Ông Andrew Patrick - Đại sứ Anh tại Myanmar tuần trước nói rằng Myanmar hoàn toàn có thể trở thành một Việt Nam hoặc Thái Lan tiếp theo. Nhận xét của ông Patrick đưa ra trong cuộc họp báo của Bloomberg tại Yangon.
Theo đó, Myanmar hiện có tiềm năng phát triển khoảng 10%, với việc mở cửa cho các nhà đầu tư sau hàng thập kỷ "bế quan" dưới sự lãnh đạo của quân đội nước này, Bloomberg cho biết.
"Sự phát triển cần có thời gian. Điểm cốt yếu là bạn phải tiến lên bằng tốc độ cao nhất có thể... 6% tới 8%, thậm chí 10% là mức phát triển hoàn toàn có thể nhận thấy", Đại sứ Patrick nhìn nhận.
Thực tế việc cải cách kinh tế và dân chủ của Myanmar đã bắt đầu từ năm 2011, làm tiền đề cho chiến thắng của đảng bên bà San Suu Kyi năm 2016.
Theo ước tính của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), nền kinh tế Myanmar nằm trong số phát triển mạnh nhất thế giới năm ngoái với 8,1%. Sự mới mẻ của Myanmar, đặc biệt ở lĩnh vực ngân hàng, sẽ là yếu tố để quốc gia này bùng nổ ở lĩnh vực tài chính.
Ông Patrick nói thêm: "Trên khía cạnh tài chính, Myanmar như một tờ giấy trắng. Việc chỉ một số ít người có tài khoản ngân hàng khiến đây là thị trường chưa được khai thác. Tương tự như Việt Nam 20 năm trước".
Các công ty như Telenor Myanmar đã liên kết với Yoma Bank để khởi động dự án Wave Money, nhằm mục tiêu đánh vào thị trường nơi người dân đa phần chưa có tài khoản ngân hàng, và trọng tâm sẽ là khu vực nông thôn, Bloomberg dẫn lời CEO Lars Erick Tellmann.
Quá trình phát triển kinh tế, bao gồm khu vực đầu tư nước ngoài, dĩ nhiên cần sự phối hợp giữa chính phủ và những đơn vị kinh tế. Nó đòi hỏi nhiều cải cách hơn nữa về cơ chế, chính sách để bắt kịp với nhu cầu của một nền kinh tế mới mẻ, nhiều tiềm năng.
Ngân hàng Thế giới (World Bank) đã phối hợp với Chính phủ Myanmar về dự án tái cấu trúc ngân hàng, thực hiện cuộc kiểm toán diện rộng trên các ngân hàng quốc doanh của nước này để hiện đại hóa hệ thống tài chính và đảm bảo phát triển an toàn, theo Bloomberg.
"Những ngân hàng này có vốn hóa thấp. Vì vậy chúng ta cần đưa ra một kế hoạch tái cơ cấu thực tế, bao gồm tái cơ cấu vốn mà không đặt ra áp lực khiến chính phủ quá tải", Negavalli Annamalai, chuyên gia tư vấn tài chính cho những công ty cho vay đa phương nhận định.
Myanmar hiện có 4 ngân hàng quốc doanh, với tài sản tương ứng khoảng 5% tổng sản phẩm quốc nội 63 tỷ USD của nước này. Việc tái cấu trúc ngân hàng là nhiệm vụ then chốt của chính phủ Myanmar, do phải đảm bảo không bị thua sút khi các ngân hàng quốc tế xâm nhập thị trường và đưa ra mức lãi suất hấp dẫn hơn.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]