Ảnh minh họa
Điều đáng nói là trong bối cảnh khó khăn, nhiều chỉ tiêu kinh doanh đã được các ngân hàng thực hiện khá tốt.
Vượt mức tăng tín dụng toàn ngành
Thông tin từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, đến cuối tháng 6/2014, tín dụng tăng 3,52% so với cuối năm 2013. Nguyên nhân của con số tăng trưởng thấp này chủ yếu là do tính quy luật tín dụng thường tăng thấp trong những tháng đầu năm, sức hấp thụ vốn của nền kinh tế vẫn còn yếu. Ngoài ra, tình trạng nợ đọng ngân sách, vướng mắc trong xử lý tài sản bảo đảm giải quyết chưa dứt điểm, cơ chế bảo lãnh cho doanh nghiệp vay vốn chưa được đẩy mạnh cũng ít nhiều ảnh hưởng tới tăng trưởng tín dụng. Điều đáng mừng là cơ cấu tín dụng tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ. Ước đến cuối tháng 6/2014, tín dụng xuất khẩu tăng 10%, công nghiệp hỗ trợ tăng 5,8%, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao tăng 13%, doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng 2% so với cuối năm 2013.
Vietcombank là một trong số ít các ngân hàng thương mại có mức tăng trưởng tín dụng cao trong toàn hệ thống. Theo Tổng giám đốc Vietcombank Nghiêm Xuân Thành, 6 tháng đầu năm, các hoạt động huy động vốn, tín dụng, thanh toán, thẻ,... đều tăng trưởng tương đối tốt. Đặc biệt lợi nhuận trước thuế và dự phòng tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2013. Theo đó, huy động vốn đạt 378.780 tỷ đồng, tăng 14,2% so với đầu năm, cao hơn mức tăng bình quân của toàn ngành (5,3%); dư nợ tín dụng đạt 293.546 tỷ đồng, tăng 6,63% so với đầu năm. Hơn nữa, cơ cấu tín dụng theo khách hàng tại Vietcombank tiếp tục dịch chuyển tích cực với tỷ trọng dư nợ thể nhân tăng nhẹ từ mức 13,7% lên 13,8%; dư nợ cho vay trung, dài hạn tăng 10,63%, trong khi dư nợ cho vay ngắn hạn chỉ tăng 4,35%, giúp cơ cấu tín dụng theo kỳ hạn có sự dịch chuyển tích cực hơn.
Thống đốc NHNN NGUYỄN VĂN BÌNH:
Lãi suất huy động và cho vay hiện đã ở mức hợp lý, huy động vốn của các ngân hàng thương mại tiếp tục tăng trưởng, đường cong lãi suất đã được thiết lập lại, thanh khoản của hệ thống ngân hàng thương mại tiếp tục được cải thiện; tỷ giá ngoại tệ ổn định.
Lợi nhuận được cải thiện
Do thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ để khơi thông nguồn vốn, quản trị ngân hàng, gia tăng dịch vụ nên mặc dù chỉ tiêu tín dụng chưa tăng cao như kỳ vọng nhưng sau 6 tháng đầu năm, không ít ngân hàng lại đạt được mục tiêu lợi nhuận đề ra, thậm chí vượt kế hoạch. Đơn cử như TPBank đạt lợi nhuận lũy kế 263 tỷ đồng, tương đương 120% so với kế hoạch đề ra và đạt 60% kế hoạch lợi nhuận cả năm 2014. Một số ngân hàng khác như Eximbank, BIDV, Sacombank đều dự kiến đạt khoảng 50% kế hoạch lợi nhuận của năm nay. Vietcombank đã có kết quả khả quan hơn khi lợi nhuận trước thuế và trước dự phòng 6 tháng đạt 5.178 tỷ đồng, tăng 14,2% so với cùng kỳ năm trước. Với kết quả đó, ngân hàng đã trích dự phòng rủi ro ở mức 2.400 tỷ đồng, tăng 24,4% so với cùng kỳ năm trước. Ông Nghiêm Xuân Thành chia sẻ, đến hết quý II/2014, lợi nhuận trước thuế của Vietcombank là 2.778 tỷ đồng, đạt hơn 49,6% kế hoạch năm và tăng 6,7% so với cùng kỳ năm trước.
Theo NHNN, các ngân hàng thương mại đã triển khai thực hiện nhiều chương trình, giải pháp cụ thể để khơi thông nguồn vốn tín dụng, hỗ trợ các doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn trong sản xuất- kinh doanh, xử lý nợ đọng, đưa vốn ngân hàng tới các lĩnh vực được ưu tiên. Để lưu thông dòng vốn, thời gian tới, nhà nước cần tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp chính sách vĩ mô để tháo gỡ những nút thắt quan trọng như xử lý nợ xấu, tăng tổng cầu, hỗ trợ thị trường, tiêu thụ sản phẩm đầu ra của doanh nghiệp, giải quyết dứt điểm nợ đọng của ngân sách, xử lý các vướng mắc liên quan đến tài sản bảo đảm.
Theo CafeF
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]