Việt Nam đứng thứ 4 trên tổng số 149 quốc gia về năng lực chuyển đổi mức độ thịnh vượng về mặt kinh tế sang chất lượng cuộc sống của người dân, sau 3 nước Moldova, Kyrgyzstan, và Nepal.
Đây là kết quả phân tích sử dụng công cụ Đánh giá phát triển kinh tế bền vững (Sustainable Economic Development Assessment – SEDA) do công ty tư vấn quản lý Boston Consulting Group (BCG) thực hiện.
Với chỉ số GDP/người (dựa trên ngang giá sức mua) chỉ đạt gần 5.200 USD, nhưng Việt Nam lại thuộc nhóm các quốc gia có biểu đồ phát triển ổn định, có khả năng đạt chất lượng sống của người dân ngang bằng với các quốc gia có GDP/người trung bình là 10.000 USD.
“Nếu đang ở một quốc gia có GDP/người đạt 10.000 USD và mức GDP được phân bổ đều, thì người dân quốc gia này hẳn rất hạnh phúc. Nhưng nếu với thu nhập 10.000 USD mà phúc lợi liên quan đến chăm sóc sức khoe, giáo dục, hay chất lượng không khí bị suy giảm, thì mức thu nhập này không mang nhiều ý nghĩa”, ông Chris Malone – thành viên hợp danh của công ty BCG, chuyên gia tư vấn phát triển kinh tế tại Việt Nam nhìn nhận.
"Nếu không chuyển được sự thịnh vượng về mặt kinh tế thành chất lượng cuộc sống thì giá trị của sự tăng trưởng kinh tế là gì", chuyên gia của BCG đặt dấu hỏi.
Cũng theo báo cáo này, Việt Nam đã đạt kết quả ở mức trên trung bình về khả năng chuyển đổi sự phát triển kinh tế thành những nỗ lực cải thiện chất lượng sống cho người dân.
“Không những Việt Nam đang làm tốt mà Việt Nam còn đang ở trên cả Thái Lan, Nhật Bản, Đức, Australia…”, ông Chris bổ sung.
SEDA đo chất lượng cuộc sống người dân thông qua 3 yếu tố nền tảng, thể hiện trên 10 phương diện gồm: Thu nhập, Ổn định kinh tế, Việc làm, Y tế, Giáo dục, Cơ sở hạ tầng, Công bằng về thu nhập, Xã hội dân sự, Quản trị Nhà nước, Môi trường.
Việt Nam có 4 lĩnh vực đang làm rất tốt, thậm chí tốt hơn cả mức trung bình của ASEAN - 4 (*) là: Ổn định kinh tế, Y tế, Giáo dục, Xã hội dân sự.
“Nhiều người có chung ý kiến là Việt Nam còn nhiều việc phải làm liên quan đến Y tế và Giáo dục. Và điều tôi muốn nói ở đây là độ phủ, tức khả năng tiếp cận giáo dục và y tế của Việt Nam tương đối lớn”, ông Chris nói.
Tuy nhiên, báo cáo cũng cho biết, hiện còn một số thách thức sẽ cản trở Việt Nam đạt được những mục tiêu đề ra. 3 lĩnh vực chính mà Việt Nam cần giải quyết là: Lao động – Việc làm, Cơ sở hạ tầng, Dịch vụ công và Quản trị nhà nước.
((*) ASEAN - 4 gồm Malaysia, Philippines, Thái Lan và Indonesia – BCG loại Singapore khỏi rổ tính do đây là quốc gia thu nhập cao, trong khi tất cả các nước ASEAN còn lại có mức thu nhập từ thấp đến trung bình khá).
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]