Phát biểu trong phiên thảo luận tại hội trường sáng nay (ngày 3/11), Đại biểu Phùng Văn Hùng – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cao Bằng khẳng định: Không có tăng trưởng kinh tế thì không có phát triển.
Theo Đại biểu Hùng, Đề án tái cơ cấu nền kinh tế với 3 mũi nhọn là: Tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước và tái cơ cấu các tổ chức tín dụng đã kịp thời bịt những lỗ hổng trong phát triển kinh tế. Đây có thể coi là một thành công nhờ đóng góp của môi trường kinh tế vĩ mô ổn định; doanh nghiệp cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng.
Đại biểu Hùng cũng cho rằng, một trong những thành tựu nổi bật của đề án tái cơ cấu trong năm qua là việc xử lý nợ xấu đã đạt nhiều kết quả tích cực.
“Nợ xấu đã bớt xấu đi rất nhiều, từ 17% xuống còn 3%. Tôi đánh giá rất cao vai trò của VAMC trong việc xử lý nợ xấu thời gian qua. VAMC đã khoanh nợ xấu lại để tạo điều kiện cho tổ chức tín dụng và doanh nghiệp đến với nhau” – Đại biểu Hùng cho biết.
Bên cạnh đó, việc tăng cường thu hồi nợ, chuyển nợ xấu thành vốn góp cũng đạt được nhiều kết quả tích cực. Việc mua lại các ngân hàng yếu kém với giá 0 đồng cũng là việc làm kịp thời và cần thiết mà nhiều nước trên thế giới đã làm.
Ở đây, ngân hàng Nhà nước đóng vai trò bảo lãnh, mua lại ngân hàng yếu kém, không có khả năng trả nợ. Ngân hàng Nhà nước sẽ tiến hành tái cơ cấu nợ, sắp lại cơ cấu, tổ chức ngân hàng yếu kém để đi vào hoạt động hiệu quả hơn. Sau đó, ngân hàng Nhà nước sẽ bán lại những ngân hàng này, nhưng không phải với giá 0 đồng nữa.
“Trong điều kiện không được sử dụng được vốn ngân sách Nhà nước thì đây là giải pháp hữu hiệu nhằm tái cơ cấu lại các tổ chức tín dụng yếu kém” – Đại biểu Phùng Văn Hùng cho biết.
Bên cạnh đó, theo đại biểu Hùng, việc lãi suất cho vay giảm mạnh trong những năm gần đây đã “kéo” lạm phát giảm. Để đạt được kết quả này là nhờ đóng góp rất lớn của ngành ngân hàng trong việc khơi thông luồng tín dụng.
Trong khi đó, TS Trần Du Lịch - Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh thì cho rằng, trước đây vấn đề nổi cộm nhất của nền kinh tế là nguy cơ mất thanh khoản hệ thống ngân hàng và đến nay nguy cơ này đã được đẩy lùi.
Theo ông Lịch, nợ công đang là vấn đề đáng lo ngại hiện nay. Thu chi ngân sách thiếu hụt, Bộ Tài chính luôn trong tình trạng “giật gấu vá vai” thế này thì từ năm 2016 trở đi muốn tăng trưởng đạt 6,5 – 7% thì cần phải có động lực mới.
Do vậy, ông Lịch cho rằng, chính sách tiền tệ cần điều hành thế nào để đạt được việc ổn định vĩ mô, xử lý nợ xấu, giải quyết ngân hàng đổ vỡ. Tuy nhiên, vấn đề trước mắt, mục tiêu rất khó đó là làm sao để giảm lãi suất ngân hàng.
“Để kích thích kinh tế tăng trưởng cho những năm tiếp theo, thì tín dụng thời gian tới phải tăng trưởng gấp 3 lần GDP. Chính sách tài khóa cần phải xem lại đó là cân đối thu chi, cải cách hành chính; tái cơ cấu lại nợ công và phát hành trái phiếu” - Ông Lịch đề xuất.
Trước đó, trong phiên thảo luận ngày 2/11, đại biểu Thân Văn Khoa (Bắc Giang) cho rằng, đi đôi với việc hoàn thiện thể chế trong lĩnh vực tiền tệ và tín dụng, đã tổ chức rà soát, phân loại và cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, thực hiện các biện pháp sáp nhập, mua lại các tổ chức ngân hàng đã đạt được những kết quả bước đầu quan trọng.
Các tổ chức tín dụng đã từng bước áp dụng chuẩn mực quản trị theo thông lệ quốc tế, hiệu quả hoạt động được nâng lên, chất lượng tín dụng được cải thiện, triển khai thực hiện các giải pháp xử lý nợ xấu, phát huy vai trò của VAMC. Tỷ lệ nợ xấu giảm đến cuối năm 2015 về mức dưới 3%. Đại biểu cũng cho rằng, chất lượng tín dụng và dịch vụ ngân hàng còn chậm được cải thiện, nợ xấu chưa được xử lý triệt để.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]