Hai đối tượng người Trung Quốc dùng thẻ ngân hàng giả để rút tiền bị Công an Hà Nội bắt quả tang.
Cùng với việc điểm mặt, chỉ tên những thủ đoạn của tội phạm, đại uý Nguyễn Minh Hoàn, Đội trưởng Đội 6 - Phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm công nghệ cao (PC50), Công an Hà Nội cũng cảnh báo người dân về cách phòng tránh “đạo chích điện tử”.
Thủ đoạn tinh vi
Thời gian gần đây, trên địa bàn cả nước liên tiếp xảy ra sự cố tiền trong tài khoản ngân hàng của khách hàng bỗng nhiên “bốc hơi”, từ vài chục triệu đồng đến cả chục tỷ đồng. Mặc dù nguyên nhân những vụ tiền không cánh mà bay chưa được làm sáng tỏ, song đại úy Nguyễn Minh Hoàn, Đội trưởng Đội 6, PC50 - Công an TP Hà Nội (một trong những đơn vị chuyên trách về tội phạm ngân hàng) nhận định, không loại trừ khả năng có bàn tay của tội phạm công nghệ cao.
Theo ông Hoàn, qua công tác trinh sát và thực tiễn đấu tranh cho thấy, thời gian gần đây tội phạm công nghệ cao trong lĩnh vực ngân hàng chủ yếu sử dụng 3 chiêu thức phạm tội.
“Khi rút tiền tại các máy ATM, người dân nên quan sát bề mặt các máy ATM xem có gì bất thường không. Hạn chế giao dịch ở các ATM vắng, ít người. Tuyệt đối không cung cấp thông tin tài khoản cá nhân của mình cho người khác. Đối với các đơn vị cơ sở kinh doanh của người dân sử dụng máy POS, phải lưu ý khi khách hàng là người nước ngoài và dùng nhiều thẻ ngân hàng để quẹt”. Đại úy Nguyễn Minh Hoàn cảnh báo |
Thứ nhất là việc mua, bán thông tin tài khoản thẻ ATM bị đánh cắp, sau đó tự sản xuất thẻ giả để rút tiền. Loại tội phạm này chủ yếu là người nước ngoài, trong đó nhiều đối tượng người Trung Quốc nhập cảnh vào Việt Nam qua đường tiểu ngạch hoặc đi du lịch. Khi vào Việt Nam, chúng thường mang theo phôi thẻ ATM cùng các thiết bị để sản xuất thẻ ATM, thẻ tín dụng giả.
Điển hình, đầu tháng 6/2016, Công an quận Ba Đình bắt quả tang Tian Yun Yun (SN 1987) và Zhong Zheng (SN 2000), đều ở tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc đang dùng thẻ ATM giả để rút tiền tại cây ATM của ngân hàng Liên Việt Post Bank (269 Giảng Võ, phường Cát Linh, quận Đống Đa, Hà Nội). Kiểm tra tại chỗ, cảnh sát thu giữ 210 triệu đồng và một số thiết bị là công cụ phạm tội của các đối tượng…
“Những đối tượng này thường hoạt động theo nhóm và chịu sự điều hành của đối tượng cầm đầu ngồi ở nhà. Thông tin về tài khoản ngân hàng bị đánh cắp sẽ được đối tượng cầm đầu chuyển lần lượt qua phần mềm Wechat cho đồng bọn” - đại úy Hoàn thông tin.
Phương thức thứ hai cũng rộ lên trong thời gian gần đây đó là tội phạm sử dụng Skimming. Đây là một bộ thiết bị gồm: camera siêu nhỏ, khuôn bàn phím của máy ATM, thiết bị đặt ở khe đút thẻ để sao lại dữ liệu. Loại tội phạm sử dụng Skimming thường đến những trạm ATM vắng vẻ, ít người để ý rồi tiến hành lắp đặt các thiết bị vào ATM. Người dân dùng thẻ ATM “sập bẫy”, khi gõ mật khẩu sẽ bị khuôn bàn phím và camera ghi lại, khi thẻ đút vào khe sẽ bị sao chép lại dữ liệu. Từ đây các đối tượng sẽ tiến hành đánh cắp thông tin của khách hàng và dùng thẻ giả để rút hết tiền trong tài khoản rồi chiếm đoạt.
Vẫn theo vị đội trưởng Đội 6 PC50, Phishing là thủ đoạn thứ ba mà tội phạm cũng thường xuyên sử dụng để đánh cắp thông tin tài khoản ngân hàng. Trước tiên, các đối tượng sẽ mua thông tin khách hàng như địa chỉ email, số điện thoại, sau đó giả danh các cơ quan, tổ chức gửi email, tin nhắn thông báo trúng thưởng và yêu cầu khách hàng nộp một số tiền nhỏ vào tài khoản để làm thủ tục nhận thưởng, nhận quà từ đó chiếm đoạt thông tin thẻ, mật khẩu, mã giao dịch OTP…
Hoặc, các đối tượng sẽ dụ người dùng đăng nhập vào các website giả mạo, có giao diện giống với giao diện của ngân hàng mà người dùng sử dụng với mục đích đánh cắp thông tin tài khoản, mật khẩu... Thủ đoạn này cũng chính là phương thức được các đối tượng sử dụng gây ra vụ việc đánh cắp 200 triệu đồng từ tài khoản ngân hàng Vietcombank của một khách hàng gây xôn xao dư luận vừa qua. Rất may, khi các đối tượng định tiếp tục đánh cắp 300 triệu đồng của chủ thẻ, phía ngân hàng này đã kịp thời phong tỏa.
“Để tránh bị phát hiện, các đối tượng thường dùng tài khoản thẻ ngân hàng trộm cắp để mua hàng trực tuyến, mua vé máy bay, đặt khách sạn, thanh toán tiền cá độ bóng đá...” - ông Hoàn nói.
Làm gì để không mất tiền?
Để phòng tránh thiệt hại khi bị mất thông tin cá nhân, mất tiền trong tài khoản, PC50 Công an Hà Nội khuyến cáo khách hàng cần bảo mật thông tin về tên/mật khẩu đăng nhập các dịch vụ ngân hàng điện tử, mã xác thực giao dịch OTP. Cần bảo vệ điện thoại hoặc thiết bị di động của mình khi sử dụng các thiết bị này cho các dịch vụ ngân hàng trực tuyến như cài đặt phần mềm phòng chống mã độc hại, thiết lập tính năng xác thực khi truy cập bằng mật mã hoặc vân tay…
“Khi rút tiền tại các máy ATM, người dân nên quan sát bề mặt các máy ATM xem có gì bất thường không. Hạn chế giao dịch ở các ATM vắng, ít người. Tuyệt đối không cung cấp thông tin tài khoản cá nhân của mình cho người khác. Đối với các đơn vị cơ sở kinh doanh của người dân sử dụng máy POS, phải lưu ý khi khách hàng là người nước ngoài và dùng nhiều thẻ ngân hàng để quẹt” - Đại úy Nguyễn Minh Hoàn cảnh báo.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]