Sau BIDV sáp nhập MHB, VietinBank sáp nhập PGBank sẽ là một loạt thương vụ mới: Maritimebank với MDB và Southern Bank nhập về Sacombank. Mặc dù được Ngân hàng Nhà nước sẵn sàng hậu thuẫn nhưng vẫn còn không ít thách thức đối với các “vú em” và cơ quan quản lý.
Nếu như thời điểm trước 2011, nhắc đến cụm từ “sáp nhập”, thị trường sẽ rúng động và liên tưởng đến nỗi lo mất thanh khoản. Thậm chí, chúng trở thành con ngáo ộp, khiến nhà quản lý chùn tay mỗi khi có ý định thanh lọc hệ thống.
Đường đi vẫn chưa quang đãng
Từ 2012 đến nay, sau khi xử lý thành công 8/9 ngân hàng theo phương án bắt buộc nhưng hệ thống vẫn ổn định, Ngân hàng Nhà nước có cơ sở để mạnh tay hơn trong việc sàng lọc bớt những đơn vị hoạt động thiếu hiệu quả.
Theo phân tích của chuyên gia Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách tiền tệ Quốc gia, trong đợt hai của quá trình tái cơ cấu, cách thức tiến hành của Ngân hàng Nhà nước mặc dù không nặng nề như ở đợt một nhưng tính quyết liệt thì vẫn như trước.
Với BIDV tương đối thuận lợi do cả hai ngân hàng đều một chủ nhà nước nắm giữ tới trên 90% vốn cổ phần nên quá trình sáp nhập diễn ra khá suôn sẻ, câu chuyện chỉ dừng lại ở chỗ làm thế nào để hai hệ thống ráp nối với nhau được trôi chảy.
Và, sau gần hai tháng triển khai, đến nay chưa bộc lộ một trục trặc đáng kể nào.
Nhưng với trường hợp VietinBank sáp nhập PGBank lại khác. Tại buổi lễ công bố, khá nhiều thông tin được các bên liên quan như VietinBank và Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) đưa ra khá thuận lợi nhưng nay, trục trặc đã bắt đầu.
Đó là, ngày 20/6, PGBank triệu tập đại hội cổ đông lần thứ nhất, yêu cầu các cổ đông hiện hữu góp vốn pháp định cho đủ với mức tối thiểu 3.000 tỷ đồng theo quy định của pháp luật trước khi tiến hành sáp nhập vào VietinBank, do vốn điều lệ thực của PGBank hiện được xác định không đủ mức 3.000 tỷ đồng.
Nhưng cuộc họp chỉ triệu tập được 36,1% cổ phiếu có quyền biểu quyết tham dự, mặc dù theo quy định, đại hội cổ đông lần thứ nhất chỉ được phép thực hiện với điều kiện có ít nhất 65% tổng số cổ phiếu có quyền biểu quyết.
Sau lần đại hội bất thành này, PGBank tiến hành triệu tập cuộc họp lần thứ 2 vào ngày 27/6 nhưng kết quả chỉ thu hút được 32% cổ phiếu có quyền biểu quyết thay vì ít nhất 51% như quy định của luật.
Như vậy, sẽ có cuộc họp lần thứ ba vào ngày 2/7/2015 và theo quy định, không cần căn cứ vào kết quả có bao nhiêu phần trăm cổ phiếu có quyền biểu quyết tham dự, cuộc họp vẫn được tiến hành dù còn không ít vấn đề đặt ra ở đây, nhất là vấn đề liên quan đến quyền lợi của PGBank sau sáp nhập.
Thứ hai, trong trường hợp không góp đủ vốn điều lệ, Ngân hàng Nhà nước buộc phải tỏ rõ quan điểm và có thể xuất hiện thêm một trường hợp bị mua “không đồng” như từng xảy ra với OceanBank và VNCB rồi giao lại cho VietinBank làm “vú em”.
Hoặc, cũng có thể, thương vụ sáp nhập vẫn được tiến hành bình thường nhưng vốn điều lệ sau khi cộng ngang giữa hai ngân hàng sẽ phải giảm xuống.
Những vấn đề của các thương vụ mới
Thêm một thương vụ nữa là Maritime Bank và MDB. Trước sáp nhập, Maritime Bank là 1 trong 12 ngân hàng đứng đầu thị trường về vốn điều lệ, quy mô hoạt động, tổng tài sản và mạng lưới.
Sau sáp nhập, đại diện Maritime Bank cho biết, trước hết là góp phần giải quyết câu chuyện sở hữu chéo giữa hai ngân hàng.
Hai là, Maritime Bank tận dụng được khá nhiều lợi thế để phát triển các sản phẩm tín dụng nông nghiệp, mở mang thị phần về phía Nam, đặc biệt là vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Ba là, từ năm 2010, MDB có thêm một cổ đông chiến lược là Công ty đầu tư tài chính Fullerton Financials Holding (FFH), 100% vốn của Temasek Holdings (Tập đoàn tài chính hàng đầu của chính phủ Singapore).
Theo lãnh đạo Maritime Bank, sự liên minh này đã giúp cho MDB có được đường lối chiến lược, quản trị theo hướng hiện đại, lành mạnh và phát triển mạnh mảng bán lẻ.
Bốn là, thương vụ Maritime Bank và MDB là sáp nhập trên cơ sở tự nguyện, mặc dù MDB có quy mô nhỏ nhưng hoạt động lành mạnh, không thuộc diện bị tái cấu trúc như OceanBank, VNCB hay PGBank, nợ xấu MDB khá thấp, chỉ 2,71% kết thúc năm 2014.
Theo đó, sau sáp nhập, Maritime Bank có tổng tài sản lên tới 113.000 tỷ đồng, vốn điều lệ 11.750 tỷ đồng, đội ngũ nhân sự hơn 5.000 người, hệ thống giao dịch gần 300 điểm, số lượng khách hàng trên toàn quốc đạt xấp xỉ 1,4 triệu khách hàng cá nhân, gần 9.000 khách hàng doanh nghiệp, 600 định chế tài chính.
Lúc đó, vốn điều lệ của Maritime Bank đứng thứ 7 toàn hệ thống, với hệ thống mạng lưới 270 điểm giao dịch, đứng thứ 5 trong khối cổ phần và tổng tài sản đứng thứ 14 toàn ngành.
Đến thời điểm này, khi Maritime Bank và MDB chưa triển khai kế hoạch sáp nhập, mọi thông tin về thương vụ này có vẻ như đang im ắng trong sự chờ đợi của thị trường.
Tuy nhiên, một thương vụ khác, rục rịch từ hơn hai năm qua, đó là Sacombank vừa gửi bộ tài liệu đại hội cổ đông bất thường 2015 vào ngày 11/7, với nội dung công bố đề án sáp nhập Ngân hàng Thương mại Cổ phần Phương Nam (Southern Bank) vào Sacombank.
Tại cuộc họp này, sẽ công bố dự thảo tỷ lệ hoán đổi là 1 cổ phiếu Southern Bank hoán đổi thành 0,75 cổ phiếu Sacombank. Trước đó, Southern Bank cũng công bố đại hội cổ đông bất thường vào 2/7.
Rất có thể, lần này, cuộc “hôn nhân” Sacombank và Southern Bank sẽ đi đến hồi kết nhưng vấn đề ở đây, một ông chủ của một ngân hàng nhỏ, hoạt động kém hiệu quả, lại làm chủ một ngân hàng lớn.
Và, đường lối quản trị, tư duy điều hành, chiến lược hoạt động đi theo hướng nào là câu hỏi lớn chưa dễ tiên liệu.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]