Ngân hàng Nhà nước đã có dự thảo Thông tư quy định phí dịch vụ tiền mặt đưa ra lấy ý kiến nhằm thay thế Thông tư 01/2007/TT-NHNN. Có một số vấn đề trong dự thảo cần nghiên cứu, chỉnh sửa phù hợp thực tiễn.
Theo dự thảo, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) quy định rõ các tổ chức tín dụng (TCTD) được quyền ấn định mức phí nộp tiền mặt của khách hàng, nhưng không vượt quá 0,03% tổng giá trị tiền mặt nộp vào tài khoản thanh toán và phải niêm yết công khai. Đồng thời, TCTD được quyền ấn định mức phí rút tiền mặt đối với khách hàng của mình, nhưng không vượt quá 0,05% tổng giá trị tiền mặt rút ra từ tài khoản thanh toán và cũng phải niêm yết công khai.
Mục đích của việc thu phí dịch vụ tiền mặt là để hạn chế giao dịch, thanh toán bằng tiền mặt quá nhiều như hiện nay. Thực tế ở nước ta và nhiều nước trên thế giới đã chứng minh rằng, giao dịch bằng tiền mặt là “mảnh đất màu mỡ” cho các hành vi trốn thuế, tham nhũng, rửa tiền.
Tuy nhiên, thu phí đối với những dịch vụ tiền mặt nào lại là vấn đề cần bàn. Nhiều ý kiến cho rằng, thu phí khi người dân và doanh nghiệp nộp tiền mặt vào TCTD là quản lý... ngược, bởi đó là việc cần khuyến khích.
Lợi ích của việc người dân, doanh nghiệp nộp tiền mặt vào tài khoản mở tại các TCTD rất lớn.
Trước hết, khi đó, tiền mặt- một phương tiện thanh toán quan trọng- được tập trung vào ngân hàng, chỉ tiêu tổng phương tiện thanh toán thực tế của nền kinh tế được tính toán chính xác hơn và phục vụ cho nhiều mục đích khác nhau trong điều hành nền kinh tế quốc dân. Đồng thời, khi người dân, doanh nghiệp nộp tiền mặt vào tài khoản, các TCTD cũng có lợi khi tổng tiền gửi tăng lên và giới hạn cho vay cũng tăng lên.
Hơn nữa, với người dân và các doanh nghiệp, việc nộp tiền mặt vào tài khoản tại các TCTD, việc quản lý tiền sẽ an toàn hơn và sẵn sàng cho việc thanh toán những giao dịch không được dùng tiền mặt theo quy định của pháp luật.
Vì vậy, thiết nghĩ, không nên áp dụng thu phí khi người dân, doanh nghiệp nộp tiền mặt vào các TCTD.
Việc thu phí với dịch vụ rút tiền mặt là cần thiết nhằm góp phần hạn chế việc sử dụng quá nhiều tiền mặt trong thanh toán. Song, hiện nay ở nước ta, cơ sở hạ tầng phục vụ việc thanh toán không dùng tiền mặt còn hạn chế, rất nhiều khoản chi phục vụ đời sống hàng ngày chưa thể chuyển khoản qua ngân hàng được, nếu thu phí với tất cả các giao dịch rút tiền mặt, thu nhập của người lao động khi được trả lương vào tài khoản sẽ bị giảm đi, đời sống của người lao động đã khó khăn lại càng khó khăn hơn.
Cũng cần phải khẳng định rằng, thu phí rút tiền mặt nhằm bù đắp một phần chi phí của các TCTD chỉ là một mục đích, quan trọng hơn là hạn chế việc rút hàng tỷ đồng tiền mặt để thanh toán, hối lộ... Vì vậy, rất cần quy định một giới hạn rút tiền mặt miễn phí (ví dụ là dưới 30 triệu đồng). Dĩ nhiên, khi quy định một hạn mức được miễn phí sẽ xảy ra tình trạng lách luật để rút tiền mặt nhằm được miễn phí.
Song, với một hạn mức không lớn, bảo đảm phí rút tiền mặt không “điều tiết” thu nhập của người lao động khi rút tiền lương của mình để chi trả cho các nhu cầu hàng ngày của cuộc sống, những giao dịch có giá trị lớn sẽ khó có thể lách luật. Hơn nữa, NHNN hoàn toàn có thể quy định những biện pháp kỹ thuật để hạn chế tình trạng này.
Theo Cafef
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]