Theo số liệu mới nhất từ Vụ tín dụng các ngành kinh tế (NHNN), tính đến cuối tháng 8/2014, tăng trưởng tín dụng đối với nền kinh tế đạt 5,82% so với cuối năm 2013. Như vậy, việc hoàn thành kế hoạch tăng trưởng tín dụng năm nay (12 – 14%) là một thách thức không nhỏ.
Trả lời câu hỏi: Tại sao tín dụng thời gian qua luôn tăng trưởng thấp? Ông Lê Đức Thọ - Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank) cho rằng tăng trưởng tín dụng thấp thời gian qua không phải do mặt bằng lãi suất cho vay chưa hợp lý mà chủ yếu là do sức hấp thụ vốn của nền kinh tế hay cụ thể hơn là sức khỏe của doanh nghiệp còn yếu.
Cụ thể, đối với các doanh nghiệp nhà nước và tổng công ty đang trong tiến trình tái cơ cấu, cổ phần hóa nên cơ hội tiếp cận cho vay không cao đặc biệt là các doanh nghiệp thuộc ngành sản xuất thép và xi măng (phải giảm công suất sản lượng do nhu cầu trong nước giảm).
Đối với các DN nhỏ và vừa, với những khó khăn nội tại, cách thức làm ăn thiếu hợp lý nên một số lượng lớn các doanh nghiệp đã phải ngừng hoạt động, giải thể, phá sản… Các doanh nghiệp còn lại năng lực yếu, tài chính không minh bạch, hoạt động co cụm hoặc phát sinh nợ xấu nên không đủ điều kiện để vay vốn, khó tiếp cận với vốn vay ngân hàng.
Còn các doanh nghiệp FDI là đối tượng có nhiều tiềm năng nhưng đa phần lại chủ động được về vốn do công ty mẹ ở nước ngoài cấp hoặc vay ngoại tệ của ngân hàng nước ngoài…
Ông Lê Công – Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) cũng cho rằng sức cầu yếu của nền kinh tế chưa được cải thiện, hàng tồn kho vẫn ở mức cao; do đó các doanh nghiệp vẫn đang loay hoay đi tìm lời giải cho bài toán tồn kho mà chưa nghĩ đến việc mở rộng sản xuất kinh doanh.
“Niềm tin của doanh nghiệp về sự phục hồi của nền kinh tế tương đối mong manh, do đó, các doanh nghiệp chưa dám mạnh dạn đầu tư mà chủ yếu ở tư thế phòng thủ, chờ đợi những tín hiệu tích cực và rõ nét hơn về một chu kỳ phục hồi, tăng trưởng” – ông Công nhấn mạnh.
Nút thắt thứ hai chính là vấn đề nợ xấu. Theo Vụ tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) vấn đề xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng còn chậm và chưa đạt kết quả như mong muốn, việc cơ cấu lại nợ, bán nợ xấu cho VAMC, công tác quản trị rủi ro tín dụng tại một số TCTD còn lúng túng chưa hiệu quả do sức ép từ trích lập dự phòng và xử lý nợ xấu dồn tích từ các năm trước để lại.
Về vấn đề này, ông Thọ cho rằng mặc dù NHNN đã tích cực xử lý nợ xấu của các NHTM thông qua VAMC nhưng chất lượng tài sản của toàn hệ thống NHTM chưa có dấu hiệu cải thiện do tình hình tài chính của các doanh nghiệp không có nhiều khởi sắc trong bối cảnh kinh tế chỉ phục hồi ở mức vừa phải.
Gói kích cầu cũng có những nút thắt. Chẳng hạn như gói tín dụng 30.000 tỷ đồng đối với lĩnh vực bất động sản; theo kế hoạch năm 2014, gói hỗ trợ này sẽ phải giải ngân 50 – 60% nhưng cho đến nay mới chỉ giải ngân được 14,2%. Nguyên nhân được xác định là nguồn cung nhà ở xã hội và nhà ở thương mại còn thiếu, nhiều thủ tục vướng mắc khi các địa phương xác định tình trạng nhà ở, quy định còn tương đối “cứng” về diện tích căn hộ, giá mua…
Hay như chính sách liên kết 4 nhà: Ngân hàng - chủ đầu tư – Nhà thầu – Nhà cung cấp vật liệu xây dựng nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường bất động sản. Tuy nhiên đến nay gói sản phẩm này mới chỉ có 8 ngân hàng hợp tác với số tiền hỗ trợ tín dụng là 6.149 tỷ đồng, trong tổng thời gian ngắn nên chính sách này chưa có sức lan tỏa.
Ngoài ra, ông Cấn Văn Lực – Chuyên gia tài chính bổ sung thêm, việc quy trách nhiệm hình sự rủi ro đạo đức ở các ngân hàng cũng phần nào tác động đến tâm lý e ngại trong mở rộng cho vay.
Theo CafeF
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]