Cố gắng không có sự khác biệt lớn về mức phí
Được biết, kết quả khảo sát của một số cơ quan mới đây gửi tới Bộ Tài chính, và Chính phủ cho thấy các khoản thu phí, lệ phí phương tiện ra vào cửa khẩu, thuộc thẩm quyền quyết định của Ủy ban nhân dân (UBND) các tỉnh chưa có sự thống nhất về mức thu giữa các tỉnh. Mỗi tỉnh quy định mức thu phí, lệ phí khác nhau, lực lượng thu khác nhau, chưa tạo công bằng cho các doanh nghiệp.
Lý giải về mức thu khác nhau, Bộ Tài chính cho hay, do căn cứ vào điều kiện thực tế của địa phương, mức độ bù đắp chi phí duy tu, bảo dưỡng, duy trì... khác nhau. Ở các địa phương khác nhau, các chi phí này sẽ khác nhau, do đó, mức thu phí do các địa phương quy định cũng khác nhau.
Mặc dù vậy, qua phản ánh chung, để bảo đảm tính thống nhất về mức thu phí, Bộ Tài chính cho biết sẽ phối hợp với các địa phương các tỉnh biên giới đất liền với Trung Quốc nghiên cứu, hướng dẫn các địa phương xây dựng mức thu phí theo hướng bảo đảm phù hợp, không có sự khác biệt lớn về mức phí.
Còn về việc thực hiện niêm yết công khai về thu phí, lệ phí theo Bộ Tài chính, đã có quy định tại Thông tư 63 ngày 24.7.2002, trong đó yêu cầu niêm yết tên phí, lệ phí, mức thu, chứng từ thu; thông báo công khai văn bản quy định thu phí, lệ phí tại vị trí thuận lợi.
Sẽ trả lại tiền cho đối tượng nộp phí
Đáng chú ý, mặc dù năm 2009, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 165 quy định về việc ngừng thu lệ phí qua biên giới đất liền, tuy nhiên, đến tháng 4.2016, sau gần 7 năm Thông tư có hiệu lực, Ban quản lý cửa khẩu Hoành Mô, tỉnh Quảng Ninh vẫn tổ chức thực hiện thu lệ phí qua lại biên giới.
Về vấn đề này, Bộ Tài chính khẳng định, do các quy định hiện hành đã bãi bỏ việc thu phí này mà Cửa khẩu Hoành Mô tỉnh Quảng Ninh vẫn thực hiện thu lệ phí qua lại biên giới thì phải trả lại cho đối tượng nộp lệ phí. Trường hợp không xác định được đối tượng để trả lại thì phải nộp khoản tiền này vào ngân sách Nhà nước.
Một bất cập khác được nêu trong tổ chức thu phí, lệ phí tại các cửa khẩu là hiện nay, còn tồn tại nhiều bất cập nhất là lĩnh vực phí, lệ phí kiểm dịch động vật, kiểm dịch thực vật và kiểm soát an toàn thực phẩm đối với nông sản xuất nhập khẩu thuộc Bộ NN&PTNT.
Theo đó, tại các cửa khẩu bên phía Trung Quốc chỉ có 1 cơ quan thu lệ phí, kiểm dịch trong khi cửa khẩu bên phía Việt Nam đang tồn tại 2 cơ quan kiểm dịch động vật và thực vật riêng. Hai cơ quan này vừa thực hiện chức năng theo tên gọi chuyên ngành, vừa làm thêm nhiệm vụ kiểm soát an toàn thực phẩm.
Thủ tướng cũng đã nhận được đề nghị chỉ đạo Bộ NN&PTNT nghiên cứu mô hình tổ chức về công tác kiểm soát an toàn thực phẩm và kiểm dịch hàng động vật, hàng thực vật tại các cửa khẩu theo hướng giao cho 1 cơ quan thực hiện việc thu phí, lệ phí kiểm dịch tại cửa khẩu, thực hiện cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp.
Phản hồi về ý kiến này, Bộ Tài chính cho biết, trong thẩm quyền của mình, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư quy định cơ quan thu phí, lệ phí trong công tác thú y là Cục Thú y, Chi cục Thú y; phí, lệ phí trong lĩnh vực bảo vệ thực vật do Cục bảo vệ thực vật và Chi cục bảo vệ thực vật thực hiện
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]