng quay trước khi Ngân hàng Nhà nước nâng tỷ giá là thành công, hạn chế được rủi ro. Vấn đề còn lại là khi nào đóng, hay dự tính khi nào Ngân hàng Nhà nước sẽ điều chỉnh.
Công bằng cho số đông
Các nhu cầu giao dịch USD trên thị trường có cơ sở thông tin, tiếp cận thông tin khác nhau. Khác biệt có thể càng rõ hơn giữa ngân hàng, doanh nghiệp với người dân. Dự tính đúng thời điểm Ngân hàng Nhà nước nâng tỷ giá để có ứng xử hợp lý, ở đây là lợi ích đồng vốn và sử dụng vốn.
Trong lần trao đổi với pv gần đây, một chuyên gia cho rằng, khi Ngân hàng Nhà nước cam kết ổn định tỷ giá với khoảng biến động cố định, vô hình trung định hướng chính sách bị lợi dụng. Các ngân hàng sẽ nắm vào đó để tạo những vòng quay chuyển đổi vốn, “căn” để kịp đóng trước thời điểm nhạy cảm nói trên.
“Khả năng nắm bắt trong tình huống này của nhiều doanh nghiệp và người dân sẽ không dễ bằng, không dễ thuận lợi như các ngân hàng thương mại. Khi có khả năng bất đối xứng thông tin như vậy thì chính sách tỷ giá hiện nay cũng có nhược điểm nhất định. Nhưng điều quan trọng nhất là nó tạo một niềm tin chung trên thị trường”, chuyên gia này nói.
Niềm tin chung trong nhận định trên cũng có thể xem là một sự công bằng cho số đông. Từ đầu năm, Ngân hàng Nhà nước đưa ra định hướng, cam kết ổn định gắn với khoảng biến động cụ thể của tỷ giá. Các cá nhân, tổ chức căn theo đó để ứng xử, hoàn toàn có quyền “lợi dụng” điều đó để sử dụng vốn sao cho có lợi. Còn làm sao để có lợi nhất, dĩ nhiên tùy thuộc vào điều kiện của mỗi thành viên.
Và cũng vì có được cam kết ổn định đó, như một sự “bảo hiểm” cho rủi ro tỷ giá, nhất là sau khi Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện điều chỉnh, vòng quay mới chuyển đổi vốn từ ngoại tệ hoàn toàn có thể lặp lại chu kỳ trong 6 tháng cuối năm. Doanh nghiệp vay USD, ngân hàng hạ trạng thái ngoại tệ để lấy VND chi phí thấp để kinh doanh. Nguồn cung ngoại tệ thương mại tăng lên và đây có lẽ là một trong những nguyên do cần tính đến trong xu hướng giảm của tỷ giá liên tiếp những ngày gần đây.
Giá USD liên tiếp giảm như vậy cũng là một sự rung lắc đối với các quyết định găm giữ trong ngắn hạn, góp phần thúc đẩy hoạt động bán ra.
Tuy nhiên, cũng là một khả năng, vào cuối năm, khi các vòng quay chuyển đổi vốn nói trên khép lại, cầu ngoại tệ có thể sẽ mạnh lên và gây áp lực tới tỷ giá. Nhưng dù vậy, nắm giữ USD sẽ không có lợi hơn so với VND, khi mà cam kết của Ngân hàng Nhà nước vẫn là một chốt chặn có uy lực.
Theo Cafef
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]