Theo Nikkei, tính đến hôm nay, Việt Nam chỉ có 1.539 trường hợp mắc COVID-19 với 35 trường hợp tử vong - mức thấp nhất thế giới, đặc biệt là khi giáp Trung Quốc. Nền kinh tế, các quán bar và tất cả mọi dịch vụ vẫn mở cửa. Việt Nam vào nhóm có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong năm 2020, trong khi các nước láng giềng vật lộn với suy thoái.
2020 cũng là năm Việt Nam ký kết 3 thỏa thuận thương mại, thu hút các nhà đầu tư như các nhà cung cấp của Apple, khai trương một hãng hàng không mới và vươn lên vị trí thứ 6 ở Đông Nam Á về thu nhập bình quân đầu người.
"Khi Covid-19 mới xuất hiện, WTO và các tổ chức khác đã dự báo thương mại toàn cầu sẽ sụt giảm", Giám đốc điều hành VinaCapital Don Lam nói với Nikkei Asia, "Việt Nam nằm trong số các quốc gia có nguy cơ cao nhất bởi vì xuất khẩu đóng vai trò quan trọng trong tăng trưởng kinh tế".
Tuy nhiên, "Sự cởi mở về thương mại đang đóng một vai trò quan trọng trong quá trình phục hồi kinh tế nhanh chóng của Việt Nam" - ông nói.
"Việt Nam sẽ chủ động và có chọn lọc trong việc thu hút đầu tư nước ngoài, lấy chất lượng cao, hiệu quả, công nghệ hiện đại và bảo vệ môi trường làm tiêu chí chính", Thứ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết hồi tháng 10.
© Reuters
Việt Nam cũng tăng chi tiêu công, một động thái nhằm kích thích nền kinh tế có thể mang lại lợi ích lớn cho cơ sở hạ tầng, vốn từ lâu đã cần được nâng cấp.
Với tất cả sự lạc quan của mình, Việt Nam bắt đầu năm 2020 cũng hoảng loạn như bất kỳ ai khác. Ban đầu, người dân cũng tích trữ lương thực thực phẩm, khẩu trang và nước rửa tay, cách ly ở nhà vào tháng 4, nhưng sớm thoát khỏi tình trạng bế tắc, nhờ vào kinh nghiệm xử lý các bệnh nhiệt đới như SARS năm 2003.
Nhờ kết quả của việc chống dịch, Việt Nam đã được trao cơ hội phát triển kinh tế lớn nhất trong nhiều thập kỷ. Theo Tổng cục Thống kê, Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng GDP nhanh nhất thế giới, ở mức 2,9%, đặt mục tiêu 6,5% vào năm 2021.
Nhu cầu tiêu dùng trong nước và quốc tế đang tăng cao. Samsung - nhà xuất khẩu lớn nhất tại Việt Nam - đã báo cáo doanh thu toàn cầu cao nhất từ trước đến nay trong quý 3/2020, 61 tỷ USD.
Nhờ tăng trưởng kinh tế, Việt Nam đã đạt được một cột mốc mới, Nikkei nhận định. Theo dự báo vào tháng 10 của IMF, GDP bình quân đầu người của Việt Nam đã vượt qua Philippines. GDP của Việt Nam vượt qua Singapore và Malaysia, lần đầu tiên đưa nước này trở thành nền kinh tế lớn thứ tư ở Đông Nam Á.
"Câu chuyện thành công trong cuộc chiến với [COVID-19] có thể là chìa khóa để Việt Nam giành được lòng tin từ cộng đồng quốc tế, bao gồm cả các nhà đầu tư nước ngoài", một bài đăng trên trang web chính thức của Chính phủ cho biết trong tháng này.
Việt Nam đã ghi nhận một số khoản đầu tư lớn vào năm 2020, từ Pegatron, nhà cung cấp cho Apple và Samsung, cũng như LG Electronics.
© Reuters
Vào cuối năm nay, gần như tất cả các nhà cung cấp lớn của Apple trong khu vực đã đặt nhà máy tại Việt Nam hoặc có dự định làm như vậy, theo xu hướng "Trung Quốc +1". Lĩnh vực điện tử đã trở thành ngành xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, nhưng chủ yếu vẫn còn là sản xuất và lắp ráp cơ bản. Các quan chức cho biết họ sẽ chọn lọc các khoản đầu tư công nghệ cao và thân thiện với môi trường với nhiều giá trị gia tăng hơn.
"Đến nay, Việt Nam không chỉ trở thành một quốc gia thành công trong việc kiểm soát và đẩy lùi đại dịch mà còn tận dụng cơ hội này để thực hiện công cuộc chuyển đổi số của đất nước", Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nói vào tháng 10.
"Nếu Đài Loan và Hàn Quốc có thể đảm nhận những vai trò quan trọng đối với chuỗi cung ứng công nghệ, tại sao không phải là Việt Nam?" - một lãnh đạo của Công ty Cổ phần Công nghệ Xelex nói với Nikkei.
Qualcomm, nhà cung cấp chip điện thoại lớn nhất thế giới, đã có tín hiệu về việc chuyển giao công nghệ sắp tới. Vào tháng 6, họ đã khai trương một trung tâm R&D tại Hà Nội, trung tâm lớn nhất ở Đông Nam Á bên ngoài Singapore. Trung tâm sẽ làm việc với Viettel, Bkav để cấp bằng sáng chế và thương mại hóa công nghệ di động.
© Reuters
Tuy nhiên, năng lực sản xuất ở địa phương còn hạn chế. Harvard đã phân tích hoạt động xuất khẩu của 8 quốc gia châu Á, tính toán tỷ trọng giá trị xuất khẩu đến từ các công ty trong nước. Việt Nam có kết quả thấp nhất, 55%, vẫn bị lu mờ bởi các công ty cùng ngành từ Malaysia, Thái Lan... Vì thế, các công ty ở Việt Nam cũng đã tận dụng thời gian giãn cách xã hội để nâng cao năng lực của nhân viên địa phương. 56% các nhà quản lý nhân sự cho biết họ sẽ ưu tiên đào tạo lại hoặc nâng cao kỹ năng trong quý tới, theo một cuộc khảo sát mà công ty tuyển dụng Adecco công bố vào tháng 8.
Về cơ sở hạ tầng, giao thông vận tải, du lịch nội địa hầu như không suy giảm đã mở đường cho Vietravel Airlines trở thành hãng hàng không thứ sáu của Việt Nam.
Cũng như phần lớn khu vực Đông Nam Á, các tuyến đường bộ và cảng của Việt Nam vẫn còn chưa theo kịp nhịp độ phát triển của một nền kinh tế đang tiến sâu hơn vào thương mại toàn cầu. Các dự án đang được thực hiện để thúc đẩy năng lực hạ tầng, từ một sân bay Long Thành, đến đường quốc lộ mới.
Philippe Richart, Giám đốc điều hành của INSEE Việt Nam nói với Nikkei: "Một trong những động lực chính [của sự phục hồi] sẽ là việc Chính phủ ưu tiên đầu tư vào cơ sở hạ tầng. "Tất cả các doanh nghiệp trong ngành sẽ được hưởng lợi từ xu hướng này". Đến nửa đầu năm 2020, Việt Nam đã đẩy nhanh tiến độ của hơn một chục dự án lớn.
Vy Lê, đồng sáng lập Do Ventures, cho biết, Việt Nam phải tận dụng thời cơ này. Cô cho biết, giãn cách xã hội đã làm thay đổi hành vi của người tiêu dùng, thúc đẩy thương mại điện tử và thanh toán kỹ thuật số, trong khi việc dỡ bỏ giãn cách sau đó đã cho phép mọi người quay trở lại các cửa hàng, văn phòng và nhà máy. Cả hai thay đổi đều mở ra cơ hội cho các công ty.
"Việt Nam có lợi thế hơn vì chúng tôi có thể đi lại thoải mái trên đường phố, chúng tôi có thể gặp gỡ các thương nhân", cô nói. "Chắc chắn, đây là cơ hội để Việt Nam tiến lên phía trước".
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]