Quốc hội yêu cầu điều hành hiệu quả chính sách tiền tệ, tuy nhiên tỷ lệ nợ xấu vẫn cao, lãi suất khó giảm...
Sáng 17/10, Ủy ban Thường vụ cho ý kiến về tình hình kinh tế xã hội 2016, kế hoạch 2017.
Khác với các lần trước, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế về nội dung này tách riêng một phần đánh giá về thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp theo nghị quyết của Quốc hội.
Trần lãi suất không phù hợp
Nội dung đầu tiên được Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh đề cập ở phần này là nghị quyết của Quốc hội yêu cầu điều hành linh hoạt, hiệu quả chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa và các chính sách khác để đạt và vượt các chỉ tiêu.
Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp về thị trường, tín dụng tiếp tục tăng trưởng phù hợp với đà phục hồi của nền kinh tế, việc điều hành cung tiền hợp lý đã tạo điều kiện ổn định mặt bằng lãi suất, hỗ trợ ổn định tỷ giá trong điều kiện CPI tăng mạnh so với năm 2015.
Tuy nhiên, tỷ lệ nợ xấu cao và sự yếu kém của một số ngân hàng thương mại, lãi suất trái phiếu Chính phủ tuy giảm nhưng vẫn ở mức khá cao gây khó khăn trong việc hạ mặt bằng lãi suất cho doanh nghiệp vay vốn, cơ quan thẩm tra phân tích.
Có ý kiến tại cơ quan thẩm tra cho rằng các biện pháp quản lý mang tính hành chính như chính sách trần lãi suất là không phù hợp. Lạm phát cao trở lại là nguy cơ đáng chú ý nhất sau thời gian khá dài duy trì ổn định ở mức thấp khiến cho cơ hội giảm mặt bằng lãi suất càng nhỏ đi.
Vẫn "soi" từ nghị quyết của Quốc hội, có ý kiến cho rằng tái cơ cấu các tổ chức tín dụng còn nhiều vướng mắc, hoạt động quản lý rủi ro, điều hành, kiểm toán, kiểm soát nội bộ tại một số tổ chức tín dụng còn để xảy ra rủi ro. Tình hình thoái vốn đầu tư của các tổ chức tín dụng vào những ngành, lĩnh vực phi tài chính hoặc những lĩnh vực đầu tư nhiều rủi ro và thoái vốn của tập đoàn, tổng công ty Nhà nước trong lĩnh vực ngân hàng vẫn còn chậm.
Tín dụng cho bất động sản đã tăng chậm lại nhưng vẫn cần tăng cường kiểm soát rủi ro, bảo đảm sự phát triển bền vững của thị trường. Nợ xấu mới được khoanh vùng chưa được xử lý dứt điểm.
Báo cáo thẩm tra nêu rõ, theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, nợ xấu đến tháng 9/2016 khoảng 2,62% tổng dư nợ. Nếu tính các khoản nợ xấu chuyển sang công ty VAMC (khoảng 4,8%) và các khoản nợ đã cơ cấu lại thì tỷ lệ xấu sẽ lớn hơn nhiều.
Theo công bố của IMF tháng 7/2016 thì ở mức 12,5% của các khoản vay, trong khi tỷ lệ nợ xấu không tính khoản nợ chuyển sang VAMC và nợ cơ cấu lại là 2,6%, cơ quan thẩm tra dẫn con số khác.
Đề nghị từ cơ quan thẩm tra là cần báo cáo rõ hơn các giải pháp sắp tới về xử lý các khoản nợ xấu mà VAMC đã mua lại, việc cơ cấu lại khoản nợ ngân hàng của các doanh nghiệp lớn trong nước.
Báo cáo thêm về Vinashin, Vinalines
So với yêu cầu của Quốc hội, nhiều ý kiến tại cơ quan thẩm tra nhận xét, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước ít có sự chuyển biến. Tốc độ cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước chậm trong đó có nguyên nhân là chưa có sự vào cuộc quyết liệt của bộ, ngành, chưa xác định trách nhiệm của người đứng đầu doanh nghiệp.
Ngoài ra, số lượng doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ còn lớn, hiệu quả sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp nhà nước chưa tương xứng với tiềm năng và nguồn lực Nhà nước giao.
Một số doanh nghiệp đã cổ phần hóa nhưng tỷ lệ cổ phần nắm giữ của Nhà nước còn lớn chưa tạo chuyển biến về chất đối với việc huy động vốn từ xã hội cho đầu tư phát triển và quản trị doanh nghiệp. Chậm cổ phần hóa, hoạt động không hiệu quả nhưng chi phí tiền lương vẫn rất cao (chủ yếu cho lãnh đạo doanh nghiệp), báo cáo thẩm tra nêu rõ.
Yêu cầu từ cơ quan thẩm tra là cần đánh giá đầy đủ việc sắp xếp, mua bán, sáp nhập và sử dụng vốn nhà nước không tuân thủ Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp (đã có hiệu lực từ năm 2015) tại một số công ty cổ phần Nhà nước nắm vốn chi phối như Mobiphone mua Công ty AVG, sử dụng đất tại các doanh nghiệp Nhà nước (Tổng công ty Đường sắt Việt Nam)....
Cơ quan thẩm tra cũng đề nghị Chính phủ báo cáo cụ thể về hiệu quả công tác quản lý, sử dụng vốn nhà nước và phương án xử lý các dự án đầu tư lãng phí, kém hiệu quả mà dư luận quan tâm.
Như, dự án nhà máy sản xuất xơ sợi Đình Vũ (tổng vốn đầu tư 7.000 tỷ đồng), dự án nhà máy Nhiên liệu sinh học Bio-Ethanol Dung Quất (một trong ba nhà máy ethanol trọng điểm quốc gia, tổng vốn đầu tư 2.200 tỷ đồng). Dự án mở rộng Nhà máy gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2 (tổng vốn đầu tư 8.000 tỷ đồng), dự án nhà máy bột giấy Phương Nam, tỉnh Long An (tổng vốn đầu tư 3.000 tỷ đồng), dự án Nhà máy Đạm Ninh Bình (tổng vốn đầu tư 12.000 tỷ đồng).
Báo cáo thêm về kết quả hoạt động, xử lý nợ của Vinashin, Vinalines cho đến nay cũng là đề nghị từ cơ quan thẩm tra với Chính phủ.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]