Trong khi đó, nội bộ tại các nhà băng đang bị cắt giảm mạnh, thậm chí do chuyển phòng giao dịch mà nhân viên tự nguyện nộp đơn xin nghỉ việc vì đi làm quá xa mà lương thì giảm.
Anh Thái Văn T. (40 tuổi, nhân viên tín dụng tại ngân hàng V.) cho biết, lương của anh đã giảm 30% so với trước đây. Đó là lương của nhân viên làm lâu năm còn lương của nhân viên hợp đồng ngắn hạn chỉ 3 - 4 triệu đồng/tháng. Nhiều người làm vài năm còn chưa được kí hợp đồng dài hạn vì chi nhánh không có chỉ tiêu mà phải xin ở hội sở tận Hà Nội. Tiền thưởng của họ mỗi khi Tết đến xuân về là... 500 nghìn đồng.
Tại Ngân hàng Techcombank, nhân viên giao dịch còn bị khách hàng nhận xét bằng hệ thống điện tử về thái độ phục vụ. Nhân viên các ngân hàng khác phải tươi cười, tận tình làm các loại giấy tờ nếu không muốn “thượng đế” quay lưng.
Mỗi phòng giao dịch hay chi nhánh nếu làm ăn tốt thì còn quỹ để chia tiền thưởng, phụ vào số lương đang bị cắt giảm. Nhưng nơi nào làm ăn không tốt, nợ xấu nhiều thì nhân viên cũng thu nhập rất thấp. Trong mỗi chi nhánh có các phòng tín dụng cá nhân, tín dụng doanh nghiệp vừa và nhỏ, tín dụng doanh nghiệp lớn. Khi khách hàng được nhận tiền vay sẽ có “lại quả” cho nhân viên tín dụng. Còn các bộ phận khác như kiểm soát nội bộ, giao dịch viên...thu nhập chủ yếu từ đồng lương.
Nhân viên mới vào làm sợ nhất là phải huy động tiền gửi nhưng mỗi ngân hàng có cách khác nhau để chiêu dụ người gửi bằng lãi suất ngắn hay dài. PGS. TS Trần Hoàng Ngân - Hiệu phó Đại học Kinh tế, thành viên Hội đồng Chính sách tiền tệ quốc gia cho rằng, đó là cơ hội cho khách hàng tự tìm đến ngân hàng nào có lãi ròng tốt hơn. Nhưng việc quá nhiều ngân hàng cạnh tranh nhau lãi suất để thu hút khách thì nhân viên mới càng thêm cực. Họ phải “kêu gọi” người thân, mời gọi bạn bè gửi tiền nếu không muốn mất việc sau vài tháng bám trụ.
Anh Nguyễn Thanh Sơn (24 tuổi, quê TP.Tuy Hòa (Phú Yên), nhân viên ngân hàng M.) tiết lộ: “Tụi em được nhận vào làm nhân viên phát triển thẻ ATM, visacard, master card... lương mỗi tháng và tiền xăng tổng cộng 4 triệu đồng. Nhiệm vụ của bọn em là làm thẻ miễn phí cho khách hàng, xin họ gởi vào thẻ 30 triệu đồng sau đó rút ra cũng được để tụi em lấy doanh số”. Sau vài tháng chạy đôn chạy đáo, Sơn đen nhẻm, ốm nhách nhưng cũng bị ngân hàng loại vì không đủ chỉ tiêu thẻ phát hành và số tiền huy động.
Trưởng phòng một ngân hàng cổ phần loại nhỏ thông tin, các chức vụ quản lý trong các ngân hàng thường được hội đồng quản trị hay ban giám đốc ngân hàng mới hoặc quen biết mời về. Trong thời buổi thoái trào này, nhiều người đã nghỉ ngang, ra làm doanh nghiệp tư nhân hoặc làm thuê cho các đại gia.
Bộ phận “ngon” và “thơm” nhất trong các nhà băng là nhân viên tín dụng. Việc cho khách hàng lẻ vay thì nhân viên tín dụng thường được khách “biết ơn” bằng tiền vì làm hồ sơ nhanh chóng. Song nhân viên cho doanh nghiệp lớn vay thì chịu nhiều rủi ro hơn nếu đối tác trễ hạn trả hay không có khả năng chi trả.
Anh Nguyễn Văn Thắng (35 tuổi, nhân viên tín dụng ngân hàng V.) chia sẻ: “Mỗi khi đến hạn trả lãi và gốc, khách hàng chây ì thì nhân viên tín dụng phải đến tận nhà “mai phục” để đòi. Nếu không đòi được thì tôi rất căng thẳng vì phải tìm phương án làm việc với khách hàng, người nhà khách hàng nhằm tháo gỡ khó khăn...”. Nếu các phương án trên bất thành thì nhân viên tín dụng phải tìm cách xử lý tài sản đảm bảo của khách hàng là bán để thu hồi nợ cùng với bộ phận xử lý nợ xấu của ngân hàng.
Thực tế cho thấy, nhiều nhân viên tín dụng từng giàu lên rất nhanh vì có nhiều khách hàng. Những năm gần đây, có nhiều lí do mà nhân viên tín dụng phải thận trọng khi cho vay vì nợ xấu cao, doanh nghiệp chung chi cho cán bộ ngân hàng thường có năng lực tài chính yếu kém... Do vậy, nghề tín dụng trong ngân hàng không còn là “thiên đường” của nhiều người.
Theo CafeF
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]