Ông Võ Ngọc Kình, Phó giám đốc Agribank Chi nhánh TP.HCM cho biết, xử lý nợ xấu luôn là vấn đề đau đầu đối với ngân hàng, nhưng trước tình hình hiện nay lại càng khó khăn hơn.
Bởi thị trường bất động sản sụt giảm và đóng băng trong thời gian dài, ảnh hưởng đến tài sản đảm bảo, kéo giảm giá trị tài sản so với mức định giá trước đây. Vì thế, khi phát mãi, khách hàng không đồng tình với việc giảm giá trị tài sản đảm bảo là bất động sản nhiều hơn so với trước, nhưng nếu không giảm giá, thì sẽ rất khó bán.
Mặt khác, theo ông Kình, trong trường hợp khoản nợ rơi vào nhóm 4-5, ngân hàng cũng không thể tự ý bán, hoặc xử lý tài sản đảm bảo. Mặc dù trong hợp đồng vay có ghi là ngân hàng được phép tự xử lý, nhưng thực tế, ông Kình cho hay, nếu khách hàng không ký việc chấp nhận bán, thì ngân hàng không xử lý được.
Ngoài ra, nếu bán mà tài sản bị sụt giảm giá trị so với khoản nợ thu hồi, khách hàng cũng không hợp tác với ngân hàng để thanh toán nốt khoản nợ còn lại. Nhưng nếu đưa vụ việc ra tòa, sẽ mất rất nhiều thời gian, song vẫn không kỳ vọng giải quyết được triệt để. Vì thế, muốn đẩy mạnh xử lý được nợ xấu, thu hồi nợ bằng phát mãi tài sản trong lúc này là bài toán khó với ngân hàng.
Về giải pháp cơ cấu lại nợ, ông Kình cho biết, 2 năm qua, Agribank Chi nhánh TP.HCM đã thực hiện đẩy mạnh tái cơ cấu nợ, nhưng thực sự để doanh nghiệp vượt lên khó khăn là rất khó. Thị trường bất động sản chưa thể tan “băng” cùng một số ngành (có cả 5 lĩnh vực ưu tiên) cũng rất khó khăn, nguy cơ bị phá sản rất lớn, kéo theo tín dụng ngân hàng khó tăng.
Tổng giám đốc OCB, ông Nguyễn Đình Tùng, cũng có đề xuất về cơ chế giải quyết tài sản đảm bảo khi khoản nợ rơi vào vùng nợ xấu, nhất là đối với tài sản đảm bảo bằng bất động sản. Theo ông Tùng, cái khó nhất trong xử lý nợ xấu hiện nay là không thể phát mãi được tài sản đảm bảo bất động sản trước thực trạng thị trường nhà, đất trầm lắng. Trong khi đó, tài sản đảm bảo chủ yếu tập trung ở lĩnh vực bất động sản.
Nợ xấu của ngành ngân hàng tiếp tục diễn biến phức tạp.
“Có nhiều bất hợp lý trong quá trình phát mãi tài sản đảm bảo bằng bất động sản hiện nay. Đó là, dù đã có quy định cho phép ngân hàng được giữ nguyên hiện trạng tài sản khi phát mãi, nhưng các cơ quan chức năng lại bắt ngân hàng chuyển tình hình sử dụng đất từ đất ở sang đất dự án đầu tư mới đồng ý cho phát mãi. Điều này là rất khó và bất hợp lý đối với ngân hàng trong phát mãi tài sản thu hồi nợ”, ông Tùng nói.
Ngoài ra, theo ông Tùng, dù ngân hàng đã chấp nhận thủ tục thế chấp rất rõ ràng với khách hàng, nhưng lại xuất hiện tình trạng có thêm đối tượng thứ 3 xen vào tranh chấp tài sản và cho biết, đã mua tài sản thế chấp mà khách hàng đem thế chấp cho ngân hàng bằng tờ giấy tay. Sau đó, tài sản thế chấp được chuyển sang tình huống là tài sản có tranh chấp, nên ngân hàng rất khó khăn trong việc phát mãi tài sản đảm bảo khi khoản vay trở thành nợ xấu. Đây là kẻ hở cho nhiều đối tượng xấu lợi dụng.
Thế nhưng, nợ xấu của ngành ngân hàng tiếp tục diễn biến phức tạp theo chiều hướng tăng khi sức mua thị trường và tồn kho chưa cải thiện, tình hình trì trệ của nền kinh tế đã ảnh hưởng đến sức khỏe của doanh nghiệp. Ngành ngân hàng cũng không tránh khỏi khó khăn khi cục “máu đông” nợ xấu chưa thể đánh tan. Nợ xấu của ngành ngân hàng chủ yếu tập trung vào lĩnh vực bất động sản. Nhưng quá trình xử lý nợ xấu hiện còn nhiều khó khăn và mất nhiều thời gian để phát mãi được tài sản thế chấp.
Trong khi đó, theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước TP.HCM, giá trị tài sản đảm bảo nợ vay cho khoản nợ xấu (46.403 tỷ đồng) của các ngân hàng thương mại trên địa bàn đến nay là 76.962 tỷ đồng. Qua đó cho thấy, một khoản nợ xấu có thế chấp bằng bất động sản lớn đang tồn trọng trong hệ thống ngân hàng.
Tuy nhiên, theo TS. Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính – tiền tệ quốc gia, do trước đây khi thị trường bất động sản sốt, nóng “ảo”, các ngân hàng thương mại định giá cao để cho vay.
Nhưng nay, bất động sản giảm giá, giá trị tài sản đảm bảo cũng sụt giảm theo, nên rất khó giải quyết. Song ông Lịch cũng thừa nhận, chưa có quốc gia nào mà việc giải quyết phát mãi tài sản thế chấp bằng bất động sản lại khó khăn, nhiêu khê như Việt Nam.
Theo Doisongphapluat
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]