Lãi suất ngân hàng vẫn thực dương
Thưa ông, động thái điều chỉnh tỷ giá của NHNN được các chuyên gia và các định chế tài chính đánh giá rất tích cực. Tuy nhiên, đứng phía góc độ người dân, đồng tiền mất giá, nghĩa là tài sản của họ đang bị hao hụt?
T.S Nguyễn Trí Hiếu: Đúng vậy, đứng trên quan điểm của người dân, khi đồng tiền mất giá thì tạo nên tâm lý khủng hoảng. Bao nhiêu năm nay, tiền VND được giữ khá vững, Việt Nam lại là nước xuất siêu nên VND ngày càng được củng cố. Hơn nữa, đã thành thông lệ, cứ đầu năm, Thống đốc cam kết điều hành tỷ giá không quá 2% và đã giữ đúng cam kết.
Đùng một cái, năm nay, thay vì xuất siêu thì Việt Nam lại nhập siêu, cam kết giữ tỷ giá trong biên độ 2% được đưa ra nhưng không đạt được. Ngay những ngày đầu tiên của năm mới, tỷ giá đã bị điều chỉnh 1%. Việc điều chỉnh quá sớm khiến cho người dân cũng nhiều nỗi băn khoăn. Đến tháng 7, lần điều chỉnh thứ 2 đã lấy hết room. Đến lần thứ 3, mặc dù động thái của NHNN chỉ là nới biên độ, nhưng thực chất, giá trị của VNĐ đã mất tiếp 1% nữa, phá vỡ cam kết từ đầu năm. Lúc này, khái niệm phá giá tiền đồng đã trở nên rõ nét, khiến nhiều người hoang mang. Chưa dừng lại ở đó, lần thứ 4, không những vừa nới biên độ, mà còn nâng tỷ giá. Tổng cộng 4 lần, VNĐ bị mất giá tới 5%. Lúc này, niềm tin về tiền đồng đã bị ảnh hưởng đáng kể.
Cái gọi là niềm tin sở dĩ bị ảnh hưởng là vì quyền lợi của chính người dân đang bị thiệt hại, thưa ông?
Mức phá giá tiền đồng tới 5% là quá mạnh, không phải là mức bình thường nữa. Đấy là chưa kể, từ nay đến cuối năm, không có gì chắc chắn đảm bảo chúng ta sẽ tiếp tục giữ được mức tỷ giá như hiện tại, mà có khả năng sẽ điều chỉnh tăng tiếp.
Nếu giả sử cứ giữ được mức phá giá tiền đồng chỉ 5% như hiện nay, thì hàng hóa ngoài kia cũng đã tăng tương ứng ở mức 5%. Tôi làm phép tính: Với người dân bình thường, thu nhập vào khoảng 2.000 USD/năm - tương đương vào khoảng 40 triệu đồng, tức là mỗi tháng họ sẽ có thu nhập khoảng 3,5 triệu đồng. Khi tiền đồng mất giá 5%, mỗi tháng họ sẽ mất khoảng 200 nghìn đồng. Mỗi năm mất hơn 2 triệu đồng là một khoản lớn nên nỗi lo lắng, băn khoăn của người dân là có lý. Nhưng theo tôi, không nên sợ hãi quá, vì việc phá giá, về lợi ích vĩ mô, lâu dài thì chúng ta được nhiều hơn.
Lý thuyết thì dễ hơn thực tế…
Không phải chỉ lý thuyết. Hãy nhìn Trung Quốc, dù CNY bị phá giá mạnh mẽ nhưng nó vẫn được giữ ổn định, thậm chí việc phá giá là lộ trình để đưa CNY vào rổ những đồng tiền quan trọng của thế giới. Ngược lại, trước đây, Trung Quốc và Việt Nam đều theo đuổi chính sách đồng tiền mạnh. Song, vì biến động của thế giới nên Trung Quốc đã thoát khỏi chính sách này, chuyển sang trục đồng tiền yếu, tiến tới thả nổi, và họ đã chứng minh được đường hướng đúng đắn. Việt Nam hiện nay cũng đã đi vào quỹ đạo như thế.
Nhưng người dân, họ quan tâm tới “cái tay đau” của mình hơn là những chuyện xảy ra bên nước bạn. Vậy họ phải làm gì để bảo toàn đồng vốn, bảo toàn tài sản của mình?
Trong bối cảnh này, có người cho rằng nên nhảy vào USD để bảo toàn tài sản. Tuy nhiên, phân tích kỹ, đầu tư vào USD sẽ vướng 2 vấn đề. Thứ nhất, tại Việt Nam, người dân không được phép kinh doanh ngoại tệ. Đối với những người nhận kiều hối từ nước ngoài về thì có thể mở tài khoản USD tại ngân hàng. Còn với đa số người dân, mua bán USD trái phép sẽ là vi phạm pháp luật. Thứ 2, trong trường hợp nào đó, người dân có thể kinh doanh USD được thì chưa chắc việc cầm USD thời điểm này đã sinh lãi, bởi hiện nay, giá trị của USD đã được nâng lên thêm 5%. Nếu bây giờ mua USD, mang gửi ngân hàng, hưởng lãi 1,5%, thì người ôm USD sẽ bị lỗ 3,5% cho chi phí hiện tại. Chi phí này người ta kỳ vọng sẽ “gỡ” trong tương lai, khi VND tiếp tục mất giá.
Tuy nhiên, nếu trong vòng 12 tháng nữa, tỷ giá tiếp tục được điều chỉnh tới 3,5% thì người cầm USD sẽ hòa vốn, còn nếu mức “phá giá” thấp hơn 3,5% sẽ bị lỗ. Khả năng này rất khó nói trước nên theo tôi, thời điểm này không nên nhảy vào USD.
Còn với các kênh khác, vàng rất rủi ro, chứng khoán đòi hỏi phải có kiến thức chuyên môn. Bất động sản (BĐS) phải có vốn lớn, ít nhất từ 500 triệu trở lên và có sự hùn hạp để chia sẻ rủi ro. Hơn nữa, BĐS cũng cần có kiến thức, thông tin, vì phục hồi nhưng vẫn chưa bền vững, có những phân khúc tốt, nhưng cũng có những phân khúc lình xình, và thanh khoản còn thấp. Với kênh gửi ngân hàng, hiện nay, lấy mức lãi suất trung bình là 6%/năm, nếu lạm phát từ nay đến cuối năm lên 4% thì người gửi tiền vẫn có lãi thực dương vào khoảng 2-3%/năm, thành ra gửi tiền đồng vẫn có lợi hơn. Còn nếu đầu tư vào sản xuất kinh doanh thì đó là chiến lược, và thành bại còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố.
Cần chính sách hối đoái thích hợp
Ông có nói đến việc điều chỉnh tỷ giá sẽ có lợi cho kinh tế vĩ mô, nhưng rõ ràng nguy cơ lạm phát và nợ công là hiện hữu?
Năm trước mình xuất siêu, năm nay nhập siêu. Mà tỷ giá nhập khẩu cao thì lượng tiền Việt Nam cùng giá trị hàng nhập khẩu sẽ tăng lên. Và giá trị đó đi vào rổ hàng hóa sẽ làm tăng lạm phát.
Song, tỷ giá tăng, xuất khẩu được hỗ trợ, vì hàng Việt Nam bán ra ngoài sẽ rẻ hơn, đồng thời giới hạn nhập khẩu. Hàng nhập khẩu đắt hơn sẽ giảm khuyến khích nhập khẩu và có khả năng giảm nhập siêu. Động thái tích cực nữa là giúp nền kinh tế quốc gia: hàng nhập khẩu vào Việt Nam đắt đỏ hơn, từ đó các sản phẩm quốc nội có thể cạnh tranh với sản phẩm ngoại nhập. Còn về thị trường ngoại hối, sự điều chỉnh này có hiệu quả tích cực là làm hạ nhiệt thị trường. Đặc biệt, dự trữ quốc gia không phải chi quá nhiều để ổn định tiền đồng. Trước đây, khi USD rẻ, rất nhiều thành phần kinh tế chạy đến mua USD, khiến NHNN phải dùng nhiều dự trữ ngoại hối để bán ra ổn định thị trường. Và nếu bán ra sẽ hao hụt dự trữ, dẫn đến lo ngại cho thanh khoản. Cho nên, tăng tỷ giá làm USD đắt đỏ hơn, hạn chế bán USD ra ngoài, tác động tích cực là bảo toàn dự trữ quốc gia.
Thực ra, có lẽ niềm tin mới là vấn đề cốt lõi, thưa ông?
Đúng vậy, trong lúc này, Chính phủ cần ổn định kinh tế vĩ mô, giữ lạm phát thấp giúp người lao động giảm thiểu thất nghiệp, có chính sách giúp đỡ gia đình nghèo, đẩy mạnh tín dụng nhà ở cho người thu nhập thấp. Đặc biệt, khi lòng tin bị ảnh hưởng bởi thị trường ngoại hối thì hơn lúc nào hết, Chính phủ phải chăm lo đến công tác an sinh xã hội, đầu tư vào nhưng dự án xã hội, tạm thời gác lại những dự án lớn nhưng chưa thiết thực.
Đó là với người dân, còn với doanh nghiệp (DN), thay vì ngồi đợi, có lẽ họ nên chủ động?
Với tình hình tỷ giá (được dự đoán) là tiếp tục biến động tăng thì xuất khẩu sẽ được lợi do hàng hóa trong nước rẻ hơn, giúp nâng cao cạnh tranh. Ngược lại, nhập khẩu sẽ khó khăn hơn do phải dùng nhiều tiền Việt Nam hơn để mua hàng hóa từ nước ngoài. Lúc này, các DN nên đến các ngân hàng để được tư vấn dùng những sản phẩm phái sinh: hợp đồng tương lai, giao hàng tương lai, nhưng được ký kết tại thời điểm hiện nay, khi tỷ giá chưa tăng. Như vậy sẽ hạn chế được bớt rủi ro đến từ tỷ giá.
Với DN vừa xuất vừa nhập thì phải có sự linh hoạt. Một mặt, sử dụng các công cụ phái sinh để tránh rủi ro tỷ giá khi nhập hàng, một mặt, mở rộng, tìm kiếm thị trường mới để mua rẻ hơn, bán đắt hơn. Mỗi DN tùy theo chiến lược kinh doanh của mình để có kế hoạch đối phó với các rủi ro. Chuyển trục đồng tiền yếu là hướng đi đúng đắn, và Việt Nam nên điều chỉnh dần theo thị trường. Về mức điều chỉnh, không nên điều chỉnh quá đột ngột, mà trong vòng 3 năm tới, mức độ điều chỉnh khoảng 10%, tức là mỗi năm điều chỉnh khoảng 3-4% là vừa.
- Xin cảm ơn ông!
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]