Sau khi chọn được một chiếc ti-vi ưng ý, anh Hải rút thẻ ATM của Ngân hàng Agribank thanh toán tại quầy giao dịch. Không chỉ anh Hải, nhiều người khác khi sử dụng thẻ đều cảm thấy việc thanh toán qua thẻ rất nhanh chóng, tiện lợi. Anh cho biết, cơ quan trả lương qua tài khoản Agribank, nhưng do thường xuyên đi công tác nước ngoài, anh mở thêm tài khoản Vietcombank, sử dụng song song và thường xuyên thẻ của hai ngân hàng này để thực hiện các giao dịch.
Anh Hải tiết lộ thêm: Trong ví tôi còn vài chiếc thẻ của các ngân hàng khác nữa, nhưng rất ít sử dụng, thậm chí có thẻ ngoài đổi mã pin, tôi chưa làm thêm bất cứ một giao dịch nào khác vì đây toàn là thẻ do anh em, bạn bè làm ngân hàng chào mời sử dụng, nể quá... đành phải làm. Nhưng cứ để đấy thôi chứ có dùng đâu.
Trường hợp của anh Hải không hiếm trong thời buổi các ngân hàng đua nhau phát triển các sản phẩm, dịch vụ cũng như gia tăng tiện ích thẻ để lôi kéo, thu hút khách hàng.
Theo số liệu mới nhất từ NHNN, tại thời điểm cuối quý I vừa qua, cả nước đã có tới hơn 68,5 triệu thẻ ngân hàng, tăng 2,34 triệu thẻ (tương đương 3,5%) so cuối năm 2013. Tuy nhiên, trong số hơn 68 triệu thẻ mà các ngân hàng đã phát hành, không ít người đặt câu hỏi, liệu trên thực tế sẽ có bao nhiêu khách hàng sử dụng thẻ để thực hiện giao dịch?
Còn nhớ vào năm 2013, có một ngân hàng đã mở rộng chiến dịch phát hành thẻ bằng cách tổ chức linh động vài điểm hướng dẫn đăng ký mở thẻ ngay tại nơi công cộng. Kết thúc chiến dịch, ngân hàng thu được kết quả "kỷ lục" trong việc phát hành được một số lượng lớn thẻ trong thời gian ngắn nhất. Nhưng trên thực tế, có bao nhiêu khách hàng sử dụng thẻ này trong giao dịch thanh toán của mình kể từ khi mở thẻ đến bây giờ?
Con số thực chất chắc chắn không bao nhiêu, bởi tình trạng khách hàng mở thẻ nhưng không sử dụng như trường hợp anh Hải vẫn diễn ra khá phổ biến. Và hình ảnh trong ví chứa tới 5-7 loại thẻ ngân hàng cũng không hiếm gặp, mặc dù được rút ra sử dụng thường xuyên nhất cũng chỉ có một chiếc thẻ mà thôi.
Nguyên nhân tình trạng này, do nhiều ngân hàng "áp chỉ tiêu" cho nhân viên kinh doanh thẻ của mình nhằm gia tăng thị phần, dẫn đến lượng bán thẻ nhằm đối phó tăng lên. Bên cạnh đó, nhiều ngân hàng hợp tác với các doanh nghiệp, siêu thị để phát hành thẻ đồng thương hiệu nhằm mang đến cho khách hàng lợi ích cộng hưởng.
Có thể nói, đây là cách làm hay nhằm gia tăng lợi ích cho khách hàng, lại giúp ngân hàng có cơ hội mở rộng thêm thị phần. Nhưng nếu ngân hàng vẫn không chú trọng tới chất lượng mà chỉ chăm chăm mở rộng số lượng, tìm mọi cách phát hành càng nhiều thẻ càng tốt, sẽ khiến tình trạng khách hàng "mở thẻ rồi để đấy" càng tăng lên. Điều này không những gây lãng phí cho ngân hàng trong việc đầu tư chi phí phát hành, duy trì thẻ, mà còn khiến người tiêu dùng cảm thấy phiền phức hơn khi mỗi ngày, họ thường xuyên nhận được những cú điện thoại từ các nhân viên ngân hàng mời chào, tiếp thị sử dụng dịch vụ thẻ.
Người tiêu dùng bây giờ không còn "sính" việc sở hữu nhiều thẻ ngân hàng mà chỉ lựa chọn cho mình một chiếc thẻ phù hợp nhu cầu. Vì vậy, nếu các ngân hàng không nhanh nhạy nắm bắt nhu cầu đó, chỉ lôi kéo khách làm thẻ, đương nhiên thẻ của mình phát hành ra chỉ mãi "nằm im" trong ví khách hàng.
Theo CafeF
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]