Thị trường đồn đoán rằng sẽ có các cặp ngân hàng sáp nhập như sau: (1) Vietcombank-SaigonBank, (2) Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) - Ngân hàng Phát triển Nhà Đồng bằng Sông Cửu Long (MHB), (3) Vietinbank- OceanBank hoặc PGBank, (4) Ngân hàng Phương Nam (Southern Bank)- Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), (5) Ngân hàng Mê Kông (MDB) - Ngân hàng Hàng Hải (Maritime Bank), (6) GPBank - LienVietPostBank. Ngoài ra, mới đây NamA Bank cũng công bố có kế hoạch nhận sáp nhập một ngân hàng phù hợp.
Trong số các ngân hàng trên, chỉ có GPBank là ngân hàng cuối cùng trong 9 ngân hàng bị NHNN xếp vào hàng yếu kém và cần phải tái cơ cấu hồi năm 2011. Như vậy, ta có thể nghĩ rằng mục đích chính của kế hoạch sáp nhập hợp nhất năm nay không phải là nhằm “cấp cứu” cho hệ thống ngân hàng bằng cách cho biến đi các ngân hàng yếu kém nhất, có khả năng đổ vỡ nhất trong toàn hệ thống, như đã từng xảy ra trong các năm trước.
Nhớ lại, trước đây NHNN cũng đã từng nêu kế hoạch đến năm 2015 sẽ có 1 hoặc 2 ngân hàng đạt đến tầm cỡ khu vực về quy mô và tính cạnh tranh. Nay, với sự xuất hiện của 3 “ông lớn” ngân hàng thương mại nhà nước là Vietcombank, Vietinbank và BIDV trong kế hoạch sáp nhập hợp nhất năm nay, câu hỏi được đặt ra là, phải chăng NHNN đã và đang tiếp tục lộ trình tham vọng biến những ngân hàng nhà nước này thành ngân hàng tầm cỡ khu vực, và đây mới là mục tiêu chính của kế hoạch sáp nhập năm 2015?
Nhưng nhìn lại đối tác sáp nhập tiềm năng của các “ông lớn” này trong năm nay thì có thể thấy chúng là những ngân hàng quy mô nhỏ, với vốn điều lệ khoảng 3.000-4.000 tỷ đồng, so với quy mô vốn lớn gấp hàng chục lần của 3 ngân hàng thương mại nhà nước. Bởi vậy, cho dù có sáp nhập xong các ngân hàng nhỏ này trong năm nay thì 3 ngân hàng thương mại nhà nước này cũng không “lớn” thêm được bao nhiêu về quy mô hay mạnh thêm đáng kể về tính cạnh tranh trong khu vực. Do đó, có thể nói rằng NHNN một lần nữa lại trễ hẹn trong kế hoạch tái cơ cấu hệ thống ngân hàng của mình.
Dẫu vậy, nếu xét đến mục tiêu năm 2017 chỉ còn 20 ngân hàng thương mại trong hệ thống (có lúc thì NHNN lại đặt mục tiêu là còn 17-18 ngân hàng) thì kế hoạch sáp nhập, hợp nhất năm nay của NHNN không phải là vô ích. Nếu suôn sẻ theo đúng kế hoạch (đồn đoán) thì con số ngân hàng trong toàn hệ thống tính đến cuối năm nay sẽ giảm đi chừng 6-7 ngân hàng. Và nếu trong năm 2016-17, một số lượng ngân hàng tương tự sẽ tiếp tục được tái cơ cấu (và biến mất) thì số lượng ngân hàng còn lại trong hệ thống quả thật sẽ khá trùng khớp với mục tiêu kế hoạch của NHNN.
Ngoài ra, nếu các ngân hàng nhà nước sau sáp nhập năm nay (và các năm sau) lại tiếp tục con đường sáp nhập, hợp nhất trong những năm tới (kể cả với các ngân hàng mới hình thành sau sáp nhập, hợp nhất) thì mục tiêu hình thành các ngân hàng tầm cỡ khu vực sớm muộn gì thì cũng sẽ được hoàn thành trước năm 2020, là thời điểm hội nhập ngành ngân hàng trong Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC).
Đến đây, một câu hỏi khác được đặt ra là, động cơ nào thúc đẩy các vụ sáp nhập, hợp nhất mà phần lớn mang tính tự nguyện, như NHNN cho biết, như trong năm 2015 này? Với lượng thông tin công bố rất hữu hạn thì có lẽ chỉ có những người trong cuộc mới cho câu trả lời chính xác. Nhưng nhìn từ ngoài vào, những vụ sáp nhập, hợp nhất thế này chỉ như một phép cộng số học thuần túy các thuộc tính của 2 ngân hàng được hợp nhất vào với nhau, và khó mà chỉ ra được hiệu quả nhân lên đến từ sự sáp nhập, hợp nhất này. Đối với các ngân hàng thương mại nhà nước, việc sáp nhập các ngân hàng nhỏ vào với chúng chỉ như can thêm một miếng vải vào một tấm áo ngắn. Còn với các ngân hàng tầm cỡ "xêm xêm" như nhau thì việc sáp nhập cũng chỉ như việc góp gạo thổi cơm chung, vì chúng ít nhiều đều có chiến lược, thị trường, mạng lưới, công nghệ, sức mạnh v.v... na ná nhau.
Như vậy, bình thường ra thì các ngân hàng này vẫn sống độc lập được, và thậm chí là sống khỏe mà không cần, không có nhu cầu sáp nhập và hợp nhất với những ngân hàng khác, kể cả ngân hàng lớn hơn, mạnh hơn chúng. Bằng chứng là chuyện đối tác sáp nhập của BIDV (MHB?) có “tâm trạng” về sự gắn bó với một thương hiệu, với quá trình đi lên của họ, tuy là một ngân hàng tuy nhỏ nhưng không yếu kém, vẫn hoạt động tốt tại các địa bàn ở đồng bằng sông Cửu long. Từ khía cạnh này, cũng sẽ là hợp lý nếu nghĩ rằng chắc chắn trong các trường hợp sáp nhập, hợp nhất năm nay đã có một chất xúc tác, hay một lợi ích được hứa hẹn, hoặc một sự tác động nào đó thúc đẩy cho các đối tác tiềm năng này đi tìm nhau, thấy nhau, và xích lại gần nhau. Đến đây thì chỉ thấy NHNN là người có thể đóng được vai này!
Theo CafeF
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]