Nhưng không cần thêm khoản phí này, hiện khách hàng đã phải gánh chịu quá nhiều mức phí khi muốn giao dịch thông qua ngân hàng.
Giao dịch là mất phí
Thực tế, hiện khá nhiều ngân hàng (NH) đã thu phí khách hàng nộp tiền vào tài khoản khác tỉnh, thành. Chị Nga, một cán bộ nhân viên tại Q.10, TP.HCM khá bức xúc cho biết hằng tháng chị đều phải gửi tiền cho bố mẹ ở quê chi tiêu và có NH đã thu phí đến 0,03%.
“Cứ gửi 2 triệu đồng là tôi phải trả phí 60.000 đồng. Sau đó được bạn bè giới thiệu, tôi sang một NH quốc doanh thì mức phí giảm hơn nhưng cũng phải chi thêm 33.000 đồng/lần”, chị Nga nói và cho rằng mức phí một lần có vẻ không cao đối với nhiều người, nhưng đối với những công nhân xa quê hằng tháng gửi tiền về cho bố mẹ, con cái… thì tiền phí này khiến họ phải vắt óc suy nghĩ. Mức phí chênh lệch khác nhau tùy NH, nhưng tối thiểu là 11.000 đồng/lần giao dịch khi chuyển khoản hay nộp tiền vào tài khoản cho người ở khác tỉnh, thành dù tài khoản mở cùng một NH.
Thu, đang tạm trú tại Q.3 (TP.HCM), cũng cho biết hằng tháng phải gửi tiền về phụ giúp bố mẹ ở quê miền Trung. Sau mấy lần ra NH nộp tiền mặt, vừa mất phí vừa mất thời gian, Thu đăng ký giao dịch qua NH điện tử. Tuy nhiên, mỗi lần chuyển khoản cô cũng phải mất 11.000 đồng vì tài khoản người nhận khác NH, nếu chuyển khoản cho tài khoản cùng NH thì mất 3.300 đồng/lần.
“Nhiều NH khi mới cung cấp dịch vụ NH điện tử thì không thu phí chuyển khoản, nhưng trong vòng 1 năm nay họ bắt đầu thu phí. Thậm chí, việc thực hiện chuyển khoản qua điện thoại di động khách hàng cũng phải đóng phí hằng tháng là 11.000 đồng. Nói chung, giờ không có dịch vụ nào là miễn phí”, Thu chia sẻ.Ngoài phí chuyển khoản, nộp tiền mặt gửi cho người thân gia đình nói trên, khách hàng sẽ đóng thêm mức phí 8.800 đồng/tháng nếu đăng ký sử dụng dịch vụ nhận tin nhắn SMS thông báo thay đổi số dư hay có biến động trên tài khoản…
Thẻ càng nhiều, phí càng cao
Theo NHNN, hiện cả nước có hơn 63 triệu thẻ ghi nợ nội địa ATM, nhiều gấp gần 20 lần so với thời điểm cuối năm 2006. Điều đáng ngạc nhiên là số lượng thẻ ATM phát hành ra ngày càng nhiều thì các loại phí cũng được các NH áp dụng nhiều hơn. Có thể tính sơ ra hàng chục loại phí có liên quan đến giao dịch thẻ ATM mà khách hàng phải trả như phí đăng ký hoặc đóng thẻ, phí rút tiền mặt, phí in biên lai, phí in sao kê, phí chuyển khoản…
Một số NH chưa thu phí rút tiền mặt tại ATM của chính NH phát hành thẻ, nhưng lại thu phí in sao kê (để xem số dư tài khoản)… tối thiểu 1.000 đồng/lần. Trong khi đó, nhiều NH vẫn giữ hạn mức tối đa chỉ có 3,5 triệu đồng - 5 triệu đồng/lần nhằm thu được nhiều hơn tiền phí từ khách hàng rút tiền.
Anh Hùng, một khách hàng ở Q.7 (TP.HCM) cho biết thường rút tiền thông qua ATM vì ban ngày không có thời gian ra NH. “NH tôi mở tài khoản chỉ cho phép khách hàng rút tiền mặt tối đa 3,5 triệu đồng/lần và mỗi lần rút tốn phí 3.300 đồng. Vì thế, đôi khi tôi phải mất từ gần 20.000 đồng mới rút được số tiền mình cần. Tôi thấy khá vô lý khi vừa thu phí và hạn chế số tiền rút của khách hàng. Đồng ý sử dụng dịch vụ thì phải trả phí nhưng hệ thống ATM của các NH vẫn chưa được cải thiện nhiều, vẫn thường xuyên bị kẹt, hết tiền… Chất lượng chưa đảm bảo nhưng phí vẫn thu thì chưa công bằng với khách hàng”, anh Hùng bức xúc.
Chưa hết, với những người hiện có thêm thẻ tín dụng thanh toán quốc tế thì càng phải gánh chịu hàng loạt chi phí khác như phí phát hành, phí thường niên, phí chậm thanh toán, phí rút tiền mặt… Theo một chuyên gia tài chính ngân hàng, NH thu phí để chi trả hoạt động là đúng nhưng phải đảm bảo được chất lượng giao dịch như ATM không bị trục trặc, chuyển khoản online không bị nghẽn hay báo lỗi. Chất lượng dịch vụ cũng sẽ là yếu tố quyết định giúp NH giữ chân được khách hàng.
Theo Cafef
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]