Ngày 13/8 vừa qua, Công ty Kiểm toán E&Y đã công bố báo cáo khảo sát ngành ngân hàng tại các thị trường mới nổi, trong đó có Việt Nam. Số lượng khảo sát là 17 ngân hàng với kết quả chính yếu như sau: 24% nghĩ rằng nợ xấu là vấn đề quan trọng nhất của nền kinh tế đang đối mặt; 76% cho rằng nợ xấu là vấn đề ảnh hưởng lớn đến ngành ngân hàng; và các ngân hàng đều kém lạc quan về cho vay doanh nghiệp vừa và nhỏ mà chỉ thích cho vay tài trợ dự án lớn để hạn chế rủi ro.
Thành quả nghiên cứu trên cũng phù hợp với những nhận định của nhiều chuyên gia trong và ngoài nước về tình hình nợ xấu. Đến đây, các ngân hàng thương mại không lo cũng không được khi mà tình hình ngày càng… xấu, bởi tỷ lệ nợ xấu gia tăng, đặc biệt là nợ nhóm 5 và tỷ lệ trích lập dự phòng ngày càng phình ra trong khi lợi nhuận ngày càng teo tóp.
Theo báo cáo tài chính đến quý II của những ngân hàng niêm yết, tỷ lệ nợ xấu tăng đến chóng mặt, cụ thể: 8 ngân hàng Vietinbank, Vietcombank, ACB, MB, Sacombank, Eximbank, BIDV và SHB có tổng nợ xấu tăng gần 13.400 tỷ đồng trong 6 tháng; tỷ lệ nợ xấu Vietinbank tăng từ 1% lên đến 2,5% so với 2003; MB tăng 0,6% lên 3%; ngân hàng BIDV có tỷ lệ nợ xấu tương đương năm 2013 nhưng nợ nhóm 5 lại tăng hơn 62% so 2013; ACB với tỷ lệ nợ xấu 3,6%; và ngân hàng SHB dẫn đầu với tỷ lệ 8,2% tăng 72,4% so 2013. Đấy là chưa kể nếu cơ cấu lại nợ theo Quyết định 780/QĐ - NHNN thì con số sẽ phình to rất lớn. Theo ước tính của Ngân hàng nhà nước, tỷ lệ nợ xấu sau cơ cấu có thể chiếm khoảng 9.71% tổng dư nợ.
Đáng chú ý, trong cơ cấu nợ xấu của các ngân hàng đang có sự dịch chuyển mạnh. Nợ xấu không tĩnh mà động với xu hướng từ nhóm 3 dịch chuyển càng ngày càng gần nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn). Lúc này, hai vấn đề đặt ra: Một là,liệu số nợ đủ tiêu chuẩn (nhóm 1) và nợ cần chú ý (nhóm 2 – đây là nợ có nguy cơ trở thành nợ xấu bởi số dư nợ đã quá hạn trên 10 ngày và phải trích lập dự phòng 5%) có đang dịch chuyển sang các nhóm nợ còn lại?
Câu trả lời sẽ là có, nhưng nhanh hay chậm thì phụ thuộc chất lượng tín dụng của mỗi ngân hàng. Hai là, phải chăng hầu hết các ngân hàng đều loay hoay không thể giải quyết được nợ xấu, mà chỉ tập trung bằng 2 giải pháp là trích lập dự phòng (số tiền trích lập sẽ tỷ lệ nghịch với lợi nhuận ngân hàng đạt được) và bán nợ “tạm thời” cho VAMC (chính VAMC vẫn còn nhiều vướng mắc trong giải quyết số nợ xấu đã mua và ngân hàng cũng không mặn mòi bán nợ)?
Với nghiên cứu của tác giả GuoNing-ning về đề tài nguyên nhân và nợ xấu ở Trung quốc đã chỉ ra rằng, có 4-3-3 nguyên nhân chính dẫn đến nợ xấu của khách hàng tại các ngân hàng: 40% là do yếu tố hoàn cảnh bên ngoài; 30% là do trình độ quản trị doanh nghiệp (hoặc quản lý tài chính của cá nhân); 30% thuộc về quản trị ngân hàng.
Nếu bỏ hai nguyên nhân đầu, thì nguyên nhân thứ 3 đủ để kết luận nợ trong hạn cũng đang rất… xấu. Bởi trình độ quản trị ngân hàng của nước ta đang rất thấp so với chuẩn của thế giới, cụ thể các ngân hàng lớn chỉ vừa mới bắt tay triển khai basel II trong hoạt động kinh doanh ngân hàng (thế giới đang triển khai basel III). Chưa kể chất lượng nguồn nhân lực ngân hàng cũng là một nhân tố đóng góp đáng kể.
Vậy, để nợ chưa xấu bớt xấu thì các ngân hàng thương mại nên một mặt tập trung xử lý nợ xấu, mặt còn lại phải rà soát lại toàn bộ dư nợ để phòng ngừa sớm nhất sự dịch chuyện của nợ chưa xấu.
Điều này cũng có nghĩa, các ngân hàng cần làm 2 điều quan trọng:
Thực hiện rà soát và phân loại nhóm nợ theo quyết định 780/QĐ – NHNN, bởi trước sau cũng phải làm theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước. Và từ đó, phát hiện kịp thời các dư nợ có tiềm ẩn rủi ro theo phương châm phòng bệnh còn hơn chữa bệnh.
Triển khai nhanh basel II với 3 nguyên tắc chính: hệ số an toàn vốn, khung giải pháp các rủi ro (rủi ro thanh khoản, rủi ro tín dụng, rủi ro hoạt động…) và thực hiện chế độ công khai thông tin một cách thích đáng theo nguyên tắc thị trường. Đồng thời, các ngân hàng cần nhấn mạnh hơn nữa về xây dựng mô hình quản trị rủi ro chủ động với ma trận chuyển vị cảnh báo sớm các rủi ro, đặc biệt là rủi ro tín dụng (ma trận này có thể xác định trước rủi ro tín dụng mà không cần đợi phân loại nợ theo ngày như hiện tại).
ThS. Châu Đình Linh
Giảng viên Trường Đại học Ngân hàng TPHCM
Theo CafeF
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]