Tại báo cáo gửi đến Diễn đàn Doanh nghiệp thường niên 2014 (VBF), nhóm công tác Ngân hàng đã có những đề xuất, kiến nghị đến Ngân hàng Nhà nước (NHNN) liên quan đến một số nội dung quan trọng như vấn đề thị trường vốn, việc cấp vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, vấn đề quản lý ngoại hối, cho vay tuần hoàn, gia hạn các khoản vay, xử lý hành chính sai phạm trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng, hoạt động cho vay tiêu dùng đối với hoạt động của các công ty tài chính tiêu dùng, tỷ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Cụ thể, liên quan đến thị trường vốn, nhóm công tác Ngân hàng cho rằng Việt Nam cần điều chỉnh, tăng cường các chế độ kế toán trong nước phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế, tăng cường khung pháp lý về xử lý các trường hợp phá sản, vỡ nợ để bảo vệ nhà đầu tư.
Cho phép các đơn vị phát hành trái phiếu nước ngoài tham gia thị trường trái phiếu Việt Nam. Đồng thời cho phép các ngân hàng nước ngoài tham gia bảo lãnh phát hành trái phiếu bằng VND để thu hút thêm các đơn vị phát hành quốc tế vào Việt Nam cũng như tăng cường áp dụng các thông lệ quốc tế và quản trị doanh nghiệp tối ưu trên thị trường.
Việc cấp vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, thông qua việc xây dựng, hoàn thiện thị trường vốn ở Việt Nam, sẽ có sự chuyển dịch một phần các khoản tín dụng ra khỏi phạm vi của ngành ngân hàng sang các quỹ hưu trí, các công ty bảo hiểm…
Liên quan đến hoạt động quản lý ngoại hối, nhóm công tác ngân hàng đặc biệt nhấn mạnh đến quy định không cho phép người nước ngoài gửi tiền tiết kiệm bằng ngoại tệ tiền mặt theo quy định tại Điều 30, Nghị định 70.
Theo đó, kiến nghị NHNN xem xét cho phép ngân hàng được nhận tiền gửi tiết kiệm, tiền gửi có kỳ hạn bằng ngoại tệ của người nước ngoài làm việc tại Việt Nam.
“Vì nếu không sẽ là một sự lãng phí nguồn vốn cho ngân hàng, cũng như buộc người nước ngoài phải chuyển toàn bộ thu nhập hợp pháp của mình tại Việt Nam ra nước ngoài”, đại diện nhóm công tác ngân hàng phân tích.
Ngoài ra, nhóm công tác ngân hàng cho rằng quyết định của NHNN kèm các yêu cầu về việc không cho phép vay tuần hoàn là mâu thuẫn với thông lệ quốc tế về cho vay đặc biệt cho vay với mục đích tài trợ vốn lưu động thay đổi liên tục trong năm.
Nhóm công tác cũng đề nghị NHNN xem xét mức độ nghiêm trọng của từng trường hợp vi phạm trước khi áp dụng hình thức chế tài hoặc điều kiện chế tài khi cấp phép, chấp nhận cho các nghiệp vụ mới… đảm bảo các quy định về xử lý vi phạm phản ánh đúng mức độ vi phạm và hậu quả gây ra.
Đặc biệt, nhóm công tác ngân hàng đã dành nhiều ưu tiên trong việc góp ý các nội dung liên quan đến Thông tư 36quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và có hiệu lực từ ngày 01/02/2015.
"Thông tư 36 là cần thiết"
Phản hồi về những kiến nghị từ nhóm công tác ngân hàng, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, thời gian tới NHNN sẽ làm việc thêm với nhóm công tác ngân hàng, tiếp thu ý kiến làm cơ sở xem xét điều chỉnh phù hợp với Việt Nam.
Qua đó điều tạo dựng môi trường kinh doanh lành mạnh trong hệ thống tổ chức tài chính, đảm bảo an toàn hệ thống.
Bà Hồng cho biết, với kiến nghị về một số văn bản NHNN dự định ban hành thời gian tới như quy định về cho vay tiêu dùng của công ty tài chính, dự thảo thông tư phòng chống rửa tiền NHNN ghi nhận, cần thiết sẽ trao đổi cụ thể.
Ngoài ra, 2 vấn đề nhóm nêu là phát triển thị trường vốn, cấp vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa NHNN đồng tình và ủng hộ.
Lý do vì việc phát triển thị trường vốn giúp hệ thống ngân hàng giảm thách thức đối mặt với gánh nặng cung cấp vốn trung, dài hạn. Từ đó giảm rủi ro chênh lệch kỳ hạn đối với hoạt động ngân hàng.
Bên cạnh đó đây cũng là chủ trương của Chính phủ thể hiện thông qua hoạt động Quỹ phát triển Doanh nghiệp nhỏ và vừa, cho phép thành lập Quỹ bảo lãnh tín dụng tại địa phương.
“Thời gian tới những vướng mắc được tháo gỡ để giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa có điều kiện phát triển sản xuất kinh doanh hơn nữa”, bà Hồng kỳ vọng.
Đặc biệt, vị đại diện NHNN cũng phản hồi việc cần thiết phải đưa ra những nội dung tại Thông tư 36 mà phía nhóm công tác Ngân hàng đã đưa ra các lập luận yêu cầu NHNN giải thích.
"Thông tư 36 nhằm mục tiêu thực hiện tái cơ cấu, đưa ra nhiều quy định đảm bảo nâng cao năng lực thực thi của pháp luật đối với những sai phạm đặc biệt", bà Hồng phân tích.
Cũng theo bà Hồng, việc ban hành Thông tư 36 về các giới hạn đảm bảo an toàn hoạt động của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài giúp ngân hàng quản trị rủi ro theo chuẩn quốc tế, ngăn chặn các yếu tố sở hữu chéo, lợi ích, thúc đẩy thị trường chứng khoán phát triển lành mạnh, bền vững hơn.
Các quy định về tỷ lệ dư nợ cho vay và tỷ lệ đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng phù hợp với đặc thù tại Việt Nam có thêm cơ sở nắm bắt các cơ hội kinh doanh mới đồng thời tạo tâm lý yên tâm hơn cho khách hàng gửi tiền
Ngoài ra, bà Hồng cũng cho biết, Thông tư 36 thể hiện tính tích cực khi yêu cầu các tổ chức tín dụng nâng cao quản trị rủi ro.
Theo CafeF
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]