Con số này đã góp phần khiến Quỹ BHYT bội chi gần 2.200 tỷ đồng, tăng 40% so với 6 tháng năm 2015.
Bội chi kỷ lục
Hai “kỷ lục” dẫn đầu về số chi khám chữa bệnh (KCB) BHYT khủng đều thuộc về tỉnh Bắc Giang. Cụ thể là Phòng khám đa khoa Anh Quất chỉ trong 6 tháng đầu năm đã tăng 2.825,4% lượt KCB ngoại trú, kéo theo chi phí cũng tăng hơn 6.330% so với cùng kỳ năm 2015. Bệnh viện (BV) Y học cổ truyền Lan Q với mức tăng lượt KCB ngoại trú lên 235,05%, chi phí tăng đến 1.337,08%.
Người bệnh làm thủ tục khám chữa bệnh BHYT tại Bệnh viện A Thái Nguyên. ảnh: T.L
Ông Thân Đức Lại – Giám đốc BHXH Bắc Giang cho biết, “chiêu” phổ biến mà các cơ sở KCB có chi phí gia tăng lớn là sử dụng các đoàn KCB lưu động đến từng xã để khuyến khích người dân đến khám, làm tăng nhu cầu KCB, tăng cung cấp các dịch vụ y tế. Ngoài ra, tại Bắc Giang cũng có “nghi án” người dân “đua nhau” bị tai nạn thương tích khi BV Phục hồi chức năng cũng tăng 2.888 lượt KCB ngoại trú; chi phí tăng 1.755%. Theo ông Lại, sau khi điều chỉnh tăng giá, các dịch vụ phục hồi chức năng tăng giá nên được BV sử dụng quá thường xuyên. Ước tính, chỉ với quy mô 5.993 đầu thẻ BHYT, BV Phục hồi chức năng có số tiền vượt quỹ sau khi trừ tăng giá trong 6 tháng đầu năm trên 3,38 tỷ đồng.
Rủ nhau tăng “sốc” Báo cáo từ BHXH các địa phương cho thấy, rất nhiều BV có chi phí điều trị nội trú tăng cao đột biến so với cùng kỳ năm trước. Tại Thanh Hóa, BV đa khoa các huyện Bá Thước, Cẩm Thủy, Trường Xuân, Đông Sơn, Hà Trung, Nga Sơn, Quan Hóa được ghi nhận mức tăng từ 75- 132%. Các cơ sở y tế tuyến trên như BV Y học cổ truyền cũng tăng 90%, BV Điều dưỡng phục hồi chức năng T.Ư tăng 104%... Khối BV tư nhân của Thanh Hóa cũng không kém cạnh với mức chi nội trú tại BV Hàm Rồng lên 348%, Trí Đức Thành tăng 202%, Tâm Đức Cầu Quan 137%, Mắt Bình Tâm tăng 115%, Hợp Lực tăng 92%... |
“Đối với các phòng khám, BV có tăng chi bất thường, chúng tôi đã kiểm tra rất kỹ, tính toán công suất làm việc của nhân viên y tế, các thiết bị, thời gian cần thiết để thực hiện kỹ thuật của cơ sở KCB. Nếu lượt khám, kỹ thuật bị vượt trội bất thường sẽ không thanh toán. Hoặc số lượt bệnh nhân đến khám/bàn khám vượt quá quy định của Bộ Y tế cũng sẽ trừ tiền khám” – ông Lại nói.
Tình trạng tăng chi phí KCB BHYT đột biến như Bắc Giang không hiếm. Kết quả, chỉ trong 6 tháng đầu năm, Quỹ KCB BHYT đã bội chi gần 2.200 tỷ đồng (thu 28.220 tỷ đồng, chi 30.372 tỷ đồng), tăng 40% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, số thẻ BHYT chỉ tăng 9%, tổng số lượt KCB tăng 12% nhưng chỉ riêng chi phí KCB ban đầu đã tăng 37,8%, với gần 12.670 tỷ đồng. “Đây cũng là 1 kỷ lục bội chi Quỹ BHYT đã từng xảy ra năm 2009. Khi đó, BHYT phải vay quỹ BHXH và Chính phủ đã vào cuộc, dùng nhiều biện pháp mới có thể vực Quỹ BHYT dậy” – ông Phạm Lương Sơn – Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam cho biết.
Bác sĩ nói gì cũng nghe
Trao đổi với một số bệnh nhân về tình hình “bội thực” các dịch vụ kỹ thuật, hầu như bệnh nhân nào cũng cho biết: “Chỉ biết nghe bác sĩ”. Bà Nguyễn Thị Mến (58 tuổi, trú tại Bình Lục, Hà Nam) cho biết, cách đây ít lâu, bà lên Hà Nội khám bệnh tại một BV T.Ư vì đau đầu, chóng mặt, mất ngủ. Trước bà đã đi khám ở địa phương, được chẩn đoán huyết áp cao nhưng con trai không yên tâm nên dẫn lên tuyến trên. Vào viện khám, nghe bà kể lể, các bác sĩ đo huyết áp rồi chỉ định cho bà đi chụp CT, siêu âm tim phổi, siêu âm ổ bụng, xét nghiệm máu, đo loãng xương, X-quang, nội soi tai mũi họng, nội soi dạ dày… Kết luận vẫn là huyết áp cao, mất ngủ vì tuổi già, cộng thêm viêm họng mãn tính. “Hầu như bộ phận nào của mình cũng bị soi chụp, chỉ riêng di chuyển từ phòng chiếu này đến phòng chụp kia cũng quay mòng mòng. Nhưng vẫn mừng là không tìm ra bệnh nào. Bác sĩ đã khuyên thì phải nghe, nào biết xét nghiệm đó cần thiết hay không cần thiết” – bà Mến cho biết.
Theo TS Trần Tuấn - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo phát triển cộng đồng – chuyên gia phản biện chính sách y tế nhận định, bệnh nhân không có kiến thức về y tế, rất ít khi biết mình cần đi khám cái gì, điều trị ra sao mà hầu hết đều dựa vào chẩn đoán, chỉ định của bác sĩ. Bác sĩ nói “Đông” người bệnh sẽ không dám “sang Tây”. Vì thế, nếu cơ sở y tế coi người bệnh là “nguồn thu”, tận dụng “khai thác” triệt để mọi dịch vụ y tế trên một “đầu người bệnh” thì người dân cũng không hề biết mình đang bị “lạm dụng”. “BV sẽ khoa trương cho rằng nhiều xét nghiệm, chiếu chụp là khám kỹ, là lo cho sức khoẻ của người dân. Tuy nhiên, thực tế không phải dùng nhiều, dùng kỹ thuật cao, dùng thuốc tốt là có lợi cho sức khoẻ của người bệnh. Phải chỉ định đúng bệnh, đúng đối tượng, đúng thuốc, đúng kỹ thuật mới đạt hiệu quả điều trị tốt nhất. Đó là chưa kể Quỹ BHYT bị lạm dụng, còn người dân bị “móc túi” – TS Trần Tuấn phân tích.
Tuy nhiên, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp – Phụ trách Khoa Cấp cứu (BV Nhiệt đới T.Ư) cho biết, đừng nghĩ BV, bác sĩ thu lợi nhiều từ khám chữa bệnh. Hiện nay, cơ cấu viện phí phần lớn chi cho trang thiết bị, thuốc, vật tư y tế. Tiền túi của người dân chi cho các doanh nghiệp sản xuất thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế là chính. Muốn hạ được chi phí y tế một cách triệt để, cần hạ được giá thuốc, giá vật tư y tế.
Nhìn thấy lạm dụng mà cay đắng
Theo ông Sơn, nguyên nhân chính khiến nhiều cơ sở KCB gia tăng đột biến về lượt KCB là do quy định thông tuyến huyện và dịch vụ y tế được điều chỉnh gia tăng khoảng 30% từ tháng 3.2016. Các cơ sở y tế đã dùng nhiều chiêu trò để khuyến khích, chào mời người dân đi khám do đó tăng lượt khám, tăng chi phí. Điều này được thể hiện qua số lượt KCB đa tuyến nội tỉnh (do được khám thông tuyến huyện) đã tăng trên 49%; số tiền đa tuyến nội tỉnh tăng 48% so với cùng kỳ năm trước, với tổng chi phí lên tới trên 9.933 tỷ đồng.
“Tình hình thâm hụt quỹ BHYT 6 tháng đầu năm hiện đã hết sức nghiêm trọng. Theo tính toán, nếu số bội chi vượt quá 30% thì Quỹ BHYT sẽ không đủ nguồn thu để bổ sung số tiền thiếu hụt. Trong khi đó, con số bội chi hiện nay đã lên đến 40%” – ông Sơn phân tích.
Theo ông Sơn, nhiệm vụ hết sức nặng nề của BHXH từ giờ đến cuối năm là phải kiểm soát chặt chi phí KCB. “BHXH Việt Nam chỉ đạo các địa phương báo cáo đầy đủ tình hình KCB BHYT, an toàn quỹ với Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và phối hợp chặt chẽ với Sở Y tế và các cơ sở y tế để tạo sự đồng thuận trong thực hiện chính sách BHYT. Tuỳ từng địa phương, nguyên nhân tăng chi phí KCB do đâu thì gỡ ở đó. Đối với các cơ sở y tế có dấu hiệu vi phạm, lạm dụng Quỹ BHYT, BHXH sẽ kiên quyết từ chối” – ông Sơn cho biết. /.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]