Tác giả bài viết này là William Pesek - cây bút của Bloomberg chuyên viết về các vấn đề kinh tế, chính trị và thị trường tài chính châu Á.
Châu Á đã bị tổn thương nặng nề bởi cuộc khủng hoảng tài chính năm 1997, khi việc Thái Lan phá giá đồng baht khiến toàn bộ thị trường châu Á sụp đổ. Liệu điều này có thể xảy ra một lần nữa?
Có thể một số người sẽ cho rằng đây là một câu hỏi thực sự kỳ quặc bởi châu Á đã tăng trưởng mạnh mẽ với hệ thống tài chính được củng cố, tính minh bạch ngày càng cải thiện và hiện đã có hàng nghìn tỷ USD dự trữ ngoại hối. Tuy nhiên, theo tác giả bài viết này, châu Á đang đối mặt với 3 rủi ro lớn có thể phá vỡ những tiến bộ đã đạt được trong thời gian qua: Fed cắt bỏ hoàn toàn chương trình nới lỏng định lượng, Trung Quốc “loạng choạng” và nợ của các hộ gia đình bùng nổ.
Từ mùa hè năm ngoái, những mối nguy từ việc Fed giảm dần cho đến hết chương trình nới lỏng định lượng và làm thị trường cạn kiệt thanh khoản đã được thảo luận sôi nổi. Nguy cơ đối với nền kinh tế Trung Quốc cũng được mang ra mổ xẻ. Tuy nhiên, nợ là vấn đề chưa được nhắc đến nhiều.
Theo một báo cáo mới được Oxford Economics công bố, Thái Lan một lần nữa lại đứng đầu danh sách cần thận trọng. Nợ của Thái Lan đã tăng lên nhanh chóng với các tiêu chuẩn bảo lãnh ngày càng lỏng lẻo và nợ xấu tăng nhanh.
Trong khi đó, Singapore cũng chứng kiến tăng trưởng tín dụng trong 6 năm qua vượt mức của Mỹ ở thời kỳ trước khi cuộc khủng hoảng nợ dưới chuẩn xảy ra năm 2008. Một vài quốc gia châu Á hiện có tỷ lệ nợ tư nhân vào khoảng 150 – 200% GDP. Đáng chú ý, danh sách này bao gồm cả những quốc gia có thu nhập cao (như Australia, Hồng Kông, Hàn Quốc và Đài Loan) cho đến những nước như Trung Quốc, Malaysia, Thái Lan và Việt Nam. Kể cả ở những nước có mức độ nợ thấp hơn như Indonesia và Philippines, con số về nợ cũng ở mức đáng lo ngại.
“Nợ tăng quá cao như tốc độ hiện nay thường đem đến những kết cục tồi tệ”, Adam Slater – chuyên gia của Oxford nói.
Frederic Neumann – chuyên gia nghiên cứu về kinh tế châu Á tại HSBC – cho rằng tốc độ gia tăng của nợ là vấn đề đáng lo ngại hơn so với mức độ nợ. Nền kinh tế châu Á không khỏe mạnh như những gì thấy được trên bề mặt và có thể phải sử dụng nhiều nợ hơn nữa để hỗ trợ tăng trưởng.
“Những người lạc quan cho rằng khủng hoảng sẽ không xảy ra ở châu Á – nơi người dân có xu hướng thận trọng hơn và tiết kiệm nhiều hơn. Tuy nhiên, điều này không hoàn toàn chính xác”, Neumann nói.
Nợ khiến châu Á rất dễ bị tổn thương trước các cú sốc tài chính và biến động lớn về kinh tế. Bất kỳ sự kiện gây biến động nào – Fed thắt chặt chính sách quá nhanh, khủng hoảng lặp lại ở châu Âu, căng thẳng tín dụng ở Trung Quốc, giá dầu tăng, thị trường trái phiếu Nhật Bản có vấn đề - đều có thể “đẩy châu Á xuống vực”.
Các chính phủ châu Á có thể làm gì để ngăn chặn thảm họa? Neumann cho rằng đó là vấn đề thuộc về tăng trưởng sản lượng. Nếu sản lượng giảm, áp lực đè nặng lên lợi nhuận và doanh nghiệp có xu hướng tăng đi vay để duy trì tỷ lệ ROE. Bởi vậy, châu Á cần tăng sản lượng thông qua các biện pháp như tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước, đầu tư cơ sở hạ tầng, tự do hóa thương mại cũng như thị trường lao động.
Rất ít trong số các biện pháp này đang được tiến hành. Ở Thái Lan, chính phủ mới lên nắm quyền từ ngày 22/5 đang quá bận rộn với việc củng cố quyền lực thay vì tái cấu trúc nền kinh tế. Các cuộc thảo luận về cải cách đầy tham vọng ở Hồng Kông, Hàn Quốc, Malaysia không đạt được thành tựu đáng kể. Trung Quốc là mối lo ngại thực sự. Ngày 1/8 vừa qua, chỉ một vài tháng sau khi Thủ tướng Lý Khắc Cường cam kết giải quyết bong bóng trong nền kinh tế, NHTW Trung Quốc cảnh báo rằng tín dụng và cung tiền đang tăng trưởng quá nhanh.
Gói kích thích lớn chưa từng có mà Trung Quốc triển khai năm 2008 đã hỗ trợ tăng trưởng kinh tế của toàn bộ châu Á. Điều này có thể lặp lại nếu tăng trưởng chậm lại rõ rệt hoặc các vụ vỡ nợ quy mô lớn khiến thị trường thế giới chao đảo. Tuy nhiên, hiện tại thì chính sách của Fed và cỗ máy tăng trưởng Trung Quốc có vẻ như đang đi đúng hướng.
Thái Lan là ví dụ điển hình nhất cho chu kỳ kinh tế của châu Á kể từ cuối những năm 1990 đến nay. Các sự kiện khác bao gồm thị trường bất động sản Hồng Kông lao dốc trong đầu những năm 2000, các cuộc khủng hoảng nợ quy mô nhỏ ở Hàn Quốc và Đài Loan giữa những năm 2000 và thị trường bất động sản Việt Nam phát triển quá nóng kể từ năm 2000. Lịch sử là lời cảnh báo chớ xem thường những hệ lụy mà nợ không bền vững mang lại.
Nhìn chung, châu Á vẫn là vùng tươi sáng nhất trong nền kinh tế thế giới, trong bối cảnh tin tức về Hy Lạp và Bồ Đào Nha quay trở lại trên mặt báo và Argentina vỡ nợ. Quy định chặt chẽ hơn về nợ và chính sách thận trọng vĩ mô nhằm hạn chế dòng tiền chảy vào có thể cứu châu Á thoát khỏi kịch bản năm 1997. Tuy nhiên, Oxford cảnh báo rằng những rủi ro là đủ để đặt ra câu hỏi về người tiêu dùng châu Á – bộ phận vẫn được đặt nhiều hi vọng.
Theo CafeF
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]