Quy định chấm dứt huy động và cho vay vàng miếng đối với các TCTD hạn định cuối cùng từ 30/6/2013, tuy nhiên những khoản vay vốn bằng vàng kỳ hạn dài vẫn chưa đến ngày đáo hạn. Mặc dù các NH đã có nhiều chính sách khuyến khích người có nợ vàng trả sớm để loại vàng ra khỏi danh mục kinh doanh tín dụng nhưng tâm lý người vay vàng muốn đợi giá vàng giảm mới mua để trả nợ.
Đấu thầu để tất toán chiều huy động
Giữa năm 2013 các NH đồng loạt phải trả lại vàng cho tất cả các khoản tiết kiệm bằng vàng miếng với bất cứ hình thức huy động tiết kiệm hay chứng chỉ ngắn hạn. Nhiều NH thời điểm đó rơi vào trạng thái vô cùng khó khăn trong việc trả lại vàng cho khách hàng do một khối lượng vàng mà các NH giữ hộ (trả lợi tức) hoặc huy động đã được họ bán ra hoặc cầm cố lấy tiền đồng, theo thể thức cho phép chuyển đổi 30% tổng số vốn vàng huy động ra thành tiền để kinh doanh.
Theo số liệu thống kê thời điểm đó, tổng lượng vàng huy động của các NH trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh vào khoảng 1,3 triệu lượng, như vậy có ít nhất 400 ngàn lượng trong số này đã không còn là vàng miếng mà đang nằm trong các dự án sản xuất kinh doanh dưới dạng dư nợ tiền đồng.
Tổng giám đốc một NHTMCP có thế mạnh kinh doanh vàng tâm sự với phóng viên TBNH, mỗi buổi sáng thức dậy suy nghĩ đầu tiên của ông là chọn thời điểm giá tốt nhất trong ngày mua vào để trả cho người gửi vàng. Mặt khác, 14 NHTM cộng với Công ty SJC lại còn phải làm thêm nhiệm vụ bình ổn thị trường vàng. Vì thế, Tổng giám đốc các NHTMCP đều không sao xoay xở cho ngày 30/6/2013 không còn một miếng vàng nào trong cơ cấu vốn huy động.
Nhà điều hành sau khi nhận thấy các TCTD và DN không thể gánh vác vai trò bình ổn thị trường nên đã quyết định đấu thầu vàng với vị thế là bên mua bán cuối cùng để can thiệp thị trường. Theo đó, các phiên đấu thầu vàng đã làm tăng cung vàng miếng SJC đáp ứng nhu cầu cho các NH trả nợ cho người gửi vàng.
Đến nay, nhiều lãnh đạo các NHTM vẫn cho rằng, công cụ đấu thầu vàng của NHNN đã cứu họ trong thời điểm khó khăn nhất, trước những giằng co giữa chấp hành quy định với lợi ích kinh doanh. Toàn bộ những đơn vị tham gia đấu thầu vàng năm ngoái đều phải chứng minh mục đích mua vàng về để hỗ trợ thanh khoản, mà cụ thể là chi trả toàn bộ số vàng họ đã huy động trước đây. Theo đó, nghiệp vụ đấu thầu vàng của NHNN đã chính thức “cắt được cái đuôi” vốn vàng huy động cho các TCTD. Thế nhưng, trong bảng cân đối của các TCTD đã cho vay vàng nhiều năm trước thì vẫn còn đó.
Sẽ đến lúc khách vay phải “thoát hàng”
Để chấp hành hạn định tất toán trạng thái vàng, các NHTM đã khuyến khích người gửi vàng bán vàng lại cho NH, lấy tiền đồng gửi tiết kiệm với lãi suất cao và tặng thêm quà thì dễ đạt được thỏa thuận. Thế nhưng, với đề nghị người vay vàng với lãi suất 5-7%/năm kỳ hạn 7-10 năm mang vàng đến trả trước hạn không tính lãi phạt hoặc chuyển đổi dư nợ vàng thành tiền đồng thì không dễ. Chưa kể những tổ chức vay vàng trong NH nhiều năm trước đây đều là những đơn vị chế tác nữ trang, một số không nhỏ đầu tư bất động sản, nay vốn vàng đã chuyển hóa hết vào dự án thì họ không biết lấy vàng ở đâu để trả nợ.
Theo NHNN chi nhánh TP. Hồ Chí Minh, tính đến hết tháng 6/2014 còn khoảng 157.317 lượng vàng của 10 NH đã cho vay trước đây chưa thể tất toán. Con số này đã giảm 1/9 so với tổng dư nợ vàng thời điểm 30/6/2013 nhờ những chiêu giảm lãi suất cho vay nếu trả trước hạn.
Để loại vàng ra khỏi bảng cân đối, một số NHTMCP ở TP. Hồ Chí Minh đã bắt đầu tính đến khả năng sử dụng vốn của mình để “tự xử” cho số dư nợ vàng còn tồn tại, sau này được thu nợ sẽ đưa vào phần tài sản của NH. Tuy vậy, theo các chuyên gia tài chính, không nên quá vội vã để chỉ nhằm mục đích “cắt đứt quan hệ với vàng” càng sớm càng tốt vì với mức lãi suất dư nợ vàng hiện vẫn ở mức 10%/năm, trong khi lãi suất cho vay chỉ 8-9%/năm sẽ là động lực cho các tổ chức có dư nợ vàng sớm trả nợ.
TP. Hồ Chí Minh - thị trường vàng lớn nhất nước trong nhiều năm qua, số liệu thống kê của NHNN Chi nhánh thành phố cho thấy, từ khi có quy định mới về hệ thống mua bán vàng miếng, đến nay toàn thành phố có 905 điểm mua bán vàng miếng của 30 TCTD và DN quy mô lớn.
Theo NHNN chi nhánh TP. Hồ Chí Minh, trong số đã cấp phép đến nay có 4 điểm giao dịch không hoạt động, hàng chục điểm số lượng giao dịch rất thấp, thậm chí có điểm một ngày giao dịch dưới 1 lượng vàng miếng. Ở đây có yếu tố là miếng vàng hiện phổ biến có giá trị 1 lượng, nên khi người mua lẻ một chỉ, năm phân yêu cầu chủ cửa hàng xuất hóa đơn, ghi rõ số sê-ri cũng là một giới hạn khi giao dịch vàng miếng.
Theo CafeF
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]