“Thương hiệu gạo Ban Mai của PAN đã bán được hơn 7.000 tấn thông qua hình thức điện thoại, giao dịch trực tiếp nhưng vẫn chưa được cấp giấy phép bán lẻ để được tham gia chuỗi cung ứng toàn quốc”, ông Hưng cho biết.
“Đầu tư tài chính hỗ trợ tôi rất nhiều khi đầu tư vào nông nghiệp”
Được biết đến là “ông trùm chứng khoán” với vai trò là chủ tịch HĐQT Công ty chứng khoán Sài Gòn (SSI), vài năm trở lại đây, thị trường thấy ông bắt đầu mở rộng lĩnh vực hoạt động kinh doanh sang nông nghiệp. Tại sao ông lại hứng thú với lĩnh vực nông nghiệp?
Vì quốc gia này hơn 80% là nông dân và Việt Nam là một quốc gia nông nghiệp. Đất nước này không thể phát triển được nếu như không bắt đầu bằng nông nghiệp, nông thôn.
Với nông nghiệp tôi thấy có cơ hội phát triển kinh doanh. Khi kinh doanh, tôi quan tâm tới hai yếu tố, nhu cầu trong tương lai của ngành đó, và khách hàng cần phục vụ. Đầu tư vào nông nghiệp Việt Nam đảm bảo được 2 yếu tố trên. Ngoài ra, nó sẽ tạo nên được rất nhiều công ăn việc làm cho người nông dân.
Ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần tập đoàn Pan (PAN)
Thực tế cho thấy, rất nhiều doanh nghiệp lớn của Việt Nam đẩy mạnh đầu tư vào nông nghiệp. Nếu những doanh nghiệp này đầu tư vào nông nghiệp bằng tất cả nguồn lực, năng lực chuyên môn, tôi tin nông nghiệp Việt Nam sẽ khởi sắc.
Kinh doanh tài chính hỗ trợ gì cho ông trong việc mở rộng đầu tư sang lĩnh vực nông nghiệp?
Kinh doanh trong lĩnh vực tài chính giúp tôi có cái nhìn bao quát và có kiến thức với tất cả các ngành nghề mà tôi quan tâm. Do vậy, khi định đầu tư vào doanh nghiệp nào, ngành nghề nào, tôi phải hiểu về doanh nghiệp đó cũng như ngành đó.
Tái cấu trúc cũng là một trong thế mạnh của lĩnh vực kinh doanh tài chính, vậy nên khi đầu tư vào doanh nghiệp nào đó, tôi cũng chỉ ra cho lãnh đạo doanh nghiệp đó những cái thiếu của họ và cùng nhau thay đổi doanh nghiệp cho tốt lên, hoạt động hiệu quả hơn.
Nông nghiệp là một ngành được đánh giá là rủi ro cho những nhà đầu tư và doanh nghiệp. Cá nhân ông đánh giá thế nào?
Đầu tư vào nông nghiệp cũng giống như những diễn viên xiếc. Khi họ biểu diễn, bạn thấy rủi ro nhưng họ lại không thấy thế vì đã thuần thục rồi.
Đầu tư vào nông nghiệp không có công thức chung nào cho quản trị rủi ro cả, vì khả năng của mỗi người là khác nhau.
Đầu tư vào nông nghiệp thành công, yếu tố quan trọng không phải là "đại gia" hay "tiểu gia" mà là tổ chức mọi người lại, cùng hợp lực và lấy thị trường làm gốc mới phát triển được.
Nếu có tiền, doanh nghiệp Việt hãy đầu tư vào những doanh nghiệp có sẵn, tái cấu trúc lại nó. Đây là cách là PAN đang làm. Ở PAN, để thành công trong lĩnh vực nông nghiệp, chúng tôi kết hợp các yếu tố là nguồn lực con người, tiền bạc, mối quan hệ…
Quan điểm của tôi khi đầu tư vào nông nghiệp không phải để làm thay những người nông dân, những người làm nông nghiệp lâu năm. Vì tôi không có kinh nghiệm như họ trong việc chọn giống, phân bón, thời tiết, … Công việc của tôi là kết hợp giữa nhà tài chính, nhà khoa học, nhà nông nghiệp và nông dân. PAN thành công vì đã chắp nối được những người đó với nhau.
Đầu tư vào nông nghiệp bằng hình thức mua bán sáp nhập (M&A), mua cổ phần không phải là mới. Tuy nhiên, thị trường đã chứng khiến không ít doanh nghiệp có thương hiệu tốt, làm ăn hiệu quả đã bị thua lỗ, phải bán thương hiệu sau khi có cổ đông mới nhảy vào bằng hình thức M&A hoặc mua cổ phần. Với ông thì thế nào? Có thể hiểu hình thức đầu tư này là hình thức đầu tư gián tiếp không?
"Đầu tư vào nông nghiệp cũng giống như những diễn viên xiếc ý. Khi họ biểu diễn, bạn thấy rủi ro nhưng họ lại không thấy thế vì đã thuần thục rồi. Dù họ có bảo cho bạn cách làm nhưng bạn vẫn thấy rủi ro, vì bạn không phải là họ", ông Nguyễn Duy Hưng. |
Nếu đầu tư với lượng cổ phần ít thì có thể nói vậy, nhưng khi tôi đã đầu tư mua cổ phần của doanh nghiệp với tỷ lệ 51% thì đó là đầu tư trực tiếp. Khi đó, những doanh nghiệp có tỷ lệ sở hữu trên 51% trở thành công ty con của PAN, bao gồm cả tài sản và con người.
Còn việc đầu tư bằng hình thức M&A sao cho hiệu quả thì quan điểm của tôi là tìm kiếm một doanh nghiệp tốt. Khái niệm doanh nghiệp tốt ở đây không phải là tài sản mà là con người. Có con người tốt thì mới mở rộng sản xuất kinh doanh được.
Khi tìm kiếm doanh nghiệp M&A, tôi thường tìm kiếm những doanh nghiệp có ban lãnh đạo cùng quan điểm với tôi, muốn đầu tư lớn. Nếu có sự đồng thuận với người đứng đầu về quan điểm, có văn hóa tương đồng thì việc hội nhập giữa các nhóm cổ đông sẽ không gặp khó khăn.
“Khổ nhất là giấy phép con”
Vướng mắc lớn nhất của những người đầu tư vào nông nghiệp đó là mâu thuẫn giữa đầu tư công nghệ và lợi ích của người nông dân. Ông làm sao để dung hòa?
Quan điểm của tôi là không cạnh tranh với người nông dân, không gây bức xúc cho ai. Lợi ích của người nông dân chỉ được đảm bảo khi nhà đầu tư, doanh nghiệp đảm bảo lợi ích cho họ, không chỉ nghĩ đến lợi nhuận của mình.
Với người làm nông nghiệp, họ chỉ quan tâm nhiều đến canh tác mà bỏ ngỏ mảng thị trường vì vậy phần lớn lợi nhuận rơi vào túi những người cung ứng, còn người sản xuất được nhận về rất ít.
Ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần tập đoàn Pan (PAN)
Khi đầu tư vào nông nghiệp, tôi tìm cách thuyết phục họ đầu tư theo tư duy làm ăn lớn trong nông nghiệp, đảm bảo người nông dân sẽ có lợi hơn.
Chỉ khi trở thành nền nông nghiệp công nghệ cao có quy mô lớn thì rủi ro của người nông dân mới ít đi. Bạn có thấy bất hợp lý không khi Việt Nam là nước xuất khẩu lớn thứ 1 về tiêu, thứ 2 về cà phê nhưng lại không có thị trường tương lai.
Ông định đầu tư vào nông nghiệp đến mức nào thì dừng lại?
Tính đến thời điểm này, PAN đã đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp gần 150 triệu USD, tương đương hơn 3.300 tỷ đồng và sẽ tiếp tục mở rộng đầu tư cho đến hết khả năng của mình thì thôi.
Với ông, khó khăn lớn nhất khi đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp là gì?
Đến thời điểm này, có thể nói, những gì tôi đang làm thuận lợi hơn tôi nghĩ. Tuy nhiên, chính sách đầu tư vào ngành nông nghiệp còn quá nhiều bất cập, có nhiều giấy phép con.
PAN hiện đang chờ cấp cho giấy phép bán lẻ cho thương hiệu gạo Ban Mai. Họ hứa đến 15.7 tới thì mới cấp giấy phép bán lẻ cho PAN. Trong khi trên thực tế, PAN đã bán được hơn 7.000 tấn gạo ra thị trường thông qua hình thức giao dịch điện thoại, giao dịch trực tiếp. Khi có giấy phép bán lẻ thì thương hiệu gạo Ban Mai mới có thể được đặt bán trên các kệ hàng của những siêu thị trên toàn quốc.
Ông đánh giá thế nào về ngành nông nghiệp Việt Nam?
Nông nghiệp Việt Nam vẫn còn nhiều thách thức tồn tại như hệ thống cơ sở hạ tầng nghèo nàn, năng lực sản xuất yếu kém và chất lượng thấp.
Tôi nghĩ cần phải có chiến lược chung cho nông nghiệp toàn quốc và chính sách ưu đãi cho ngành này theo nguyên lý thị trường để thu hút nguồn lực đầu tư cho nông nghiệp.
Như tôi đã nói, ngành nông nghiệp chỉ bớt rủi ro khi được ứng dụng công nghệ cao. Vì vậy, cần có những chính sách ưu đãi để thu hút những doanh nghiệp lớn tham gia.
Cám ơn ông!
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]