Hồi cuối tháng 5, Quỹ tiền tệ quốc tế IMF đã đưa ra một nhận định làm hài lòng Bắc Kinh, đó là tuyên bố tỷ giá của Trung Quốc không còn quá thấp so với giá trị thực. Đây không phải là điều bất ngờ. Các tổ chức nghiên cứu độc lập có uy tín như Viện Peterson hay Oxford Economics cũng đã đưa ra những nhận định tương tự.
Tuy nhiên, nhận định của IMF khá đặc biệt vì nó sẽ làm tăng khả năng đồng nhân dân tệ được bổ sung vào rổ gồm các loại tiền tệ cấu thành nên Quyền rút vốn đặc biệt (SDR) – loại tiền dự trữ quốc tế được IMF tạo ra vào khoảng những năm cuối của thập kỉ 60.
Vào rổ SDR có ý nghĩa gì?
Một số người đánh giá đây là bước tiến quan trọng trong quá trình quốc tế hóa đồng nhân dân tệ. Dẫu vậy, lịch sử cho thấy mặc dù quyết định của IMF mang ý nghĩa quan trọng về mặt biểu tượng, là thành viên của “câu lạc bộ” SDR không cần thiết và không tác động quá nhiều tới việc nhân dân tệ được chấp nhận là một đồng tiền dự trữ toàn cầu.
SDR là một loại tiền tệ rất đặc biệt. Ra đời trong những năm 1960, đây là tài sản dự trữ có tính chất quốc tế nhằm bổ sung cho tài sản dự trữ của các quốc gia thành viên. Tại thời điểm này hệ thống tỷ giá hối đoái cố định trong khuôn khổ Hiệp ước Bretton Woods đang tồn tại nên các nước tham gia hiệp ước phải đảm bảo dự trữ vàng hoặc tiền tệ mạnh để có thể sử dụng nó mua vào nội tệ khi cần thiết nhằm duy trì tỷ giá hối đoái.
Tuy nhiên, đặc tính cơ bản này đã biến mất khi hệ thống tiền tệ Bretton Woods sụp đổ vào đầu những năm 1970. Kể từ đó đến nay, kể cả sau khi Quỹ tiền tệ quốc tế IMF phát hành 250 tỷ USD Quyền rút vốn đặc biệt để bơm vốn vào hệ thống tài chính toàn cầu trong khủng hoảng, SDR chỉ chiếm chưa đến 4% tổng dự trữ ngoại tệ chính thức của toàn cầu, giảm hơn một nửa so với những năm 1970.
Điều này khiến vai trò của SDR trong hệ thống tiền tệ quốc tế lu mờ, ngoại trừ vai trò là một đơn vị kế toán: rổ 4 đồng tiền cấu thành nên SDR là USD, euro, yên và bảng Anh thỉnh thoảng được sử dụng để tính toán giá trị các hàng hóa được giao dịch trên toàn cầu. Không hề có thị trường tư nhân nào cho các tài sản bằng SDR. Để sử dụng SDR, trước tiên phải đổi nó sang đồng tiền của nước đó.
Cách đây một vài năm, Thống đốc NHTW Trung Quốc Chu Tiểu Xuyên kêu gọi biến SDR trở thành một đồng tiền dự trữ siêu quốc gia. Lời kêu gọi này được coi là một trong những nguyên nhân dẫn đến cuộc tranh luận về tiền tệ trên khắp thế giới. Mỹ coi đây là một phần trong chiến dịch của Trung Quốc nhằm rút ra khỏi chính sách tích lũy dự trữ ngoại hối bằng cách cho phép Bắc Kinh chuyển đổi các tài sản dự trữ bằng USD sang SDR mà không phải bán số USD đang nắm giữ ra thị trường mở.
Việc nhân dân tệ được thêm vào rổ tiền tệ cấu thành nên SDR (rổ này được đánh giá lại sau mỗi 5 năm) mang đến những rủi ro cho mức độ tin cậy của SDR. Nếu SDR muốn trở thành một tài sản được tư nhân nắm giữ, nó phải phát triển được một thị trường sâu rộng và có tính khoản cao. Việc thêm đồng nhân dân tệ không giúp ích gì cho điều này. Mặc dù ngày càng được sử dụng rộng rãi, nhân dân tệ mới chỉ chiếm một phần nhỏ trên thị trường trái phiếu quốc tế cũng như hoạt động cho vay xuyên biên giới tại các ngân hàng.
Cho đến nay vẫn chưa rõ nhân dân tệ đã đáp ứng được yêu cầu “có thể tự do sử dụng” của IMF hay chưa. Đồng nhân dân tệ vẫn chưa hoàn toàn có khả năng chuyển đổi cũng như chưa được thả nổi hoàn toàn và vẫn là công cụ để Trung Quốc thực hiện các biện pháp kiểm soát vốn cũng như thực hiện các nghiệp vụ trên thị trường mở. Trong quá khứ việc thêm vào những đồng tiền có tính thanh khoản thấp đã khiến SDR suy yếu. Để củng cố SDR, chính IMF đã giảm số lượng tiền tệ trong rổ từ con số 16 ban đầu xuống chỉ còn 5 vào năm 1981 và thu hẹp còn 4 sau khi đồng D-Mark của Đức và franc của Pháp gộp chung vào đồng euro.
Chưa phải là đích cuối
Đối với bản thân đồng nhân dân tệ, chắc chắn uy tín của đồng tiền này sẽ tăng lên nếu được sánh ngang với các “ông lớn” khác trong rổ của SDR. Tuy nhiên, các nhà quản lý dự trữ ngoại hối trên toàn thế giới thường có tính bảo thủ và độc lập, và họ sẽ không chấp nhận để việc đánh giá một đồng tiền có đáng tin cậy và thanh khoản tốt hay không dựa trên những áp lực chính trị. Họ cũng sẽ không muốn giữ các tài sản nhân dân tệ nếu không chắc chắn rằng chúng có thể được mua đi bán lại một cách dễ dàng và nhanh chóng hay giá trị của nó bị ảnh hưởng bởi chính trị.
Dự trữ ngoại hối được tích lũy để phục vụ mục đích can thiệp vào thị trường chứ không phải để tìm kiếm lợi nhuận, do đó thị trường phát triển sâu rộng và có tính thanh khoản cao là điều bắt buộc. Tư cách là thành viên của SDR cũng không hoàn toàn cần thiết nếu một đồng tiền muốn được các nước giữ làm dự trữ ngoại hối. Ví dụ, đồng franc Thụy Sĩ vẫn được nhiều NHTW tích lũy dù không nằm trong rổ SDR.
Các nhà nghiên cứu tại Citi đã hỏi các nhà quản lý dự trữ ngoại hối rằng họ có sẵn sàng giữ tích lũy nhân dân tệ hơn hay không nếu đồng tiền này được bổ sung vào rổ SDR. Kết quả khảo sát cho thấy trung bình câu trả lời nằm giữa “có” và “không đồng ý mà cũng chẳng phản đối”. Có vẻ như đây là hai vấn đề không mấy liên quan đến nhau.
Trước khi ra đời năm 1999, euro thường được dự báo sẽ trở thành đối thủ đáng gờm của đồng USD trên tư cách là tài sản dự trữ toàn cầu vì giúp xóa bỏ rủi ro tỷ giá giữa các đồng tiền khác nhau ở châu Âu và hình thành nên một nhóm các tài sản thống nhất có quy mô khổng lồ.
Tuy nhiên, trên thực tế tỷ trọng của euro trong dự trữ toàn cầu, đã giảm xuống sau khi tăng khoảng 25%. Khủng hoảng ở eurozone có thể là một nguyên nhân, nhưng vấn đề nằm ở chỗ thị trường trái phiếu châu Âu vẫn bị phân mảnh thành nhóm có tính thanh khoản cao (do Đức phát hành) và nhóm rủi ro hơn rất nhiều. Kể cả trước khi khủng hoảng nổ ra, các chính trị gia châu Âu vẫn luôn coi euro là một mối đe dọa đối với hoạt động xuất khẩu của họ.
Trung Quốc vẫn đang từng bước cải thiện tính chất của nhân dân tệ để biến nó thành đồng tiền dự trữ quốc tế. Được bổ sung vào rổ SDR sẽ là một bước đánh dấu những nỗ lực ấy đã đạt được thành tựu gì. Tuy nhiên, điều này không có nhiều ý nghĩa đối với quá trình trở thành đồng tiền chủ chốt trong dự trữ ngoại hối của các nước trong trung hạn.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]