Để thống nhất các nội dung quy định liên quan đến an toàn hoạt động của các TCTD và trên cơ sở thực trạng cho vay để đầu tư, kinh doanh cổ phiếu của các TCTD và tình hình thị trường chứng khoán, khoản 3 Điều 14 Thông tư 36/2014/TT-NHNN ngày 20/11/2014 quy định: “Tổng mức dư nợ cấp tín dụng của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với tất cả khách hàng để đầu tư, kinh doanh cổ phiếu không được vượt quá 5% vốn điều lệ, vốn được cấp của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài”.
Theo bà Hồng, quy định tại Thông tư 36 về giới hạn cấp tín dụng để đầu tư, kinh doanh cổ phiếu không ảnh hưởng đến dòng vốn đầu tư, kinh doanh chứng khoán nói chung, cổ phiếu nói riêng mà còn góp phần kiểm soát, hạn chế sở hữu chéo và rủi ro hoạt động kinh doanh chứng khoán đối với TCTD có tỷ lệ đầu tư kinh doanh chứng khoán cao, giành thêm một lượng vốn khá lớn để phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh, qua đó góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và phục vụ tăng trưởng kinh tế, đem lại giá trị gia tăng cho nền kinh tế.
”Đây là giải pháp chính sách nhằm cơ cấu lại hoạt động của TCTD theo hướng an toàn, lành mạnh hơn như Đề án tái cơ cấu các TCTD đã được Bộ Chính trị, Chính phủ phê duyệt”.
Bà Hồng nhấn mạnh, việc kiểm soát dòng vốn đầu tư vào cổ phiếu từ ngân hàng là cần thiết không chỉ vì lý do an toàn hoạt động ngân hàng mà còn vì sự ổn định của thị trường chứng khoán:
Thứ nhất, vốn tín dụng đầu tư chứng khoán chủ yếu vốn ngắn hạn. Nếu không kiểm soát làm cho thị trường chứng khoán kém ổn định, tạo điều kiện cho các hoạt động đầu cơ, thao túng giá trị cổ phiếu dẫn đến giá trị cổ phiếu lên, xuống một cách bất hợp lý do dòng vốn ngắn hạn gây nên.
Giá trị giao dịch cổ phiếu lên hay xuống phải xuất phát từ hiệu quả hoạt động kinh doanh của công ty phát hành, chứ không phải từ nguồn vốn đầu tư ngắn hạn, tạo ra cầu ảo về chứng khoán.
Thứ hai, vốn của ngân hàng chủ yếu là vốn huy động từ dân cư, tổ chức kinh tế, vì vậy phải được sử dụng cho các mục đích an toàn, hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh (bao gồm cả mua trái phiếu doanh nghiệp), đem lại giá trị vật chất gia tăng thay vì ngân hàng dùng vốn huy động từ tổ chức kinh tế, tiết kiệm của dân cư để đầu tư rủi ro dẫn đến không trả nợ được cho người gửi tiền.
Thứ ba, trong thời gian qua, việc kiểm soát không hợp lý, chưa chặt chẽ vốn tín dụng ngân hàng đầu tư vào thị trường chứng khoán dẫn đến thị trường chứng khoán nhiều lúc biến động bất thường, gây rủi ro lớn ở nhiều TCTD do giá cổ phiếu sụt giảm nghiêm trọng, trong đó đã có TCTD lâm vào tình trạng khó khăn tài chính, mất khả năng thanh khoản, tiền gửi của nhân dân không được bảo đảm an toàn.
Bên cạnh đó, quá trình tái cơ cấu và xử lý nợ xấu của hệ thống các TCTD đã và đang đi đúng hướng theo mục tiêu “Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011-2015” ban hành kèm theo Quyết định 254/QĐ-TTg ngày 1/3/2012 của Thủ tướng Chính phủ và “Đề án xử lý nợ xấu của hệ thống tổ chức tín dụng” ban hành kèm theo Quyết định số 843/QĐ-TTg ngày 31/5/2013.
Thông tư 36 tạo lập nên chuẩn mực mới cao hơn về an toàn hoạt động ngân hàng và thanh tra, giám sát, thúc đẩy quá trình tái cơ cấu và xử lý nợ xấu của các TCTD, bảo đảm phát triển bền vững hậu tái cơ cấu và hội nhập quốc tế. Các TCTD hiện đang tích cực chuẩn bị các điều kiện cần thiết để thực hiện.
Từ các lý do nêu trên, phát ngôn NHNN khẳng định quan điểm của Ngân hàng Nhà nước là giữ nguyên thời hạn hiệu lực của Thông tư 36 từ ngày 1/2/2015 vì sự an toàn của hệ thống ngân hàng, tài chính và vì mục tiêu thực hiện tái cấu trúc các TCTD.
Theo CafeF
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]