Bùng nổ thẻ ngân hàng
Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), đến cuối quý 3/2014, cả nước có 50 tổ chức phát hành thẻ với số lượng đã phát hành trên 76 triệu thẻ, trong đó có gần 70 triệu thẻ ghi nợ (ATM), hơn 3 triệu thẻ tín dụng và 3,2 triệu thẻ trả trước. Thị trường thẻ đã tăng trưởng nhanh chóng trong những năm qua, không chỉ các đơn vị phát hành thẻ mà hàng loạt những điểm mua sắm, dịch vụ cũng liên kết, hợp tác phát hành thẻ đồng thương hiệu để giảm giá, khuyến mãi cho khách hàng thanh toán qua thẻ.
Theo tìm hiểu của phóng viên, thẻ thanh toán có mặt ở Việt Nam từ khoảng năm 1994, thông qua hình thức đại lý chấp nhận thẻ của các tổ chức thẻ quốc tế. Đến năm 1996, một số loại thẻ ngân hàng xuất hiện nhiều hơn, nhưng phải đến khi thẻ ATM thương hiệu Vietcombank Connect 24 ra đời năm 2002, cùng mạng lưới máy giao dịch tự động (máy ATM), thị trường thẻ mới thực sự bùng nổ. Số lượng thẻ phát hành đã tăng chóng mặt nếu so với con số 5 triệu thẻ các loại trên thị trường năm 2006.
Đến cuối năm 2014, hệ thống ngân hàng đã lắp đặt được 15.300 máy ATM và gần 130.000 POS (máy cà thẻ) tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển thanh toán không dùng tiền mặt. Trung tâm chuyển mạch thẻ thống nhất đang được xây dựng, cùng với việc từng bước áp dụng công nghệ hiện đại nhằm đẩy mạnh thanh toán qua thẻ cũng đang được ngành ngân hàng triển khai.
Cùng với sự bùng nổ của thẻ ngân hàng, cạnh tranh trong lĩnh vực này cũng ngày càng gay gắt. Anh Trí Quang, nhân viên phát hành thẻ một ngân hàng quốc tế cho biết, muốn “trụ” lại được vị trí này, mỗi tháng anh phải hoàn thành chỉ tiêu phát hành thẻ nhất định. Nếu không hoàn thành, sẽ bị trừ lương hoặc không được tiếp tục công việc.
“Không cần quan tâm sau khi phát hành, chủ thẻ có kích hoạt, có sử dụng thẻ ngân hàng hay không, nhưng chỉ tiêu là phải đạt. Kết quả là tôi phải nhờ bạn bè, bà con và cả những người hàng xóm mở thẻ ATM. Không cần đến ngân hàng mà hồ sơ sẽ được nhân viên đưa về tận nhà cho chủ thẻ ký tên” - Thu Uyên, nhân viên phòng hành chính một ngân hàng cổ phần tại TP HCM bộc bạch.
Nếu trước đây, thị phần thẻ ngân hàng chỉ dành cho một số “ông lớn” ra đời trước như Vietcombank, Vietinbank, BIDV, Agribank… thì nay, các ngân hàng cổ phần quy mô nhỏ cũng “nhảy” vào phân khúc này. Cuộc chạy đua mở thẻ ngân hàng đã giúp thị trường có thêm hàng chục triệu thẻ chỉ trong thời gian ngắn, nhưng cũng làm gia tăng hàng triệu thẻ “rác”.
Dạo một vòng qua các siêu thị, trung tâm thương mại, nhà hàng, khách sạn… không khó để nhận thấy hàng loạt chương trình khuyến mãi được ngân hàng quảng cáo rầm rộ, ưu đãi “tận răng” cho chủ thẻ. Chẳng hạn, Ngân hàng OCB đang triển khai chương trình hoàn tiền 5% vào thứ 5 hàng tuần tại các siêu thị cho chủ thẻ tín dụng quốc tế OCB Mastercard. HDBank liên kết cùng bệnh viện quốc tế Minh Anh phát hành “Thẻ hội viên chăm sóc sức khỏe” với nhiều ưu đãi, Nam Á Bank hoàn ngay 1 triệu đồng cho chủ thẻ Nam Á Mastercard khi thanh toán tại Nguyễn Kim Online. Một số ngân hàng còn liên kết với các điểm mua sắm cho vay mua hàng trả góp với lãi suất 0%/năm trong thời gian đầu để thu hút khách hàng, khuyến khích thanh toán qua thẻ. Cuộc chạy đua mở thẻ còn có sự góp mặt rất “tích cực” từ những ngân hàng ngoại như ANZ, Citi…
Đầu tư vào thẻ thanh toán: lời hay lỗ?
Trong khi đầu tư vào máy ATM, các ngân hàng than lỗ thì việc chạy đua mở thẻ đang đem lại nhiều lợi ích không nhỏ cho các ngân hàng. Đầu tiên là việc gia tăng nhận diện thương hiệu mà không tốn nhiều chi phí. Càng phát hành nhiều thẻ, ngân hàng càng quảng bá tốt cho thương hiệu của mình. Còn trên thực tế, sau một thời gian đầu tư hệ thống máy ATM, phát hành thẻ, các ngân hàng bắt đầu thu hồi vốn bằng cách… thu hàng loạt khoản phí từ rút tiền mặt, chuyển khoản cùng ngân hàng/khác ngân hàng; in sao kê; đăng ký dịch vụ ngân hàng điện tử... Một số khoản phí mới được đẻ ra, gần đây có cả phí nộp tiền mặt vào tài khoản của chính chủ thẻ!
Một chuyên gia tài chính ngân hàng phân tích, đối với thẻ ATM, hiện có hai nhóm ngân hàng chủ trương miễn phí hoặc thu phí rút tiền nội, ngoại mạng. Với nhóm miễn phí, chủ thẻ phải đáp ứng được điều kiện có số dư tối thiểu trong tài khoản (thường từ 1 triệu đồng/tháng trở lên). Với điều kiện này, giả sử một ngân hàng có 2 triệu tài khoản x 1 triệu đồng/tháng, số dư duy trì sẽ có 2.000 tỷ đồng huy động với lãi suất không kỳ hạn cực thấp từ 0,5-1%/năm. Đem số tiền này cho vay lãi suất 7-10%/năm, ngân hàng sẽ lời bao nhiêu?
Với nhóm thu phí, thường là các ngân hàng lớn có mạng lưới và số lượng phát hành thẻ nhiều từ 3-5 triệu thẻ, khi đó chỉ tính riêng phí rút tiền nội mạng 2.200 đồng/lần (một số ngân hàng đang áp dụng mức phí này từ năm 2014), trung bình mỗi tháng chủ thẻ giao dịch khoảng ba lần (tính ra tổng phí rút tiền 6.600 đồng/tháng). Nếu một ngân hàng có khoảng 4 triệu thẻ ATM, doanh thu sẽ là hơn 26 tỷ đồng/tháng… Nhìn dưới góc độ lợi nhuận, thẻ tín dụng mới thật sự là “mảnh đất màu mỡ” cho các ngân hàng khai thác. Hiện lãi suất cho vay thẻ tín dụng trung bình từ 18-20%/năm, cao hơn nhiều so với lãi vay thông thường, nên dễ hiểu khi các ngân hàng không ngừng chào mời khách hàng mở thẻ qua điện thoại, phát tờ rơi hoặc quảng cáo… Các khoản thu từ thẻ tín dụng như phí thường niên, phí rút tiền mặt, phạt nợ quá hạn cũng không hề nhỏ, đem lại nguồn thu lớn cho ngân hàng.
Phó tổng giám đốc một ngân hàng thương mại cổ phần tại TP.HCM cho rằng, cạnh tranh trên thị trường bán lẻ ở các ngân hàng thương mại, nhất là phân khúc thẻ, ngày một gay gắt. Các ngân hàng không ngừng ứng dụng công nghệ thông tin, cho nên về mặt kỹ thuật sẽ không có sự cách biệt quá lớn.
Chìa khoá thành công nằm ở chất lượng dịch vụ thẻ cung cấp cho khách hàng. Ngân hàng nào quan tâm đến chất lượng dịch vụ và yếu tố con người trong phục vụ khách hàng, ngân hàng ấy sẽ giành được thị phần trong cuộc đua tranh khốc liệt này.
Theo CafeF
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]